Sống chung với ô nhiễm
Liên quan đến chuyện tập kết cát trên địa bàn xã Đào Viên, cách đây không lâu, UBND huyện Quế Võ đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND huyện với Trưởng các phòng, ban liên quan và Chủ tịch UBND các xã ven đê. Buổi cam kết nhằm “xiết” trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý hoạt động khai thác, tập kết cát sỏi lòng sông. Trong đó, có yêu cầu chủ yếu về việc giải tỏa các bãi tập kết trái phép. Sau buổi cam kết này, các chủ bãi đã tích cực triển khai việc giải tỏa.
Dù vậy, hiện vẫn còn tồn tại trường hợp chủ bãi cố ý chây ì, sử dụng nhiều chiêu trò để “lách luật”. Bãi tập kết cát của Cty Trọng Cường là ví dụ. Theo tìm hiểu, khoảng tháng 4/2016, bãi tập kết của Cty Trọng Cường lượng cát còn khá lớn nên đơn vị này xin gia hạn kéo dài thời gian giải tỏa đến ngày 15/5/2016. Đáng nói, tính từ thời điểm đó đến nay, Cty này núp dưới danh nghĩa giải tỏa bãi tập kết để tiếp tục hoạt động.
Tại thời điểm khảo sát, phóng viên ghi lại liên tiếp các hình ảnh xe tải chở cát nối đuôi nhau ra khỏi công trường. Các xe này hoạt động với tần suất dày đặc, bất kể ngày đêm. Bà Trương Thị Hanh, một người dân sống gần địa bàn hoạt động của công trường, cho biết: “Bãi cát này đã có hàng chục năm nay rồi. Ngày nào cũng hàng chục xe tải thay phiên nhau chạy, không thể đếm hết được. Dân tình chúng tôi có bức xúc viết đơn thư. Chúng tôi lên huyện tại phòng tiếp tân thì họ không tiếp nên chẳng biết làm thế nào”.
Hoạt động tập kết, vận chuyển cát khiến cuộc sống của người dân suốt nhiều năm nay bị ảnh hưởng, cây cối hoa màu bị đổ táp, không thể sinh trưởng được. “Mỗi lần xe tải đi qua lại kèm theo lượng lớn cát bụi, khiến cây cối bị táp đổ, vùi lấp” – một người dân than thở.
Theo phản ánh từ phía người dân, hàng tháng Cty khai thác cát có chi trả một khoản tiền nhỏ từ 50-100 nghìn đồng cho các hộ bị ảnh hưởng nhằm đền bù việc gây ra bụi bẩn ô nhiễm. Tuy nhiên, với mức “bồi thường” này không đủ để đổi lại sức khỏe và sự an toàn cho cuộc sống dân sinh.
Việc tập kết vận chuyển cát với lượng xe chở lớn làm con đường nội đồng của người dân thôn Đông cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trương Văn Thì cho biết: “Nghe nói Cty thuê con đường của thôn, khi nào đường hỏng thì họ sẽ bỏ tiền ra để sửa đường”. Vậy là cũng dưới danh nghĩa thuê đường của thôn để chuyên chở cát, Cty này đã khiến con đường của người dân rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, ngày nắng bụi bặm, ngày mưa lầy lội.
Công ty Trọng Cường chỉ cung cấp được cho PV quyết định giao đất và cam kết bảo vệ môi trường. |
Chính quyền quản lý tắc trách?
Theo tìm hiểu, người dân tại thôn Đông đã nhiều lần tổ chức họp, cùng ký đơn “kêu cứu” lên xã, huyện mong có một câu trả lời thích đáng từ phía chính quyền, song câu trả lời nhận được chỉ vỏn vẹn: “Đây là chỉ thị của tỉnh và không thể làm khác được” (?!). Trao đổi với cán bộ địa chính xã Đào Viên, phóng viên được biết đơn vị này hoàn toàn chưa có giấy phép tập kết. Biết là hoạt động trái phép, chưa có giấy phép nhưng xã vẫn không nhận trách nhiệm kiểm tra, xử lý mà đùn đẩy. Xã Đào Viên cho rằng, trách nhiệm xử lý thuộc về bên tổ công tác trực thuộc phòng TN&MT huyện.
