Doanh nghiệp không còn “gánh nặng” về con dấu

(PLO) - Trước đây, thay vì coi con dấu như một món đồ “tối mật”, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, giờ đây, các doanh nghiệp (DN) đã có quyền tự quyết với con dấu của mình. 
Doanh nghiệp không còn “gánh nặng” về con dấu

Việc cầm con dấu ra ngoài trụ sở, những biểu tượng đặc trưng của công ty trên con dấu, thậm chí cả việc có dùng con dấu hay không… sẽ hoàn toàn do chủ DN tự quyết định.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 58/2001/NĐ-CP thì Con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an cấp, theo hình thức, nội dung được quy định sẵn.  Doanh nghiệp muốn hoạt động phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý cho khắc dấu và cấp giấy đăng ký mẫu dấu. DN muốn có con dấu thứ hai thì cũng phải xin phép và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Việc sử dụng, quản lý con dấu cũng vô cùng nghiêm ngặt. DN không được phép tự ý thay đổi và phải dành thời gian, chi phí cho việc bảo quản. DN cũng như gặp rất nhiều khó khăn nếu mất con dấu.

Theo Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 58/2001/NĐ-CP, con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp. Nói cách khác, nếu không có con dấu đóng trên văn bản giấy tờ thì văn bản giấy tờ đó cũng chưa được khẳng định giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành được QH thông qua trong kỳ họp thứ 8 đã chuyển quyền quyết định này về cho DN.

Cụ thể, điều 44 Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, nhưng phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện những thông tin tên DN và mã số DN. DN có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. 

Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của điều lệ công ty, chứ không bắt buộc phải lưu giữ, bảo quản trong trụ sở DN như quy định hiện hành. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về DN, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.

Như vậy, với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới, con dấu doanh nghiệp không còn là điều bắt buộc, mang giá trị pháp lý như trước mà chỉ mang tính chất nhận diện DN. 

Đọc thêm