Doanh nghiệp khả quan với tình hình sản xuất kinh doanh

(PLO) - Có đến 36,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III khả quan hơn quý trước và có 46,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý IV sẽ tốt lên… 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong những tháng cuối năm, sản xuất kinh doanh (SXKD) trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải có những ứng phó tốt hơn…
Mặc dù trong tháng 9 số DN thành lập mới có giảm về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 68.347 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 420,9 nghìn tỷ đồng, tăng 28,5% về số DN và tăng 31,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 608,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn trong 9 tháng qua. 
Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2015 là 1.029,9 nghìn tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các DN thành lập mới 9 tháng là 999,3 nghìn người, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2014. Số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng là 12.848 DN, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
“Nhìn chung, tình hình DN gia nhập thị trường trong 9 tháng năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng DN và hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN...”- ông Nguyễn Bính Lâm, Tổng cục trưởng TCTK nhận định.
Kết quả điều tra về tình hình SXKD của DN quý III so với quý trước cũng cho thấy, có 36,6% số DN đánh giá tình hình khả quan hơn; 19,9% số DN đánh giá gặp khó khăn và 43,5% số DN cho rằng tình hình SXKD ổn định. Dự kiến quý IV so với quý III, có 46,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,4% số DN dự báo kém đi và 38,8% số DN cho rằng tình hình SXKD sẽ ổn định. 
Về khối lượng sản xuất, có 40% số DN đánh giá khối lượng sản xuất của DN quý III năm nay tăng so với quý trước; trong khi chỉ có 20,7% số DN đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 39,3% số DN cho rằng ổn định. Xu hướng quý IV so với quý III được nhận định tốt hơn khi có 49,2% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên trong khi 13,8% số DN dự báo giảm và 37,0% số DN dự báo ổn định. 
Về đơn đặt hàng, đặc biệt đơn hàng xuất khẩu cũng có xu hướng quý sau cao hơn quý trước, khi quý III so với quý II có 34,2% số DN có số đơn đặt hàng cao hơn và 28,5% số DN khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn và xu hướng quí IV so với quý III khả quan hơn khi có 43,6% số DN dự kiến có đơn hàng cao hơn và 37,6% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu…
Tuy nhiên, theo nhận định của TCTK, trong những tháng cuối năm SXKD trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Thị trường tài chính được dự báo tiếp tục có những biến động phức tạp, giá dầu thô chưa ổn định. Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, do đó biến động tỷ giá của nước này sẽ còn gây bất ổn cho thị trường tài chính quốc tế và tác động tiêu cực đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 
Trong những tháng tới, nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá thì nhập siêu của Việt Nam với thị trường này sẽ gia tăng. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu nông sản của nước ta có xu hướng bị thu hẹp do có sự cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm chủ yếu như gạo, cà phê... của một số nước (Thái Lan, Ấn Độ...).  Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng của nước ta cũng sẽ gặp bất lợi khi phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. 
“Các DN cần tranh thủ mọi cơ hội để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế; tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực và nâng cao năng suất cũng như năng lực của lao động trong các khu vực kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi tình hình thế giới có nhiều bất ổn. 
Bên cạnh đó, các DN cũng cần xây dựng phương án kinh doanh hợp lý đi đôi với việc nghiên cứu, xem xét đầy đủ, toàn diện diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước để chủ động ứng phó trước biến động của tỷ giá, đồng thời tăng cường đầu tư để đạt hiệu quả SXKD tốt nhất khi Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về mở cửa thị trường…”- Tổng cục trưởng TCTK đưa ra lời khuyên. 

Đọc thêm