Cảm ơn ông đã nhận lời trao đổi với PLVN. Là một doanh nhân, ông có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nói riêng; đặc biệt là doanh nhân trẻ hiện nay ?
- Được ví như “nguồn của cải vật chất khổng lồ” đóng góp vào tiềm lực kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế của dân tộc trên trường quốc tế, có thể khẳng định, doanh nhân Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Cơ bản doanh nhân Việt Nam đều có lòng yêu nước, ý chí mạnh mẽ và sức bền bỉ cao, có nhiệt huyết và trí sáng tạo, lại đang được thử sức trong một môi trường có nhiều cơ hội kinh doanh, có nhiều cơ hội tiếp cận với chuẩn mực điều hành và quản trị toàn cầu, các quan hệ kinh doanh xuyên quốc gia. Chính phủ Việt Nam lại đang rất quan tâm đến hỗ trợ, kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy phong trào khởi nghiệp quốc gia.
Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Mặc dù có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước, nhưng phải thừa nhận rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn chưa mạnh. Ít được đào tạo bài bản, đúng nghĩa là một doanh nhân đủ tầm, đủ kinh nghiệm để tự tin hội nhập quốc tế; phát triển còn “dựa” nhiều vào quan hệ và tìm cách tận dụng kẽ hở của cơ chế cũng như sự yếu kém ở một số khâu ở các bộ máy công quyền...
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước chưa được sâu sát, chưa hợp lý và kịp thời; ngoài ra công tác quản lý ở đâu đó trình độ vẫn chưa theo kịp yêu cầu của hội nhập, một số bộ phận không có tâm, hành doanh nghiệp để kiếm tiền.
Thị trường cạnh tranh khốc liệt do mở cửa hội nhập; môi trường cạnh tranh không lành mạnh và chưa thấy có nhiều biện pháp mạnh để giảm thiểu hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế, hàng kém chất lượng,...
Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu tính liên kết, thiếu thông tin, tính đột phá chưa cao; năng lực quản lý chiến lược và khả năng quản trị rủi ro còn yếu; thiếu sự đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, quốc tế hóa…vẫn là những tồn tại mà chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp phải cùng cam kết làm cho bằng được.
Sốt ruột với những lực cản và sự trì trệ trong bộ máy hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng kết luận: Chính phủ mới sẽ chuyển đổi từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Ông đánh giá thế nào về kết luận này dưới góc độ doanh nghiệp, doanh nhân?
- Để Việt Nam hội nhập và cạnh tranh thắng lợi, hơn bao giờ hết yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngang tầm khu vực và thế giới cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, để phát triển đội ngũ doanh nhân không chỉ dừng lại ở sự nỗ lực của doanh nhân mà cần phải có sự cổ vũ, hỗ trợ của cả cộng đồng, của toàn xã hội, đặc biệt yếu tố quan trọng không thể thiếu được, đó là vai trò to lớn của Nhà nước, của Chính phủ. Vì thế, Chính phủ chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ là sự thay đổi theo xu thế thời đại mới, phù hợp với tiến trình hội nhập. Doanh nhân phải đột phá để hội nhập thì Chính phủ cũng cần đột phá về cơ chế và cải cách hành chính. Mong rằng sự thay đổi này sẽ được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để doanh nghiệp và doanh nhân nhận được những tác động tích cực thực sự từ sự thay đổi này.
Từng chia sẻ về sự sốt ruột của mình khi ra nước ngoài thấy doanh nghiệp, doanh nhân của họ thay đổi, phát triển từng ngày, nhưng trở về trong nước thấy doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam vẫn thế. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Nguyên nhân của những điểm mạnh đó là lớp doanh nhân hiện đang là trụ cột của làng doanh nhân Việt Nam – vì là thế hệ sinh ra trong chiến tranh, họ là những con người sống trong gian khó khi đất nước tái thiết. Điều này làm cho họ có sức sống mãnh liệt, có ý chí mạnh mẽ và có sự bền bỉ cao, luôn muốn vươn cao, vươn xa hơn nữa để chinh phục thị trường thế giới.
Nguyên nhân của những điểm yếu là vì không ít doanh nhân vẫn còn tư tưởng trông chờ làm ăn dựa trên cơ sở “quan hệ, sân sau”, dựa trên “lỗ hổng cơ chế để kiếm tiền”, chưa chú trọng đúng mức đến quản trị doanh nghiệp, chưa hòa nhập được với xu hướng quản lý kinh doanh trên toàn thế giới đó là minh bạch, là phát triển bền vững, là trách nhiệm xã hội…
Ông từng “muốn gửi mong muốn từ đáy lòng, đó là đất nước đang cần những doanh nhân liêm chính” đến Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Ông có thể lý giải rõ hơn về hai chữ “liêm chính” trong doanh nhân?
- Như tôi đã nói, doanh nghiệp muốn hội nhập thì không thể thiếu yếu tố minh bạch mà doanh nghiệp muốn minh bạch thì trước hết doanh nhân, ông chủ doanh nghiệp đó phải “liêm chính”.
Doanh nhân “liêm chính” là phải làm ăn minh bạch, chuyên nghiệp, đúng pháp luật và có tính trách nhiệm xã hội cao. Kinh doanh dựa vào năng lực, trí tuệ của mình mới là đáng trân trọng, còn nếu cứ “mafia”, lũng đoạn, dùng quan hệ ngầm để lấy tài sản quốc gia cho vào túi mình thì đến lúc nào đó sẽ bị đào thải và bị xã hội tẩy chay.
Tôi hiện là Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, các thành viên trong Hội đồng này luôn luôn đề cao tính liêm chính và chuyên nghiệp và coi đó như là “bảo bối” mà thế hệ doanh nhân ông, bà, cha, mẹ đi trước cần tích lũy để truyền lại cho con, cháu mình nhằm phát triển doanh nghiệp trường tồn.
Được đánh giá là người khởi nghiệp thành công, ông từng được mời làm diễn giả nhiều cuộc nói chuyện cũng như thi cử, ông có thể đưa ra lời khuyên cho những người khởi nghiệp và những doanh nhân trẻ trong bước đường kinh doanh của mình?
- Học là quan trọng nhất; nên “bỏ hết trứng vào một giỏ tốt”; đừng bao giờ đánh mất uy tín; luôn hợp tác với người mạnh nhất; chăm chỉ và đạo đức. Đây là 5 lời khuyên của tôi với các bạn khởi nghiệp và các doanh nhân trẻ.
Là lãnh đạo của một trong những tập đoàn phân phối và bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, ông có cảm thấy “sốt ruột” và cao hơn là “lo lắng” trước làn sóng thôn tính thị trường bán lẻ trong nước từ các đại gia bán lẻ nước ngoài? Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để đối phó với làn sóng này?
- Bản thân tôi rất sốt ruột và lo lắng cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Cách đây 10 năm, chúng tôi đã có nhiều cảnh báo, đề xuất... nhưng gần như các chính sách không kịp thời và hiệu quả nên tôi cho rằng hơi muộn cho cuộc cạnh tranh không cân sức này. Theo tôi, chúng ta nên thay đổi chiến lược từ đối đầu cạnh tranh sang lựa chọn lối đi phù hợp: Có thể phát triển ở thị trường ngách, có thể liên doanh liên kết với nước ngoài,... Nhưng dù là chiến lược gì thì chúng ta cũng phải phát triển tăng tốc.
Riêng với Phú Thái, khi các đại gia bán lẻ nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam thì chúng tôi đã đoán trước được nên có sự chuẩn bị để hòa nhập cùng họ; thực tế Tập đoàn Phú Thái vẫn đứng vững và phát triển.
Theo tôi, để đối phó với làn sóng này, không chỉ trong ngành bán lẻ mà tất cả các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ các thỏa thuận hội nhập, và phải kết hợp vừa phòng thủ vừa tấn công trên cơ sở quốc tế hóa hoạt động; tái cơ cấu, xác định chiến lược cạnh tranh, chiến lược phát triển bền vững hợp lý nhất; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường trong nước; mở rộng và đa dạng khách hàng và nỗ lực cho xuất khẩu; đầu tư công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), luôn ý thức về nâng cao “hàm lượng chất xám” trong sản phẩm và dịch vụ của mình,...
Tìm hiểu để đa đạng hóa các phương án huy động vốn để đáp ứng cho sự phát triển mở rộng quy mô doanh nghiệp nhanh chóng; tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động, lựa chọn nhân sự phù hợp, nhân sự kế cận, có chính sách giữ người tài, tạo môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp tốt; minh bạch; tuân thủ pháp luật; cạnh tranh lành mạnh; song song với hoạt động kinh doanh, chúng ta phải có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng (CSR). Ví như doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội không bao giờ làm hàng kém chất lượng, bán hàng giả, không an toàn vệ sinh thực phẩm,để anh hưởng đến cộng đồng, sức khoẻ người tiêu dùng.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!