Thưa bà, hiện nay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hoạt động, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến gần, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực…Và trong cơ hội bao giờ cũng tồn tại thách thức, đặc biệt là với các DN Việt Nam. Theo bà, thách thức đó là gì?
- Theo quan điểm cá nhân tôi thì đây là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam mở mang tầm nhìn quốc tế, học hỏi cách làm việc và tuân thủ luật chơi bình đẳng. Cơ hội mang lại nhiều hơn cho những DN đã và đang hợp tác với đối tác nước ngoài; Và thách thức cũng nhiều hơn cho các DN vừa và nhỏ bị cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
Thị trường nội địa, nơi tưởng như là của các DN trong nước thì giờ đây “thức tỉnh” và đối mặt với những công ty toàn cầu, với các chính sách cạnh tranh và phương thức chăm sóc khách hàng “đỉnh cao”. Điều chúng ta nhìn thấy ngay là thị phần của DN Việt bị giảm đi, cuộc cạnh tranh thời gian đầu tưởng như là ưu thế thuộc về DN Việt thì hiện tại đang hoàn toàn ngược lại.
DN Việt yếu về quản lý, thiếu sự bài bản, không có hệ thống, chất lượng nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu; Nguồn lực tài chính thì mỏng manh, gần như không đủ sức chống cự với “luồng gió” mạnh mẽ và nó đã xảy ra đúng như quy luật của nền kinh tế.
Xét về mặt bản chất, khách hàng là người được hưởng lợi nhiều hơn, được chăm sóc kỹ càng hơn, tất nhiên họ cũng thông minh hơn. Cuộc cạnh tranh sẽ không dừng lại, chiến thắng sẽ thuộc về nơi nào chiếm giữ trái tim của người trả tiền.
Tuy nhiên, rất nhiều cơ hội lớn cũng sẽ đến với DN Việt, bởi tôi đánh giá cao sự linh hoạt, trí thông minh và thích ứng của họ. Nhiều DN Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách thuế do TPP mang lại, họ lại được gia tăng khả năng cạnh tranh trên toàn cầu về giá. Cơ hội của họ mở ra nhiều hơn và lợi nhuận cũng nhờ đó mà tăng lên.
Khi miếng bánh thị phần bị chia nhỏ bởi các “ông lớn” nước ngoài, các DN Việt phải chuẩn bị gì để không bị “thua ngay trên sân nhà” và nâng cao được năng lực hội nhập, thưa bà?
- Doanh nghiệp Việt Nam có quá nhiều thứ cần phải chuẩn bị để hội nhập. Hội nhập ở đây không có sự lựa chọn nào khác, giống như chỉ còn một con đường duy nhất đó là…tiến lên.
Theo quan điểm của tôi, với trải nghiệm từ một nhà huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu thế giới, ít nhất có 5 vấn đề cần được cải thiện để thích ứng với thời kỳ cạnh tranh toàn cầu, đó là:
Thứ nhất, chúng ta cần chuẩn bị về hệ thống quản trị và công nghệ: Làm thế nào để quy trình hoá tất cả các hoạt động của DN? Đây chính là bước quan trọng giúp cho DN có thể chia nhỏ từng hoạt động và từ đó mới nhân rộng được phạm vi và quy mô.
Thứ hai, chuẩn bị về nguồn lực con người và huấn luyện đào tạo: Đây là một trong những công việc luôn mang tính thời sự nóng hổi của tất cả các chủ DN. Các chủ DN Việt cần hiểu rõ đây chính là điểm mạnh của mình trong cuộc cạnh tranh vì chúng ta là người Việt, chúng ta hiểu văn hóa của người Việt nên không bị áp lực bởi việc xây dựng văn hóa DN đa quốc gia.
Để có thể trở thành một công ty thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, chính chủ DN cần hiểu rõ bản thân họ phải trở thành người lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn lớn. Làm việc bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của chính mình chưa đủ mà còn phải tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ nhân sự trong DN.
Thiết lập luật chơi, có mục tiêu rõ ràng, kế hoạch hành động chi tiết, đặc biệt cần có sự hỗ trợ rủi ro và truyền động lực cho sự tham gia của đội ngũ là 100%.
Thứ ba, chuẩn bị về nguồn lực tài chính: Đây cũng là nhân tố đóng vai trò quyết định sự thành công của chủ DN Việt. Với các công ty vừa và nhỏ, điều này cũng là một thách thức lớn không dễ vượt qua. Các DN cần sự trợ giúp mạnh mẽ từ Chính phủ bằng các chính sách về vốn để giúp họ vượt qua khó khăn này.
