Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cùng chồng xây dựng “đế chế” Trung Nguyên như thế nào? (Kỳ 1)

(PLO) - Pháp luật Việt Nam trân trọng gửi đến bạn đọc câu chuyện của nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo – đồng sáng lập, đồng sở hữu và cũng là người trực tiếp điều hành Tập đoàn cà phê Trung Nguyên từ năm 1998-2014.
Vợ chồng Trung Nguyên và con gái thứ 3 tại Lễ Hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2013
Vợ chồng Trung Nguyên và con gái thứ 3 tại Lễ Hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2013

Kỳ 1: Cùng nhau “viết” nên giấc mơ Trung Nguyên

Suốt 20 năm qua, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đồng cam cộng khổ cùng chồng – ông Đặng Lê Nguyên Vũ, vượt qua muôn vàn sóng gió từ những ngày đầu khởi nghiệp gian nan cho đến lúc thành công rực rỡ; từ những ngày ắp đầy yêu thương cho đến dạo đau đớn cảnh ra tòa ly hôn.

Tình yêu và sự nghiệp song hành

Hành trình cùng nhau xây dựng Trung Nguyên, biến những hạt cà phê xứ đất đỏ bazan trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia, của cặp đôi Diệp Thảo – Nguyên Vũ bắt đầu từ hơn 20 năm trước.

Thuở tuổi đôi mươi, bà Thảo là thiếu nữ xinh đẹp, có tiếng một vùng. Vẻ đẹp ấy đã khiến bao chàng trai si mê, không ít thiếu gia theo đuổi, song bà lại dành trọn tình yêu đời mình cho chàng sinh viên y khoa Đặng Lê Nguyên Vũ.

Cô gái trẻ khi đó đã nhìn thấy ở người yêu của mình một tư tưởng lớn lao và ý chí vươn lên mạnh mẽ. Và cũng chỉ có bà, là người duy nhất dám đón nhận khát vọng cháy bỏng của chàng sinh viên y khoa lúc đó, và tự nhủ sẽ song hành cùng ông trong suốt cuộc đời này.

Là tổng đài viên của 108, hơn 80% các câu hỏi hàng ngày bà tiếp nhận có liên quan đến cà phê. Trong khi đó, hầu hết các giao dịch mua bán của gia đình bà cũng liên quan đến người kinh doanh cà phê và nông dân trồng cà phê.

Sự nhạy bén, thông minh thừa hưởng từ gia đình có truyền thống kinh doanh vàng bạc đá quý (ở Gia Lai), giúp bà nhanh chóng nhận ra tiềm năng rất lớn của ngành cà phê. Bà quyết định chọn ngành này để cùng người yêu khởi nghiệp, còn ông Vũ thì chọn cái tên là Trung Nguyên.

Ngày ấy, đôi trẻ nhận thấy thị trường cà phê rất tiềm năng nhưng còn đang bỏ ngỏ, các quán cà phê chủ yếu mang tính chất gia đình, nguồn cung cấp cũng không rõ ràng, không mang tính hệ thống và hầu như không có chiến lược phát triển dài hạn.

Năm 1994, hai người đến xem một số cơ sở cà phê ở Gia Lai, lúc đó được cho là làm ăn bài bản hơn ở Buôn Ma Thuột nhiều. Sau khi đi xem nhiều điểm, cả hai cùng phân tích, nhận định rồi bàn bạc để thiết kế chiếc hộp cà phê Trung Nguyên đầu tiên với slogan “mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới”.

Bà Thảo đã tự hỏi, Trung Nguyên sẽ phải làm gì để có thể tìm chỗ đứng trong một thị trường mà bí quyết rang và chế biến cà phê được coi là bí truyền, người ngoài khó có thể chen chân vào được?

Thế rồi, đôi bạn trẻ ấy với niềm tin cứ đi ắt sẽ đến, bắt đầu từ con số 0 mà không hề nản chí. Hai người đi tìm cộng sự, cùng mày mò vừa làm vừa học, chỉ dẫn nhau, không ngừng nâng cao kiến thức tay nghề đối với lĩnh vực cà phê.

Công việc kinh doanh từ đó phát triển tốt, chân trời mới mở ra vô cùng tươi sáng. Tuy vậy, lúc đó cả hai chỉ mơ ước Trung Nguyên sẽ trở thành công ty lớn nhất ở Buôn Ma Thuột, không ngờ rằng sau này thương hiệu này đã vươn xa như thế.

Ngày ấy, cả hai thường trao đổi thư từ với nhau, đến nay bà Thảo vẫn còn giữ những lá thư mà ông Vũ đã gửi cho bà. Bà thường tâm sự, chia sẻ với người yêu những bài báo có chủ đề như câu chuyện thương hiệu, lãnh thổ và kinh tế quốc gia, biên giới mềm, dân tộc Việt, những câu chuyện điển hình thành công trong làm ăn kinh doanh...

