Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh tốt, lợi nhuận cao
Góp ý về phân phối lợi nhuận và sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, dự thảo Luật quy định phân phối đối với doanh nghiệp (DN) 100% và 50 - 100% vốn nhà nước, nhưng lại không quy định là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế thu nhập DN. ĐB đề nghị cần quy định rõ lợi nhuận phân phối ở đây phải là lợi nhuận sau thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định liên quan đến DN nhà nước có vốn nhà nước đầu tư dưới 50% thì lợi nhuận được phân phối như thế nào.
Cùng quan tâm đến quy định phân phối lợi nhuận, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ chế phân phối lợi nhuận theo dự thảo Luật sẽ không khuyến khích các DN kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao, vì tất cả đều được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi. Nếu DN làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả tiền lương cao, không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng thu nhập của người lao động hàng tháng vẫn cao. Ngược lại, nếu DN tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp.
Đại biểu Trần Khánh Thu. |
Do vậy, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh.
Góp ý về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, ĐB Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) chỉ rõ, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình DN, chức năng quản trị kinh doanh của DN nhà nước”. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Do vậy, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ căn cứ và yêu cầu thực tiễn của quy định một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn để QH xem xét, quyết định.
Đổi mới giám sát theo yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Sáng cùng ngày, QH tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.
Góp ý về việc bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho biết, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật mà đổi mới tư duy xây dựng pháp luật vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện, vừa là đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia. QH có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì đòi hỏi công tác giám sát và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. |
Về quy định thời điểm QH xem xét, thảo luận các báo cáo, theo nữ ĐB tỉnh Thái Bình, việc chuyển thời điểm QH xem xét, thảo luận một số báo cáo từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc rất lớn của QH tại các kỳ họp cuối năm; đồng thời tạo thuận lợi để Chính phủ, Bộ, ngành trong quá trình thống kê, xây dựng báo cáo tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, làm cơ sở cho việc đánh giá toàn diện kết quả công tác trong năm của cơ quan chịu sự giám sát, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình QH, gây lãng phí nguồn lực.
Cũng góp ý về nguyên tắc hoạt động giám sát, ĐB Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là phù hợp. Còn về cách thức thể hiện, ĐB thống nhất xác định đây là một nguyên tắc riêng, một nội dung mới được bổ sung vào trong Luật.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, dự thảo Luật chỉ sửa đổi bổ sung khoản 2, quy định thêm đối tượng là Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ QH; đồng thời gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH có liên quan để giám sát. ĐB Hương đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung cả khoản 4. Theo đó, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát. Quy định thật cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử.
Trong ngày 29/11, QH đã biểu quyết thông qua 5 Luật, bao gồm: Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Đầu tư công (sửa đổi).