Nghĩ lớn, làm lớn...
Theo đánh giá của Luật sư Hà Đăng Luyện - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, khối KTTN Việt Nam đã có bước phát triển đột phá trong gần 40 năm đổi mới, đặc biệt giai đoạn 2018 - 2022 với số lượng DN thành lập mới và vốn đăng ký hàng năm tăng cao. KTTN đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những động lực quan trọng không thể thiếu của sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về trình độ, cơ cấu, chất lượng và quản trị DN...
Trước hết, theo Luật sư Hà Đăng Luyện, Trình độ về công nghệ của lực lượng KTTN còn nhiều yếu kém, năng suất lao động chưa cao và khả năng tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ cấu DNTN trong nền kinh tế hiện nay còn thiếu sự cân đối trong các lĩnh vực. DNTN hiện nay chủ yếu tập trung trong các ngành dịch vụ, thương mại, xây dựng, trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ chiếm tỷ trọng rất thấp; Thiếu các DN lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế và dẫn dắt chuỗi giá trị trong quá trình phát triển nền kinh tế quốc tế;
Chất lượng phát triển của DNTN chưa đồng đều. Có một số DN phát triển lớn mạnh, vươn ra thị trường quốc tế (như Vingroup, Masan, Thaco...), nhưng phần đông vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp, khó mở rộng. Nhiều DN chưa có công nghệ gốc, tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh còn hạn chế; Khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu;
Quản trị DN chưa hiệu quả. Nhiều DN chưa tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, quản lý theo kiểu gia đình trị; Minh bạch tài chính, quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
Nhận xét về những ưu việt của hệ thống KTTN, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Y học Việt nhấn mạnh: “KTTN nói chung và DNTN nói riêng không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết trên thế giới luôn thể hiện vai trò tiên phong và đóng góp được những giá trị đích thực cho nền kinh tế, DNTN ở Việt Nam trưởng thành rất nhanh trong mấy chục năm qua, bởi nhiều lý do, trong đó trước hết phải nhắc đến đó là sự quan tâm thông qua rất nhiều chính sách “cởi trói” của Nhà nước, các chính sách cởi mở càng rõ nét hơn kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986. KTTN và DNTN gắn chặt với mỗi cá nhân hoặc mỗi DN, DN sống nhà đầu tư sống và ngược lại...”.
Cũng theo ông Phạm Văn Học, hiện nay, KTTN đang có rất nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn đó rất nhiều thách thức. Cụ thể, ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ DN làm thương mại, dịch vụ vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó, các DN tham gia sản xuất ra sản phẩm hàng hóa chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn; Tỷ lệ DN nhỏ và vừa là chủ yếu nhưng sự gắn kết, chia sẻ giữa cộng đồng các DN cũng còn hạn chế. “Để phát triển theo đúng kỳ vọng, tôi nghĩ đã đến lúc DN phải nghĩ lớn, làm lớn, kinh doanh có trách nhiệm và thượng tôn pháp luật!” - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Y học Việt cho biết.
Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả, minh bạch và công bằng hơn!
Thực tế, chúng ta đều biết, các rào cản về chính sách, cơ chế đã kìm hãm sự “lớn lên” của các DNTN, nhưng giải pháp quyết liệt, hiệu quả thì lại chưa có. Theo Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC): Để khối KTTN phát triển đúng như kỳ vọng thì phải có một chính sách hỗ trợ họ phát triển. Cụ thể, với DN mới tham gia được hỗ trợ gì? Thực tế, phần lớn các DN rất cần hỗ trợ thuế, đất đai, tài chính... Nhưng các DNNVV mới khởi nghiệp thì làm gì có tài sản thế chấp mà bắt họ thế chấp mới cho vay vốn. “Theo tôi, nên có một đơn vị tín dụng để đánh giá DN ở mức độ nào thì cho họ vay ở mức đó. Một DN mới mở họ chỉ cần vay vài trăm triệu thôi thì nên cho họ vay. Có lúc phải chấp nhận rủi ro (tín dụng xấu, nợ xấu, nhưng ở mức vi mô), chỉ cần tạo cho họ một điểm tựa để họ có niềm tin, rằng Nhà nước đã vào cuộc rồi”.
Chủ tịch IMC chia sẻ: Đợt ông mở công ty ở Đức, Thị trưởng Đức mời cả đại diện ngân hàng, môi trường, nhà đất... đến tận nhà để xem mình có nhu cầu gì thì họ hỗ trợ. Thủ tục cho vay vốn cũng rất đơn giản, chứ cứ đòi hỏi họ phải có tài sản thế chấp mới cho vay vốn thì rất phức tạp. VD: Chỉ cần DN có một đơn hàng với một đối tác nào đó thì nên coi là tài sản thế chấp và tạo điều kiện cho họ vay. Bên cạnh đó, cần thiết phải thành lập các quỹ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DN phát triển; Hay hỗ trợ cho một kế toán có thể làm cho 5 - 7 DN. Khi DN đó lớn rồi, DN sẽ tự thuê kế toán cho riêng mình. Về đào tạo, Nhà nước cũng phải có một cách nào đó hỗ trợ DN. VD: Cho vay một khoản tiền để DN trả chi phí đào tạo nhân sự, quản trị. Đặc biệt, Nhà nước phải đưa ra một thông điệp để truyền thông cho toàn xã hội những DNTN ưu tú, làm tốt phải được vinh danh, khen thưởng...
