Gỡ khó cho doanh nghiệp: Cải cách thể chế vẫn là giải pháp hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn như hiện nay, cải cách thể chế là việc cần đặt lên hàng đầu.
Diễn đàn thu hút rất đông DN, hiệp hội DN với mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. (Ảnh Thanh Thanh)
Diễn đàn thu hút rất đông DN, hiệp hội DN với mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. (Ảnh Thanh Thanh)

Cần nới lỏng các điều kiện bên trong

Tại Diễn đàn phát triển kinh doanh “Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” (DN) do Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức hôm 19/7, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đánh giá, DN hiện đang khó khăn toàn diện. “Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải nới lỏng các điều kiện bên trong” - ông Cường nói và cảm nhận rằng trong bối cảnh thế giới bên ngoài khó, bên trong cũng đang “thắt”. Do đó, vị này cho rằng cần nới lỏng bên trong. “Đúng là phải kiểm soát các quy chuẩn nhưng trong một mức nào đó” - ông Cường bày tỏ quan điểm.

Một loạt vấn đề “thắt chặt” bên trong được các DN “kêu” tại Diễn đàn như việc DN phải đóng đến 30% chi phí cho BHXH, công đoàn, các quy định về phòng cháy, chữa cháy, hay như dự thảo quyết định định mức tái chế… Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, đặc thù của lao động ngành xây dựng là mùa vụ, trong lúc nông nhàn. “Nhưng họ vẫn phải đóng BHXH mà có được hưởng gì đâu. Quy định này rất bất cập, phi lý” - ông Hiệp nêu ý kiến.

Cũng theo Chủ tịch VACC, Thông tư 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành có xu hướng “chặt” hơn. “Đành rằng ngân hàng cũng phải bảo đảm hoạt động, nhưng có nên siết chặt trong lúc này?’ - ông Hiệp đặt vấn đề.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan đã dùng từ “cơn sóng” để nói lên những khó khăn dồn dập mà DN đang phải gánh chịu. Đặc biệt, ông Đoan nhấn mạnh đến “cơn bão ngầm trong hành chính”. Đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền, vì vậy đã đẩy DN lâm vào tình cảnh “đã khó ngày càng khó khăn hơn”. “Do trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) khiến dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho DN, nhiều DN mất cơ hội đầu tư” - ông Đoan phát biểu.

Đẩy mạnh cải cách thể chế

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), TS Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất, vừa rồi, VNBA tiếp tục kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ DN. “Nhưng giảm lãi suất có phải là vấn đề cốt lõi không?” - ông Hùng đặt vấn đề và cho rằng muốn tháo gỡ khó khăn phải nhìn từ thực trạng của DN. “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế để giảm chi phí thực thi của DN. Đây là một giải pháp hay và cần phải tháo gỡ!” - đại diện VNBA đề nghị. Đồng thời cho rằng các bộ, ngành cần đánh giá thực trạng của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và cần thiết phải đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn như đã từng thực hiện trong giai đoạn COVID-19.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê về những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN chế biến, chế tạo trong quý II/2023, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng các DN hiện đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh, trong đó khó khăn nhất là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đề cập đến Dự thảo quyết định định mức tái chế đang được bàn thảo, ông Hiếu cho rằng, ngoài TTHC, quy định này dự kiến sẽ gia tăng chi phí cho DN. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, một quy định pháp luật tạo ra 5 loại chi phí: chi phí TTHC, phí và lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.

“Không chỉ tạo TTHC, thể chế còn tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ lớn. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho DN, cần thiết thực hiện cải cách thể chế. Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), TS. Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho DN trong thời gian tới, cải cách thể chế là điều tiên quyết và cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài. “Không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt thì khó tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường” - bà Minh nói.

Theo Viện trưởng CIEM, trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế mà việc Quốc hội đã thông qua một luật sửa 8 luật là một bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng có sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của DN.

“Vì vậy, những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ, chúng ta sẽ cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn” - bà Minh bày tỏ ý kiến và cho rằng, để giải quyết những vướng mắc, bất cập mà chính sách đem lại, các hiệp hội DN, VCCI cần tham gia sâu hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

“Nếu xử lý được câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay sẽ tạo hành lang pháp lý ổn định để DN, nền kinh tế phát triển” - Viện trưởng CIEM quả quyết.

Đọc thêm