Doanh nghiệp Việt rơi vào thế bị động do “lơ là” quyền sở hữu trí tuệ

(PLO) - Trong quá trình hội nhập quốc tế,  nền kinh tế thị trường với sức ép cạnh tranh vô cùng khốc liệt, tài sản sở hữu trí tuệ có vai trò ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của Doanh nghiệp (DN) nhưng nhiều khi chưa được DN đánh giá đúng và đủ.
Cafe Trung Nguyên từng chịu nhiều tổn thất liên quan đến bảo hộ thương hiệu. Ảnh minh họa

Những bài học đau thương

Việc Trung Nguyên từng mất thương hiệu cafe chồn Lengendee Coffee hay Vinataba từng mất hơn 1 tỷ đồng để bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài… là những điển hình đặc trưng của DN khi chỉ tập trung bán hàng mà quên đi yếu tố quản trị thương hiệu.

Năm 2000, thương hiệu cafe Trung Nguyên tại Mỹ bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ tại Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO). Sau 2 năm đàm phán và thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này và Rice Field nhận làm đại lý phân phối tại Mỹ. Thương vụ dàn xếp trên ngốn của Trung Nguyên hàng trăm nghìn USD.

Tưởng rằng đã yên ổn nhưng năm 2012, Trung Nguyên lại đau đầu thêm một lần nữa khi bỗng dưng phát hiện thương hiệu Legendee Coffee của mình đã thuộc sở hữu của một cái tên hoàn toàn xa lạ.

Cụ thể, trang chủ của Văn phòng về Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cho thấy, bản quyền thương hiệu Legendee Coffee (café legendee - café Chồn) đã được đăng ký tại Mỹ, chủ sở hữu là ông Alexander Nguyen.

Trong khi Trung Nguyên không đăng ký bản quyền Legendee Coffee trên USPTO. Thực tế, Nguyễn Trọng Khoa (người sở hữu tên miền café Trung Nguyên legendeecoffee.com) đã bán lại cho ông Alexander.

Tương tự Trung Nguyên, “ông lớn” Vinataba - thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) đăng ký sở hữu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN. Vinataba đã phải chi đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài.

Việc chậm trễ trong đăng ký chứng nhận độc quyền tại nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí đòi lại.

Hệ quả là những sản phẩm hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam có nguy cơ bị đối thủ kinh doanh nhái theo thương hiệu đó nhằm trục lợi, khiến khách hàng không phân biệt được đâu là sản phẩm thật - giả làm doanh số bán hàng của DN sụt giảm. Nghiêm trọng hơn, thương hiệu của DN có thể mất uy tín và khiến hoạt động kinh doanh của DN bị thiệt hại và rơi vào thế bị động ngay trên chính “sân nhà’ cũng như thị trường quốc tế.

Thậm chí, còn xảy ra tình trạng một số đối tượng đầu cơ đã lấy các thương hiệu Việt nổi tiếng đem đi đăng ký ở những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam dưới tên của mình. Sau đó, quay sang chào bán lại thương hiệu với giá cao cho chủ sở hữu đích thực, ép DN buộc phải ký kết hợp đồng đại lý/phân phối hàng hóa với giá rẻ, cản trở việc xâm nhập thị trường nước ngoài của DN.

Được biết, việc xác lập quyền thương hiệu ở trong nước đơn giản bởi DN có thể tự tìm hiểu và hoàn tất thủ tục đăng ký hay thông qua các công ty đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy hoạt động. Trong khi đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài không chỉ phức tạp mà còn tốn kém chi phí tùy theo quốc gia. Bởi thế nên thực tế, không ít DN chỉ tập trung bảo hộ nhãn hiệu của DN mình ở thị trường trong nước chứ không chú ý đến thị trường nước ngoài. Vì vậy, khi có cơ hội phân phối sản phẩm ra thị trường nước ngoài thì DN bị kiện ngược bởi các cá nhân, DN khác.

Song vẫn “nước tới chân mới nhảy”

Chia sẻ tại hội thảo “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho Doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội vừa qua, TS. Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết, bảo hộ SHTT là chìa khóa cho DN mở rộng phát triển ra thị trường nước ngoài. Tính từ năm 2013 đến tháng 10/2017, Cục SHTT đã tiếp nhận và xử lý 506 đơn đăng ký SHTT về thương hiệu, 37 đơn đăng ký sáng chế. Điều này đã cho thấy các DN đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề SHTT. Tuy nhiên, cơ chế chính sách cho vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, chưa được hiệu quả và chưa phù hợp với thực tế DN, trong khi Việt Nam đã có nhiều bài học khi DN không chú trọng vào SHTT, việc lấy lại thương hiệu, sản phẩm rất tốn kém thậm chí là mất hẳn.

Nói về thực trạng của DN, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và tư vấn môi trường cho hay, hầu hết sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài chưa được bảo hộ. Tại những thị trường khó tính, sản phẩm của Việt Nam được DN nước ngoài mua lại đóng mác thương hiệu của họ và làm marketing nên làm giảm giá trị gia tăng cho sản phẩm của DN Việt Nam. Bên cạnh đó, hiểu biết của DN về bảo hộ SHTT còn hạn chế, nhiều rào cản về ngôn ngữ, tiếp cận thông tin.

PGS.TS.Mai Hà, Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam cho hay, nhận thức của các DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa về SHTT vẫn chưa cao nên nhiều khi “nước đến chân mới nhảy”, khi bị xâm phạm thương hiệu mới bắt đầu lo lắng. Đây là tình trạng chung dẫn tới tình trạng DN Việt rơi vào thế bị động trong hội nhập.

Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ SHTT

Vì thế, đưa ra lời khuyên đối với các DN Việt Nam khi bước vào hội nhập quốc tế, PGS.TS Mai Hà cho hay, các DN phải chấp nhận cuộc chơi, cạnh tranh bình đẳng với DN nước ngoài và các DN nên chủ động tìm ra phương thức và hướng đi phù hợp, phải biết cách dự báo, nâng cao kiến thức về SHTT, tìm hiểu kiến thức pháp luật hoặc thuê luật sư tư vấn. Ngoài ra, ông Hà cho biết, Hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đang hoàn thiện cơ chế, pháp lý để hỗ trợ DN về SHTT ở nước ngoài.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và tư vấn môi trường cũng hy vọng các cơ quan quản lý sẽ có phương pháp giúp DN tiếp cận thông tin chính thống hơn, có phương pháp hỗ trợ để các DN tăng cường đưa sản phẩm ra nước ngoài, tăng giá trị cho DN và người nông dân Việt Nam.

Đọc thêm