Thứ tư, chuẩn bị về các chiến lược bán hàng và marketing: Thế giới đổi thay không ngừng, khách hàng cũng liên tục thay đổi hành vi tiêu dùng, chính vì vậy chủ DN cần thấu hiểu khách hàng nhiều hơn. Phần chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thuộc về ai là người nắm giữ được nguồn lực thông tin và dữ liệu nhiều nhất.
Thứ năm, chuẩn bị về phương thức kinh doanh: Hay còn gọi là cách thức cung cấp sản phẩm dịch vụ. Đây là một trong những điểm rất mạnh của các DN toàn cầu, họ luôn đảm bảo được tính nhất quán khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ và đảm bảo sự trải nghiệm của khách hàng ở mọi nơi đều giống nhau. DN Việt nếu cải thiện điều này sẽ hấp dẫn khách hàng nhiều hơn.
Theo bà, Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ gì để giúp DN Việt có thể “vươn ra biển lớn”?
- Nếu nói DN Việt cần gì thì rất nhiều thứ cần thiết được hỗ trợ, theo quan điểm của tôi, DN Việt cần chủ động hơn trong việc hội nhập. Chính phủ sẽ tạo ra chính sách tốt hơn để tạo điều kiện cho DN trong một thời gian nhất định.
DN phải tự “cứu lấy mình” trước khi yêu cầu chính sách của Nhà nước hỗ trợ. Tôi tin rằng các chủ DN Việt có thể liên kết tốt các nguồn lực với nhau, chia sẻ và đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt này.
Xin bà chia sẻ một số kế hoạch của BNI và Action COACH trong thời gian tới?
- BNI là tổ chức kết nối các Doanh nghiệp toàn cầu (Business Network Internetional), hiện nay có hơn 2.600 chủ DN sử dụng công cụ BNI trên khắp 14 tỉnh, thành tại Việt Nam. Chúng tôi đo lường được mức độ thành công của các thành viên khi tham dự vào BNI.
Năm 2015 tổng giá trị giao dịch thông qua lời giới thiệu (referrals) là hơn 3.500 tỷ VNĐ. Đó là con số không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa với các chủ DN vừa và nhỏ.
Hiện nay, mô hình BNI đang được các chủ DN Việt ưa chuộng vì chúng tôi có liên kết toàn cầu, sự kết nối này mang lại nhiều cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế thông qua triết lý hoạt động Givers Gain (cho là nhận).
Sứ mệnh của BNI là giúp đỡ việc phát triển kỹ năng tiếp thị thông qua lời giới thiệu cơ hội kinh doanh bởi các chủ DN có uy tín và cam kết qua việc hiểu rõ, tin tưởng lẫn nhau trong môi trường thân mật và đầy tính hỗ trợ.
Mục tiêu của BNI trong khoảng thời gian tới là sẽ có mặt tại 100% các tỉnh thành tại Việt Nam.
Actioncoach là hãng huấn luyện DN hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam năm 2015.
Chúng tôi hiểu rằng, để có thể hội nhập được với quốc tế, Doanh nghiệp Việt cần vận hành bài bản theo chuẩn mực quốc tế từ phương pháp tư duy đến kế hoạch hành động.
Actioncoach Ha Noi West là một trong những công ty hàng đầu tại Đông Nam Á năm 2015 về hiệu quả mang lại cho khách hàng. Bản thân là nhà huấn luyện số 1 thế giới năm 2016 đạt Giải thưởng Rookie of the year (Giải thưởng danh giá cho nhà huấn luyện mới tại Hội Nghị Actioncoach toàn cầu được tổ chức tại Nam Phi tháng 8/2016).
Hiện nay, chúng tôi đã huấn luyện cho hàng trăm các chủ DN sử dụng hệ thống này và đã giúp cho họ tối đa hóa năng lực quản trị của Doanh nghiệp,gia tăng thêm nhiều lợi nhuận( có nhiều đơn vị tăng 30%, 40% thậm chí lên tới 85% doanh thu trong thời gian 6 tháng).
Ngoài ra chúng tôi còn giúp cho đội ngũ nhân viên tại doanh nghiệp phối hợp với nhau tốt hơn và các Chủ DN cũng có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân của họ.
Mục tiêu của chúng tôi là huấn luyện cho ít nhất 5.000 chủ DN và tạo ra 50.000 việc làm cho cộng đồng xã hội.