Nhận định của ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ đưa ra tại Hội thảo “AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), TPP (Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương): Các tác động đến nền kinh tế và DN ĐBSCL - Những vấn đề nổi bật cần quan tâm” (do VCCI Cần Thơ tổ chức) là vấn đề đáng lưu tâm khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với thế giới.
Thủ tục “lằng nhằng” cản bước DN hội nhập
Ông Võ Hùng Dũng cho biết, tình hình tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL năm nay tăng chậm lại so với các năm trước. Cùng với đó, DN vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như sức cạnh tranh của DN, vấn đề khởi nghiệp của sinh viên chưa được thấu đáo; thực trạng di dân ra khỏi khu vực tăng cao, chiếm 8,7%, đặc biệt tại các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng...
Cơ sở hạ tầng của vùng có bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho việc phát triển; các tỉnh của vùng chưa thống nhất thủ tục đầu tư, còn “lằng nhằng”; lệ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài... Đó là chưa nói, tình hình biến đổi khí hậu đang tác hậu nghiêm trọng ở ĐBSCL đòi hỏi có những thay đổi về sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, “sức mua của ĐBSCL rất mạnh, xuất khẩu của vùng cao hơn nhập khẩu, cao gấp 2/3 lần. Kinh tế ĐBSCL có triển vọng phát triển tốt trong thời gian hai, ba năm tới” - ông Dũng dự báo. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý các DN của ĐBSCL “nông sản của chúng ta càng ngày càng bị hút vào thị trường Trung Quốc do chưa cải thiện được chất lượng”.
Cùng với đó, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thách thức của Việt Nam không phải giảm thuế, cạnh tranh về giá, mà là có rất nhiều tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe, cơ chế “xin - cho”. Do vậy, cần phải xoá bỏ cơ chế này mới “nới lỏng” được sức cạnh tranh cho DN, nhất là những DN vừa và nhỏ như ở ĐBSCL trước thời cơ của các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Tự thay đổi để tăng sức cạnh tranh
Trong điều kiện có các hiệp định thương mại tự do, tình hình xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, gạo, cá tra, cá ba sa,... của Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể và kéo theo nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam. Thương mại tự do sẽ giải quyết các rào cản kỹ thuật, các DN sẽ được hưởng ưu đãi trong phát triển vận hành trong môi trường pháp lý thân thiện với DN.
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ của châu Âu mở cửa cho dịch vụ Việt Nam và ngược lại. Ngoài ra, các vần đề về bảo vệ môi trường, con người, biến đổi khí hậu của Việt Nam và trách nhiệm xã hội của DN sẽ được đảm bảo.
“Xếp hạng vốn đầu tư FDI của EU vào Việt Nam đứng thứ 3 năm 2015 nhưng con số này vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng hiệp định tự do mậu dịch sẽ biến Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực. Bởi Việt Nam là nước tiên phong trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế mậu dịch, đàm phán tự do mậu dịch giữa EU và Việt Nam là mô hình mẫu để EU đàm phám với các nước trong khu vực ASEAN” - bà Miriam Garcia Ferrer - Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết.
Nhưng bà Miriam Garcia Ferrer “thật sự lo lắng cho Việt Nam trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn”. Theo bà, những thách thức đối với Việt Nam cần chú ý đến việc sản xuất sạch, nâng cao hình ảnh sản phẩm xuất khẩu.
Do vậy, bà Miriam Garcia Ferrer cảnh báo, nhiều khả năng các DN Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh với các DN bên ngoài nếu không được khắc phục triệt để những “điểm yếu”: cơ sở hạ tầng kiểm soát an toàn thực phẩm, nền công nghiệp dệt may của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài...
Trong năm 2015, vốn đầu tư FDI tại khu vực ĐBSCL có sự cải thiện, tổng vốn đầu tư 258,7 nghìn tỉ đồng (chiếm khoảng 20% vốn đầu tư trong cả nước), có sự thay đổi rất lớn so năm 2010 (chiếm 15% so với cả nước). Nguồn vốn nước ngoài tập trung đầu tư vào điện gió Cà Mau, Sóc Trăng, các ngành công nghiệp dệt may và giày dép. Hiện, ĐBSCL có khoảng 10,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 19,5% lao động cả nước. Trong đó 50% lao động nông nghiệp, 17% lao động công nghiệp và 33% lao động các ngành dịch vụ khác.