Doanh nghiệp còn thờ ơ với công tác xây dựng pháp luật

(PLO) - Gửi văn bản xin ý kiến xây dựng pháp luật nhưng công văn toàn đóng dấu… hỏa tốc; hoặc gửi văn bản xin ý kiến không liên quan đến lĩnh vực của doanh nghiệp (DN) với văn bản pháp luật cần xin ý kiến… là những phản ánh đáng chú ý được đưa ra trong Hội nghị đối thoại với DN về phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan nhà nước và DN trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (19/12).   
Quang cảnh Hội nghị.

DN có tâm lý e ngại

Đánh giá về sự tham gia của DN đối với công tác xây dựng pháp luật, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Văn Đạt cho rằng, nhận thức về quyền và lợi ích của DN trong quá trình xây dựng pháp luật chưa cao dù trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định rất rõ quyền đóng góp ý kiến của DN trong xây dựng pháp luật.

“Đa số các DN còn rất thờ ơ với công việc này, đặc biệt DN vừa và nhỏ (DNVVN). Hầu hết đều không thật sự đầu tư chất xám để có ý kiến trong xây dựng chính sách. Có DN còn có tâm lý e ngại khi đưa ra ý kiến của mình đối với cơ quan nhà nước. Khả năng tiếp cận, phân tích đánh giá văn bản quy phạm pháp luật còn thấp” - ông Đạt nói. 

Cũng theo ông Đạt, có thể chia sẻ với DN về việc DN rất khó để bố trí nhân lực chuyên theo dõi công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước, nhất là trong điều kiện pháp luật liên tục được sửa đổi, bổ sung. Nhưng tại nhiều DN, trình độ người làm công tác pháp chế chưa đáp ứng được việc nghiên cứu pháp luật để đưa ra những góp ý xác đáng.

Điều đặc biệt, DN chỉ quan tâm đến pháp luật khi quy định đó có liên quan trực tiếp đến mình hoặc khi nảy sinh sự việc như bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt, khi phải đóng thuế hoặc làm các thủ tục hành chính. 

Ông Đạt cho biết thêm, có một thực tế phải ghi nhận, khi tiến hành xin ý kiến thì không thấy những người bị tác động, điều chỉnh bởi luật đưa ra ý kiến. Rất ít DN có ý kiến trên cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành hoặc có ý kiến thì nhất trí 100% các vấn đề đã đưa ra, không có nhiều ý kiến có chất lượng.  

Đồng tình với đánh giá của ông Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hà cũng cho rằng, DNVVN rất ít quan tâm đến quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Bà Hà cho biết, mỗi lần tiến hành lấy ý kiến DN xây dựng văn bản, bản thân bà và Vụ Pháp chế khá quyết liệt. Bà và các Sở đều tiến hành gọi điện, vận động DN tham gia.

“Nhưng DN cử không đúng thành phần, khi góp ý thì cho rằng khô cứng, không quan tâm. Đặc biệt là dù nhiều DN có vướng mắc nhưng rất ít DN đứng lên phản hồi về các ý kiến trái chiều, trong khi những phản hồi này khá thiết thực”. 

DN là đối tượng đầu tiên bị tác động bởi Luật

Về phía DN, một đại diện đến từ Công ty Kỹ thuật quản lý bay lại đưa ra ý kiến được nhiều các đại biểu tham dự Hội nghị đồng tình. Đó là việc các văn bản xin ý kiến xây dựng pháp luật của bộ, ngành (cụ thể trong trường hợp này là Bộ Giao thông Vận tải) đều đóng dấu hỏa tốc.

Hồ sơ xin ý kiến thiếu, chỉ đưa ra mỗi dự thảo khiến DN muốn thực tâm đóng góp phải tự tìm hiểu thêm như xem tờ trình thế nào, giải thích về dự thảo ra sao. 

“Gần đây, Công ty tôi còn nhận được văn bản xin ý kiến về đóng góp xây dựng văn bản pháp luật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Chúng tôi không thể có ý kiến đóng góp vào vấn đề này nhưng vẫn phải làm văn bản trả lời.

Vì vậy, phải phân chia rõ ràng đối tượng xin ý kiến xây dựng pháp luật cho đúng chuyên môn, chuyên ngành. Chỉ khi “áp” đúng đối tượng thì việc xin ý kiến xây dựng văn bản pháp luật mới hiệu quả” - vị đại diện này khẳng định. 

Bà Phan Minh Thủy - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, VCCI là đơn vị đại diện DN cũng đã thực hiện đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật nhiều năm nay. Theo bà Thủy, muốn khuyến khích DN tham gia xây dựng pháp luật thì phải hiểu DN và hiểu những khó khăn mà DN gặp phải như thiếu thông tin về dự thảo, thời hạn góp ý ngắn, không rõ về nơi góp ý thông tin, nội dung dự thảo khó hiểu… 

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến thông tin, Việt Nam vừa trúng cử vào vị trí thành viên của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp quốc (UNCITRAL). Ông Tuyến khẳng định, khi Việt Nam tham gia UNCITRAL sẽ có rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi DN.

Ví như vấn đề quyết định tổ chức đứng ra giải quyết tranh chấp hợp đồng sẽ không phải là Tòa án nữa. “Các DN cần phải tính toán nhiều và kỹ càng vì Việt Nam còn lực lượng trọng tài thương mại. Đặc điểm của trọng tài thương mại là có thể cưỡng chế thi hành ngay” - ông Tuyến cho biết. 

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Tuyến, nếu DN không quan tâm trong quá trình lấy ý kiến xây dựng và thực thi pháp luật thì đến khi ban hành, chính DN là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng và tác động trực tiếp. Ông Tuyến dẫn chứng, rất nhiều đạo luật liên quan mật thiết đến DN nhưng hầu như không có sự tham gia đóng góp từ các DN như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư.

Đọc thêm