Chậm trả lãi và gốc 2 tháng, sau đó nợ nần đã được thanh toán sòng phẳng, nhưng chiếc xe sang Lexus hơn 4 tỷ đồng của doanh nghiệp – là vật thế chấp cho món vay - vẫn bị phía ngân hàng “phong toả” một cách kỳ lạ. Đơn gửi đến Báo Pháp luật Việt Nam của bạn đọc gọi đó là hành động “cưỡng đoạt”…
Phản ánh đến Pháp luật Việt Nam, bà Hoàng Thị Tuyết Hồng, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần tư vấn công nghệ xây dựng và kiến trúc Á Châu (Cty Á Châu), cho biết, ngày 5/7/2012, phía doanh nghiệp bà Hồng đến kỳ trả nợ khoản nợ gốc 137 triệu đồng cho Ngân hàng quân đội – Chi nhánh Điện Biên Phủ (MB Điện Biên Phủ). Do khó khăn về tài chính nên Cty Á Châu đã có công văn gửi MB Điện Biên Phủ xin gia hạn thời gian trả nợ.
Tuy nhiên, ngày 28/8, Cty Á Châu nhận được công văn (số 538) từ Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (Cty MBAMC) đề nghị phía Cty Á Châu phải trả toàn bộ số nợ vay là 1.275.000.000 đồng, đồng thời khẳng định toàn bộ số tiền đó đã quá hạn. Trong khi, theo bà Hồng, hợp đồng tín dụng giữa hai bên cón có thời hiệu đến năm 2013, không hề “quá hạn” như thông báo trong công văn 538.
Căng thẳng xuất hiện, khi vào ngày 11/9/2012, người của MBAMC đã gọi điện cho lái xe Cty Á Châu đưa xe ô tô hiệu Lexus LS 460L lên địa chỉ 195 Khâm Thiên nói rằng để “kiểm tra định kỳ” và giữ luôn chiếc xe này. “Họ đã lợi dụng lòng tin của chúng tôi để “cưỡng đoạt” xe của khách hàng, tính đến thời xe bị “nhốt”, chúng tôi mới chậm trả ngân hàng 60 ngày”, bà Hồng, nói.
Bị MBAMC “nhốt” Lexus bạc tỷ một cách vô lý, đại diện Cty Á Châu phải đệ đơn cầu cứu Ban tổng giám đốc của Hội sở MB. Theo văn bản số 9099 được ký bởi Phó tổng giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà, phía ngân hàng khẳng định MBAMC là đơn vị được MB giao quản lý khoản vay của Cty Á Châu, và việc thu giữ tài sản đảm bảo (xe Luxus) được thực hiện “theo đúng quy định”.
Công văn 9099 cho biết việc “hoàn trả” xe Lexus sẽ được xem xét khi Cty Á Châu thanh toán hết phần nợ quá hạn và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo lịch trả nợ đã ký kết, cụ thể là cho đến kỳ trả nợ ngày 5/10/2012. Đồng thời, phía Cty Á Châu phải có văn bản cam kết một số điều kiện khác như tuân thủ lịch trả nợ, thực hiện sử dụng và quản lý xe đúng quy định…
Tính đến 27/9, Cty Á Châu đã thanh toán hết nợ đến kỳ tại MB và đề nghị bàn giao lại tài sản, tuy nhiên, phía nhà băng này lại đưa ra thêm một yêu cầu vô lý khác là “phải nộp trước số tiền sắp đến hạn vào ngày 5/10”. Dù chưa đến hạn, nhưng doanh nghiệp đành "bấm bụng" trả hết trả hết số tiền cho món sắp đến hạn.
Ngày 2/10 nợ nần đã được thanh toán, ngày 4/10, đại diện Cty Á Châu đến MBAMC đề nghị được nhận lại tài sản đang bị “nhốt”. Tuy nhiên, theo bà Hồng, phía MBAMC tuyên bố xe Lexus “chưa thể trả”. Thêm vào đó, phía nhà băng còn nói họ “đã nhận được thông tin” Cty Á Châu đã bán tài sản đảm bảo cho người khác, và “dọa” sẽ “chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và tài sản thế chấp sang các cơ quan pháp luật để đề nghị xác minh làm rõ”.
“Họ nại ra như vậy, chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ việc xác minh cho rõ. Nhưng nợ chúng tôi đã trả đủ, họ không lý do gì để giữ xe của chúng tôi. Giấy tờ xe họ giữ hết, sao có thể nói chúng tôi đã bán, trong khi, họ lấy xe cũng chúng tôi không khác gì xiết nợ bên ngoài, không hề có thông báo, không có sự chứng kiến của chủ xe” – bà Hồng bức xúc.
Số phận của chiếc xế sang Lexus LS460L hơn 4 tỷ đồng và “hành trình” lấy lại tài sản thế chấp của khổ chủ sẽ diễn biến thế nào, Pháp luật Việt Nam tiếp tục cập nhật.
Việt Hưng