Ông Vũ lắng nghe bà rất nhiều và sau khi đọc ngấu nghiến từng dòng từng chữ thì nâng niu lưu giữ. Ông trân trọng tình cảm của bà, người con gái luôn khuyến khích người yêu hướng đến thành công và những chân trời mới.

Có thể nói, thời điểm đó, với ông Vũ, chỉ có bà Thảo là người thân duy nhất bên cạnh, song hành cùng ông, dám làm dám dấn thân vì ông để cùng ông mở ra một tầm nhìn và con đường mới. Việc kinh doanh cứ thế tiến dần lên, cà phê Trung Nguyên đã có được những thành công bước đầu rất đáng tự hào.

Năm 1997 ông Vũ quyết định cùng một người bạn đầu tư mở quán cà phê ở Long Xuyên, việc kinh doanh sau đó bị thất bại. Tuy nhiên chính từ bước ngoặt này, năm 1998 bà Thảo đồng ý kết hôn với ông Vũ để chính thức cùng nhau bắt tay vào xây dựng Trung Nguyên. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của bà Thảo.

Quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên ở Sài Gòn

Mùa hè năm đó, sau đám cưới, cả hai chuyển về sống ở số nhà 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP HCM. Đôi vợ chồng son bắt đầu đời sống hôn nhân trong một căn phòng nhỏ xíu với chiếc máy lạnh cũ kỹ giữa trời oi bức của Sài Gòn. Khởi đầu với nhiều khó khăn là thế, nhưng với tình yêu và khát vọng cháy bỏng, bà Thảo vẫn chấp nhận cùng chồng vượt qua mọi trở ngại để đi đến thành công.

Bà cho tổ chức kho và sản xuất ngay trong nhà, lúc đó chung một mái nhà còn có hơn 15 nhân viên và gia đình của họ nữa. Tình hình Trung Nguyên sau thất bại ở Long Xuyên còn rất lộn xộn, nợ nần khắp nơi, mọi thứ rối tung cả lên. Người vợ trẻ phải lao vào cùng chồng giải quyết từng việc một, từ tài chính, con người đến các mối quan hệ làm ăn liên quan.

Bà bắt đầu học cách quản lý quán cà phê chuyên nghiệp, vừa học vừa tự nghiên cứu thị trường, tự tìm tòi thêm. Chiến dịch chiêu thị mà bà áp dụng là phục vụ khách uống cà phê miễn phí trong bảy ngày.

Chiến thuật này quả nhiên hiệu quả, gây chấn động trong giới nghiện cà phê ở Sài Gòn. Khách đến quán đông nườm nượp, ai cũng khen cà phê ngon đậm đà mà trước đến nay họ chưa từng thử qua. Cả mấy chục nhân viên phục vụ, pha chế, dọn dẹp… làm cũng không xuể.

Sau lần đó, lượng khách đến thưởng thức cà phê mỗi ngày một tăng lên đáng kể. Thương hiệu Trung Nguyên được hình thành và nhanh chóng được nhiều người biết đến.

Trên đà đó, vợ chồng bà cùng vài người bạn mở tiếp quán Trung Nguyên thứ hai ở góc ngã tư Pasteur – Điện Biên Phủ. Vào thời điểm ấy, đây là một trong những quán cà phê đầu tiên hiếm hoi tại Sài Gòn có không gian đẹp, hiện đại, cà phê đối chứng, tức là bán cà phê hạt, cà phê rang xay song song với phục vụ khách thưởng thức cà phê tại quán.

Như vậy khách hàng ngoài việc thưởng thức cà phê ngay tại chỗ, còn có thể mua sản phẩm cà phê hạt, cà phê rang xay mang về nhà để uống với chất lượng cà phê tương đương ở quán. Đây là mô hình quán đối chứng đầu tiên ở Việt Nam và được người tiêu dùng ủng hộ nồng nhiệt. Còn nhớ, giới sành cà phê lúc đó ngỡ ngàng thế nào bởi đây một hiện tượng chưa từng có.

Trong thời buổi mà việc xây dựng nhãn hiệu là khái niệm rất mới mẻ, thì Trung Nguyên, có thể nói đã làm được kỳ tích. Đó là trở thành thương hiệu Việt Nam đầu tiên được xây dựng và quản lý một cách bài bản; cũng là thương hiệu Việt Nam thực hiện chiến lược nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam và vươn ra thế giới.

Chính hai chữ “đầu tiên” đó đã tạo nên sức nóng trên mặt trận truyền thông, với hàng trăm bài báo viết về sự ra đời và lớn mạnh của thương hiệu này. Thương hiệu mỗi ngày một lan tỏa rộng, vợ chồng bà Thảo đã thu hút rất nhiều khách hàng muốn tham gia mô hình kinh doanh franchising với Trung Nguyên. Thông qua franchising, Trung Nguyên đã mượn lực và nhân rộng chuỗi quán cà phê ra rất nhanh.

Đọc thêm