Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore: Cần nghĩ lớn để tiến xa hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhìn lại chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Singapore tốt đẹp và toàn diện như bây giờ, đồng thời kỳ vọng mối quan hệ này hướng đến tầm cao mới, trong đó doanh nghiệp (DN) hai nước cần nghĩ lớn để đi xa hơn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu chứng kiến lễ trao các bản ghi nhớ. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu chứng kiến lễ trao các bản ghi nhớ. (Ảnh: VGP)

Với chủ đề “Tăng cường hợp tác khu vực để tăng trưởng bền vững”, Diễn đàn DN Khu vực - Singapore (SRBF) lần thứ 7 do Bộ KH&ĐT phối hợp với Liên đoàn DN Singapore (SBF) tổ chức hôm qua (7/7) đã thu hút hơn 800 lãnh đạo DN, quan chức chính phủ cấp cao và nhà ngoại giao từ hơn 420 công ty và tổ chức của 32 quốc gia và nền kinh tế đã tham dự. Trong đó, gần 550 khách mời đại diện cho hơn 150 công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham dự trực tiếp tại Hà Nội…

Kết quả đáng khích lệ

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự tin tưởng, coi trọng và quan tâm sâu sắc của DN Singapore nói riêng và cộng đồng DN quốc tế nói chung đối với môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam. Và càng đặc biệt hơn khi Diễn đàn này diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Với sự hiện diện của hàng trăm đại diện DN Singapore và nhiều nước khác tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ mong muốn Diễn đàn sẽ là cơ hội để cùng nhau đi sâu trao đổi, đề xuất và khởi tạo những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng, với khu vực và thế giới nói chung ngày càng gắn kết và thành công hơn nữa…

“Trải qua chặng đường 50 năm vun đắp và phát triển, chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Singapore tốt đẹp và toàn diện như bây giờ, đồng thời tiếp tục hướng đến tầm cao mới dựa trên sự chia sẻ lợi ích chiến lược, thành quả hợp tác, tình hữu nghị vững chắc giữa hai nước. Theo đó, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore, luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển toàn diện…” - Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: 12 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả đã trở thành biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Về đầu tư, Singapore là nhà đầu tư (NĐT) lớn thứ 2 ở Việt Nam (3.200 dự án và 73,4 tỷ USD vốn đăng ký). Các DN Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao. Ở chiều ngược lại, các NĐT Việt Nam đã đầu tư sang Singapore gần 150 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học và công nghệ.

Về thương mại, Singapore tiếp tục một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,2 tỷ USD theo hướng ngày càng cân bằng hơn (tăng 11,6% so với năm 2021).

“Những kết quả hợp tác nêu trên là đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Bối cảnh phát triển mới với nhiều thách thức, nhưng cũng đang mở ra nhiều cơ hội lớn để quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore tiếp tục hướng đến tầm cao mới, tương xứng hơn với tiềm năng, mong muốn của cả hai bên…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần hướng đi mới, cách làm mới

Để góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gợi mở một số định hướng.

Trước hết, Phó Thủ tướng cho rằng DN hai nước cần chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tối đa khả năng, lợi thế so sánh của nhau, sự năng động, sáng tạo, dám đột phá với những hướng đi, cách làm mới; cần “nghĩ lớn để tiến xa”, thực hiện đúng các cam kết đầu tư”, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả”, phải “cân đong, đo đếm được”; Đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người lao động, để cùng nhau phát triển thịnh vượng.

“Về phần mình, Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực tạo lập môi trường tốt nhất cho DN hai nước cùng hợp tác kinh doanh thuận lợi, hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những “điểm nghẽn” của nền kinh tế về thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch…” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Đều là thành viên của các FTA thế hệ mới (RCEP, CPTPP), lãnh đạo Chính phủ đề nghị DN hai nước cần nỗ lực tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các hiệp định này mang lại, góp phần ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và đóng góp vào quá trình hồi phục kinh tế của hai nước và cả khu vực hậu đại dịch.

“Là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực, Việt Nam mong cộng đồng DN Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, tài chính xanh, phục vụ nhu cầu phát triển bền vững trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, hạ tầng thông minh, giao thông xanh, DN khởi nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu…” - Phó Thủ tướng bày tỏ, đồng thời đề nghị hai bên đẩy mạnh đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực mà Singapore có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển, nhất là phát triển các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Cùng với đó, tiếp tục mở rộng phạm vi hợp tác, phát huy vai trò và hiệu quả của Khuôn khổ hợp tác kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore và Khuôn khổ đối tác kinh tế số, kinh tế xanh vừa được hai nước ký kết vào tháng 2/2023. Đặc biệt, cần phát huy tối đa hiệu quả Tổ công tác chung về đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Mong SBF cùng các DN, Hiệp hội DN hai nước sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa Singapore và Việt Nam trong các lĩnh vực này.

“Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, thực hiện nhất quán chủ trương bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các NĐT, DN, Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các NĐT nước ngoài nói chung và các NĐT Singapore nói riêng triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và lâu dài ở Việt Nam…” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, 12 biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các tổ chức công và tư từ Singapore và Việt Nam, bao gồm các hiệp hội thương mại và phòng thương mại, các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở tài chính. Cũng tại Diễn đàn, SBF và Ngân hàng UOB đã khởi động Sáng kiến chung về trách nhiệm xã hội DN (CSR) nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và đổi mới.

Đọc thêm