“Độc chiêu” trốn án của nữ đạo chích sinh liên tiếp 5 đứa con

(PLO) -Lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật đối với phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, bị cáo liên tục sinh tù tì 5 đứa con. Không chồng, nhưng liên tục mang thai, nuôi con nhỏ để nợ thi hành án, bị cáo tiếp tục trộm cắp khi không có tiền để nuôi 5 đứa con.
Bị cáo tại tòa

Mẹ đơn thân… 5 con

Phòng xét xử vắng tanh. Bị cáo (35 tuổi, ngụ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, được tại ngoại) lẹt xẹt lê bước vào khán phòng và nặng nề ngồi vào vị trí dành riêng cho mình – chiếc  ghế đặt ngay phía trước mặt HĐXX. Dáng người bị cáo nhỏ thó, làn da xám xịt. Gương mặt buồn xo, điểm phía trên là ánh mắt u ám.

Theo cáo trạng, những tài liệu trong hồ sơ được công bố và lời khai của bị cáo tại phiên tòa: Bị cáo là hàng xóm của bị hại. Sáng ngày 27/5/2018, bị cáo biết gia đình bị hại đi vắng, nên nảy sinh ý định vào nhà này để trộm cắp tài sản. Khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, bị cáo đi ra phía sau nhà bị hại, thấy cánh cửa ra vào đã cũ, có một tấm ván phía dưới cánh cửa bị hỏng, bị cáo liền giơ tay giật mạnh làm tấm ván rơi ra.

Sau đó bị cáo chui qua ô cửa, đột nhập vào nhà bị hại. Bị hại quan sát một vòng trong nhà, rồi đi vào phòng ngủ. Trong phòng ngủ, bị cáo thấy một tủ gỗ, liền dùng tay giật mạnh, làm cánh cửa bên trong bung ra. B

ị cáo lục soát bên trong tủ, thấy có một hộp gỗ màu đen có hoa văn, lại được khóa cẩn thận bằng một ổ khóa nhỏ. Nhìn cái hộp nho nhỏ xinh xắn, lại có vẻ trân quý, bị cáo đoán chắc chắn bên trong đựng tài sản nên đã lấy hộp gỗ rồi tẩu thoát ra ngoài bằng lối cũ.

Mang được hộp gỗ về nhà, bị cáo phá khóa, lấy được số tiền 12,5 triệu đồng bên trong, cùng với 3 chỉ vàng. Bị cáo đem 3 chỉ vàng ra tiệm bán, được hơn 10,6 triệu đồng. Như vậy, tổng tài sản bị cáo chiếm đoạt được của bị hại là 23,1 triệu đồng. Sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã bồi thường cho bị hại 5,5 triệu đồng. Số tiền còn lại, bị cáo xin được dần dần bồi thường tiếp.

Tòa hỏi nữ bị cáo, chồng làm gì? Bị cáo cúi đầu lí nhí: “Dạ bị cáo không có chồng?”. “Không có chồng mà bị cáo có tới 5 đứa con?” Bị cáo lại lí nhí “Dạ”. “Bị cáo làm mẹ đơn thân, có nuôi nổi 5 đứa con không?”. Bị cáo ấp úng, lúc nói nuôi đủ, lúc bảo không.

Bị cáo làm nghề dọn phòng ở khách sạn. Lương chẳng nhiều nhặn gì. 6 mẹ con tiện tặn, sống kham khổ cũng qua hết. Đứa con lớn nhất của bị cáo năm nay 9 tuổi, đứa nhỏ nhất còn chưa lên 3. Bị cáo nói các con đi học, do nhà là hộ cận nghèo, nên học phí cũng được miễn giảm. Chỉ có tiền áo quần, sách vở, thức ăn mới là gánh nặng.

Hôm đó từ buổi sáng, bị cáo đã biết gia đình bị hại ra khỏi nhà. Nhưng mấy đứa con nhỏ quấy chân, nên mãi vẫn không thể “hành động” được. Đợi đến trưa, sau khi các con ngủ hết, bị cáo mới đột nhập sang nhà hàng xóm “đục tường khoét vách”.

Tòa hỏi bị cáo trộm tiền làm gì? Bị cáo khai, trộm tiền để mua quần áo, sách vở cho con. Một phần thì trả nợ và mua thức ăn. Người mẹ năm con phân bua, hôm đó vốn dĩ bị cáo không có ý định đi trộm. Nhưng không may chủ nợ lại đòi tiền, bí quá nên bị cáo mới nghĩ quẩn, rồi làm liều.

Năm 2013, bị cáo từng bị xử phạt 2 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên bản án đến nay vẫn chưa được thi hành vì bị cáo liên tục phải chăm sóc con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Viện kiểm sát nhắc nhở bị cáo, bị cáo được hoãn thi hành án do có con nhỏ, đó là sự khoan hồng của pháp luật. Nhưng không phải là miễn thi hành án, con bị cáo lớn, bị cáo sẽ bị bắt ngay. “Lần này bị cáo tái phạm, lẽ ra phải bị bắt giam. