Doanh nghiệp dân tộc là động lực phát triển nền kinh tế

(PLVN) - Doanh nghiệp dân tộc không chỉ là trụ cột của nền kinh tế mà còn là biểu tượng của tinh thần tự cường và bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, việc xây dựng các doanh nghiệp dân tộc đủ tầm vóc để cạnh tranh với những doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới là nhiệm vụ cấp thiết. Những doanh nghiệp này không chỉ góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, dẫn dắt các ngành kinh tế trọng yếu mà còn nâng tầm thương hiệu Việt, thúc đẩy hội nhập và khẳng định vị thế đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Một dây chuyền sản xuất ô tô của Tập đoàn Trường Hải. (Ảnh: Thacoauto.vn)

Nhận thức bước đầu về doanh nghiệp dân tộc

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” (DNDT). Thế nào là DNDT, đường hướng phát triển, lộ trình, sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt pháp lý còn phải được xác định cụ thể. Tuy chỉ là khái niệm ban đầu nhưng qua đó cũng đã gợi mở ra một trong những đường hướng phát triển của đất nước trong tình hình mới: phát huy triệt để nội lực, xây dựng doanh nghiệp (DN) trong nước, trụ cột phát triển kinh tế.

Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết số 29-NQ/TW là nghị quyết riêng đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa kể từ Đổi mới 1986 nên được nhiều người kỳ vọng. Trong Nghị quyết số 29 - NQ/TW, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được đặt ra như một trụ cột chính: (Để) thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa… doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, là “động lực chính, chủ đạo”; vai trò “xung kích, đi đầu” của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam được phát huy.

Cách tiếp cận về vai trò của DN và doanh nhân như vậy trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là cầu thị và thực tế sau rất nhiều kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta. Kể cả trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân cũng chỉ được xác định để trở thành “một động lực quan trọng” trong nền kinh tế. Nghị quyết 29-NQ/TW đã khẳng định một lần nữa vai trò của DNDT.

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị trí của DNDT trong thời kỳ mới, nêu rõ yêu cầu cần phải “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DNDT, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”.

Cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp dân tộc

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính từ sau khi Đổi mới (1986) đến năm 2023, Việt Nam đã hình thành đội ngũ doanh nhân, DN hùng hậu với số lượng hơn 900 nghìn DN, hơn 20 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Mặt khác, các DN, doanh nhân Việt Nam có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam đã xuất hiện nhiều DN “sếu đầu đàn” quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực cũng như nền kinh tế. Những DN như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan,… không chỉ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao Thương hiệu Quốc gia trên trường quốc tế.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%.

Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động, tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập DN chiếm khoảng 34%. Một lực lượng DN tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị DN, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Cụ thể, một trong những DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng như Thaco Trường Hải cho thấy khát vọng đưa sản phẩm công nghiệp sản xuất chế tạo Made in Vietnam ra toàn cầu chính là động lực thôi thúc DN vươn lên từ những ngày đầu. Ghi nhận từ Thaco, tỉ lệ nội địa hoá của DN này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%. Hay như Vinfast đang là đơn vị tiên phong với nội địa hoá được 60% từ khung gầm, nội thất, ngoại thất, hệ thống điện, hệ thống tự động hoá,…

Nhiều DN đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các DN nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia. Bên cạnh đó, các DNDT còn thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu và bảo vệ an ninh kinh tế, đảm bảo chủ quyền quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng và quốc phòng.

Chính nhờ sự phát triển của các DN này, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày càng vững mạnh và bền vững hơn.

Đọc thêm