Doanh nghiệp gặp khó với “thiên la địa võng” của luật DN và thủ tục hành chính

(PLO) -Luật và thủ tục hành chính ở Việt Nam giống như thiên la địa võng, vô cùng phức tạp cản trở sự phát triển của DN trong nước và DN có vốn nước ngoài. Một phần lớn các doanh nghiệp đi đến giải thể, ngừng hoạt động là do những khó khăn, vướng mắc về luật và thủ tục hành chính ở Việt Nam.
Doanh nghiệp có cơ hội được nói về những vướng mắc về thủ tục hành chính với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hướng Dương
Doanh nghiệp có cơ hội được nói về những vướng mắc về thủ tục hành chính với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hướng Dương
Đó chính là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ thịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, đại diện cho khối doanh nghiệp nói lên những bức xúc, rào cản trong luật và thủ tục hành chính tại buổi đối thoại doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được tổ chức ngày 25/6, tại Hà Nội.
Chương trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm gỡ khó về thủ tục hành chính, luật cho các DN.
Luật và thủ tục hành chính giống như “thiên la địa võng”
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp ví von luật và thủ tục hành chính ở Việt Nam giống như một cô gái đẹp, nhìn thì thích nhưng rất khó để tiếp cận và ở lại lâu dài. Ông đánh giá, thủ tục hành chính quá nặng nề đã làm chậm quá trình đầu tư, giảm sự thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thủ tục hành chính cho các DN giống như một thiên la địa võng, vô cùng phức tap, các DN FDI gặp khó khăn lớn về vấn đề này. 
Ông Hiệp lấy một ví dụ khi thành lập một dự án, theo đúng thủ tục hành chính ông phải đi xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, chờ câu trả lời, sau đó gửi sở Kế hoạch đầu tư (Sở KHĐT lại xin ý kiến các ban ngành khác về dự án) nếu được sẽ chuyển lại UBND. Sau khoảng 40 ngày được chứng nhận lại tiếp tục gửi về Sở KHĐT xin chứng nhận. Có chứng nhận rồi  tiếp tục xin giấy phép quy hoạch rồi gửi bản vẽ, quy hoạch và báo cáo lên thường trực thành phố quyết định rồi gửi lên sở tài nguyên môi trường xin thẩm quyền sử dụng đất tiếp đó sở sẽ xin ý kiến về việc giao đất và cuối cùng là cấp phép xây dựng.
“Để được cấp phép thực hiện một dự án quả thực là quá khó khăn, những thủ tục cồng kềnh này thực sự là một trở ngại lớn đối với chúng tôi”, ông Hiệp nói. 
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho rằng việc xác định tăng thuế đất đai theo giá trị thặng dư có nhiều điểm bất hợp lí. Theo luật DN, thuế đất chỉ được phép tăng dưới 5% nhưng trong những năm qua thuế đất của DN được tăng một cách vô tội vạ, nhiều DN làm ăn thua lỗ vẫn phải gánh khoản thuế khổng lồ tăng nhanh qua các năm. Qua đó ông Hiệp kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng và các cơ quan ban ngành chức năng cần vào cuộc ngay gỡ khó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thuế đất đai giúp DN yên ổn làm ăn cống hiến cho đất nước.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang thay mặt cho các khách hàng thuộc khối các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng thủ tục hành chính rắc rối cùng những khó khăn trong luật DN, chính sách thuê đất, thuế đất đai khiến các DN nước ngoài rất ngại, đăc biệt là cơ chế xin cho khi đầu tư ở Việt Nam. Ngay cả khi DN ngừng hoạt động, giải thể thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải thể, phá sản cũng không hề dễ dàng.
Vấn đề thuê, thuế đất đai gây nhiều bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến phần đông các DN bên cạnh các vấn đề về khoáng sản, môi trường và nước.Tại hội nghị, các DN cũng đối thoại cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vướng mắc về thủ tục hành chính, luật trong lĩnh vực môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước. Đa phần các DN đều kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp các DN trút bỏ gánh nặng này toàn tâm dồn sức vào đẩy mạnh sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Luật, thủ tục hành chính là rào cản đối với sự phát triển của DN?
Ông Mai Quốc Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng quốc hội cho rằng vấn đề cải cách thủ tục hành chính, luật DN đã được đặt ra từ rất lâu nhưng chưa đạt kết quả. 
“Cần phải xác định rõ ai là chủ nhân của thủ tục hành chính mà bao năm qua nói cải cách mà cải cách không nổi, vấn đề bây giờ là phải xác định đúng chủ nhân của thủ tục hành chính để đưa ra giải pháp đúng cuộc cải cách mới triệt để”, ông Hùng nói.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch thường trực VCCI cho rằng, luật, thủ tục hành chính là rào cản đối với sự phát triển của DN trong thời gian qua. Tính đến năm 2013, VN có khoảng 600.000 DN, trong đó có khoảng 16.000 DN có vốn nước ngoài. So với các nước trên thế giới số lượng DN của VN vẫn còn quá nhỏ bé. Ở Mỹ và Nhật cứ khoảng 10 người dân là có một DN trong khi VN phải 200 người dân mới có một DN, trong đó 97% là DN nhỏ và vừa. Quy mô, vốn, sức cạnh tranh và tốc độ phát triển của các DN còn rất thấp. Hàng nghìn DN rời bỏ thị trường vì yếu kém và không có sức chịu đựng các luật, thuế, thủ tục hành chính ở VN. 
“Hàn Quốc, Đài Loan tại sao họ lại có sự phát triển thần kì đó là vì Chính phủ có sự hỗ trợ đặc biệt về thuế đất, về môi trường, thủ tục hành chính. Còn VN thì các loại luật và thủ tục hành chính quá sức phức tạp, các DN phải đối mặt với hơn 400 loại giấy tờ hành chính không cần thiết thì không còn sức đâu mà lo sản xuất để rồi dẫn đến làm ăn không hiệu quả, giải thể, ngừng hoạt động”, ông Dũng cho hay. 
Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cải cách thủ tục hành chính là chìa khóa quan trọng trong quá trình đổi mới cần minh bạch, rõ ràng giúp các DN phát triển. Ông khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, lắng nghe, chia sẻ từ đó ghi nhận ý kiến của các DN, người dân để ngày càng hoàn thiện các thể chế luật và thủ tục hành chính./.

Đọc thêm