Về vấn đề này, Luật sư Hà Đăng Luyện cho rằng, trong nhiều năm qua, dù Nhà nước luôn khẳng định vai trò quan trọng của KTTN, song trên thực tế, thể chế pháp lý còn thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho DN trong việc thích nghi và lập kế hoạch dài hạn; Cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại, khiến nhiều DNNVV phải “chạy thủ tục” thay vì tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Mặc dù hiện nay, các cơ quan quản lý đã và đang giảm bớt các thủ tục hành chính cho DN nhưng sự chuyển biến này còn khá chậm và chưa thực sự triệt để; Chính sách chưa đồng bộ và minh bạch, tạo ra sự bất bình đẳng giữa khu vực tư nhân và DN Nhà nước hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nói đến các giải pháp đủ mạnh cho DN bứt phá, ông Phạm Văn Học đề xuất: “Để DN phát triển hơn nữa, chúng tôi mong muốn Đảng, Chính phủ cần ban hành những chính sách cởi mở hơn, thông thoáng, tạo điều kiện cho DN phát triển. Theo ông Học, đến thời điểm hiện tại rất nhiều văn bản luật hoặc dưới luật quy định rất chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn tiếp nhận, giải quyết, xử lý các đề nghị, kiến nghị, đề xuất của DN nhưng chưa có một quy định nào để xử lý khi người hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền im lặng không giải quyết xử lý hoặc xử lý không đúng thời hạn. Từ nguyên nhân này dẫn đến rất nhiều đề xuất của DN rơi vào im lặng, kéo dài từ một đến vài năm, thậm chí là vĩnh viễn và cuối cùng DN đành bó tay chịu thua, bỏ cuộc.
Đã đến lúc chúng ta phải nhắc đến cụm từ “Trách nhiệm công vụ”, tức là khi nhận được đề xuất, kiến nghị của DN trong một thời hạn nhất định bắt buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời có hoặc không, không có chuyện muốn thì xử lý trả lời không muốn hoặc khó thì bỏ mặc” - ông Học nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai mà ông Học cho là phải xem xét là tính nhất quán và nguyên tắc có lợi cho DN, cho người dân. Theo đó, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định giải quyết các đề xuất của DN, nếu qua thanh, kiểm tra mà phát hiện sai phạm thì phải xử lý người và cơ quan nhà nước trước, không thể chỉ xử lý DN. VD: Trong việc cấp đất, khi UBND tỉnh giao đất hợp pháp, DN triển khai xây dựng, đến khi thanh, kiểm tra phát hiện sai phạm và thu hồi, DN bị xử phạt, mất tài sản còn cơ quan nhà nước và người thi hành công vụ sai vô can không phải chịu bất cứ một trách nhiệm gì.
Đối với nguyên tắc có lợi cho DN, trong bối cảnh còn nhiều văn bản quy phạm chồng chéo, thiếu nhất quán, có văn bản có lợi cho DN và ngược lại cùng đang còn hiệu lực thì việc áp dụng văn bản nào cũng là câu chuyện cần quan tâm. “Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ, đây là những “khuyết hổng” từ phía Nhà nước, trong lúc chưa kịp điều chỉnh cho thống nhất thì phải áp dụng những văn bản quy phạm đang còn hiệu lực mà có lợi cho người dân và DN hơn” - ông Phạm Văn Học kiến nghị.
Luật sư Hà Đăng Luyện - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh:
|
Luật sư Hà Đăng Luyện. |
“Để thực hiện kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thúc đẩy khu vực KTTN, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Cải cách thể chế mạnh mẽ, rà soát, loại bỏ các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho DN; Bảo đảm tính ổn định, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống pháp luật kinh doanh; Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; Xóa bỏ đặc quyền, ưu đãi không hợp lý dành cho DN nhà nước; Tăng cường tiếp cận nguồn lực công bằng, đặc biệt là đất đai, tín dụng và thông tin thị trường; Hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNTN; Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Có chính sách cụ thể để hỗ trợ DNTN nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng thực thi pháp luật; Giảm thiểu tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, bảo đảm các chính sách được triển khai hiệu quả ở cấp địa phương; Tăng cường trách nhiệm, minh bạch và giám sát trong hoạt động của cơ quan công quyền...
Để KTTN thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như tinh thần Nghị quyết Trung ương đã đề ra, thì điều kiện tiên quyết là một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng và thuận lợi - nơi mọi DN, không phân biệt hình thức sở hữu, đều có thể phát triển một cách bền vững!”.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC):
|
Ông Nguyễn Xuân Hoàng. |
“Khi Đảng và Nhà nước chính thức công nhận vai trò của KTTN trong sự phát triển của kinh tế đất nước thì cũng cần có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả để các DNTN yên tâm làm ăn và phát triển”.
Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Y học Việt:
|
Ông Phạm Văn Học. |
“Để thể hiện sự tôn trọng đối với DN, chúng tôi mong muốn được lắng nghe nhiều hơn, mong muốn có nhiều diễn đàn hơn để DN vừa kinh doanh nhưng vừa có cơ hội đóng góp trí tuệ, nhận thức, kinh nghiệm của mình với Nhà nước, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Nếu trong Quốc hội có nhiều hơn đại biểu là các chủ DN, trong hệ thống chính quyền có nhiều hơn sự tham gia của các nhà đầu tư, kinh doanh..., thì khi đó các chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ giàu tính thực tiễn hơn!”.