Doanh nghiệp vận tải 'thoi thóp' mong chờ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đang trong thời gian phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, lượng hành khách và doanh thu vẫn chưa ổn định, doanh nghiệp vận tải đường bộ lại tiếp tục "hứng chịu" áp lực giá xăng tăng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là một công ty vận tải sở hữu gần 300 đầu xe chuyên tuyến khác nhau, nhưng 2 năm nay, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại - Dịch vụ Đất Cảng cho biết đang không ngừng phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ.

"Việc tăng giá xăng dầu liên tục trong thời điểm này, tôi nghĩ tất cả các đơn vị vận tải đường bộ đều khó khăn. Để thích ứng, tôi đã cho cắt giảm hơn 50% chuyến xe không hiệu quả, hoặc chuyển sang những loại xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Gần 150 xe vẫn nằm bãi, tiền thuê phải trả hàng tháng là không hề nhỏ", ông Hải nói.

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại - Dịch vụ Đất Cảng, doanh nghiệp liên tục phải bù lỗ trong nhiều năm, thế nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ cắt giảm lương của nhân viên công ty.

"Mặc dù rất khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng đảm bảo cuộc sống cho nhân viên. Về giá cước, tôi chưa dám nghĩ chuyện tăng. Nhu cầu đi lại của người dân vẫn hạn chế, kinh tế chưa hồi phục, nếu tăng sẽ càng giảm lượng khách đi xe, hoặc họ sẽ chọn phương tiện khác để di chuyển", ông Khúc Hữu Thanh Hải chia sẻ thêm.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) Đỗ Văn Bằng cũng không khỏi lo lắng về hoạt động của công ty thời gian tới. "Thời gian này thực sự là khó khăn cực lớn cho ngành vận tải đường bộ. Đối với một doanh nghiệp, chi phí xăng dầu chỉ được phép rơi vào khoảng 30%. Nhưng hiện tại, chi phí đó đã tăng lên 50%. Nếu con số này không giảm, doanh nghiệp không còn cơ hội phục hồi sau dịch bệnh".

Ông Bằng giãi bày: "Làm chủ mà không lo được cho đời sống nhân viên đi lên đã buồn lắm rồi, chứ đừng nói đến việc giảm lương. Xăng tăng đồng nghĩa với việc phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng. Họ còn phải nuôi gia đình, chi tiêu cuộc sống. Dù có phải giảm bao nhiêu chi phí, tôi tuyệt đối không động đến lương của nhân viên, không để người lao động phải chịu thiệt thòi".

Hiện Sao Việt cũng chỉ có 50% chuyến xe hoạt động, lượng khách giảm đáng kể sau dịch COVID-19.

Với tình hình càng chạy càng lỗ, các đơn vị vận tải chỉ có thể "án binh bất động", nằm chờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. "Tôi đã nghĩ tới phương án xấu nhất, chính là dừng hoạt động doanh nghiệp, nhưng như vậy cuộc sống của rất nhiều con người sẽ bị ảnh hưởng, vậy nên tôi vẫn cố gắng gượng. Tôi cũng như anh em hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách rất mong cơ quan quản lý nhà nước xem xét giảm phí, hỗ trợ các gói hỗ trợ lãi suất, có chính sách giảm thuế, giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp. Tôi cũng rất mong khách hàng chia sẻ và thông cảm với nhà xe nếu bắt buộc phải tăng giá cước", Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại - Dịch vụ Đất Cảng giãi bày.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát cũng bày tỏ: "Nếu tiếp tục tình trạng này việc doanh nghiệp dừng hoạt động rất dễ xảy ra. Mong muốn của doanh nghiệp trước mắt là giá xăng dầu bình ổn, Chính phủ giảm thuế để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi kinh tế, ổn định đời sống người lao động".

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 13/6), giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục tăng mạnh. Xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên mức 32.375 đồng/lít. Đặc biệt giá dầu diesel 0.05S tăng đến 2.626 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel và dầu hỏa đều tăng mạnh tại kỳ điều hành này.

Liên quan đến đề xuất giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tiếp tục có biến động và hiện nay Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Khung mức thuế bảo vệ môi trường.

Đọc thêm