PLVN cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hiếu - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Võ. Ông Hiếu cho biết :“Đơn vị khai thác cát của công ty Trọng Cường nằm trong danh sách quy hoạch, do tỉnh chỉ đạo và có giấy phép hoạt động hợp pháp cho đơn vị này”. Song, khi hỏi về giấy phép quy hoạch của Công ty Trọng Cường thì ông Hiếu không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan.
Theo ông Hiếu nhận định, bãi cát mà công ty hoạt động chỉ đơn thuần là nơi tập kết, không còn khai thác mà đang giải tỏa theo yêu cầu của UBND huyện. Khi được hỏi về đánh giá tác động môi trường, ông Hiếu cũng không cung cấp được vì cho rằng báo cáo tác động môi trường hết hạn trước khi ông về công tác tại Phòng TN&MT và Cty hiện không khai thác nữa. Ông Hiếu cũng khẳng định, nếu bất kì người dân nào thắc mắc thì sẽ đều trả lời công khai để người dân nắm rõ. Nhưng trên thực tế có đúng như cán bộ trả lời?
Đem câu trả lời của vị cán bộ Phòng TN&MT huyện chia sẻ với người dân. Người dân, đại diện là bà N.T.T phản bác trong nỗi bức xúc: “Chúng tôi bao năm nay chưa hề nhận được câu trả lời đến bao giờ thì chấm dứt tình trạng này từ phía chính quyền và cơ quan có trách nhiệm”.
Trở lại câu chuyện tập kết, vận chuyển cát của Cty Trọng Cường tại địa bàn xã Đào Viên. Theo khảo sát, những hình ảnh xe tải của công ty được phóng viên ghi lại còn vận chuyển cát ra đoạn km số 15, cách Phả Lại 12km tập kết một bãi cát rất lớn, không hề có biển hiệu tên công trình quy hoạch. Sau khi kiểm chứng thông tin này, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết: “Tôi không nắm được tình hình ở đó, có thể là bãi quy hoạch cây xăng mới. Phóng viên có thể đến gặp Chủ tịch UBND xã đó để nắm rõ hơn”.
Cán bộ Phòng TN&MT huyện có trách nhiệm phải kiểm tra giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường và báo cáo tác động môi trường của huyện. Nhưng hiện ông Hiếu lại không nắm rõ tình hình môi trường tại địa phương và cũng không có bất cứ giấy tờ nào của dự án. Phải chăng, chính sự bất cẩn, lơ là của cán bộ, cơ quan chức năng có trách nhiệm đã vô hình trung tiếp tay cho các doanh nghiệp đầu tư ngang nhiên khai thác cát trái phép?.
Để có thông tin đa chiều PLVN đến gặp Giám đốc Cty Trọng Cường. Khi được hỏi về các giấy phép hoạt động, cam kết bảo vệ môi trường, phía Cty Trọng Cường chỉ đưa ra được bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án “Bãi tập kết cát sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng”, kèm theo các tờ trình đề nghị cho phép khảo sát địa điểm dự án từ tháng 10/2014, chứ không có một văn bản cụ thể nào quyết định cho Cty Trọng Cường được phép triển khai dự án hay thời hạn hoạt động cho đến nay.
Sự tắc trách và lơ là trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản quốc gia của chính quyền xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã vô tình đẩy người dân sinh sống tại bãi tập kết cát phải sống trong nỗi bức xúc về tình trạng môi trường, lo lắng về sự an toàn mỗi khi mùa nước lên. Khi mà các chuyến xe tải hàng ngày của Cty Trọng Cường vẫn thay phiên nhau chở cát trên con đường nội đồng của người dân. Mong muốn lớn nhất của người dân Quế Võ là các cấp giải quyết, cấm hoạt động khai thác cát trái phép, chấm dứt nhanh chóng tình trạng hoạt động vận chuyển cát sỏi gây ô nhiễm môi trường; trả lại cơ sở hạ tầng đường đê ban đầu cho người dân khẩn cấp trước mùa nước lên.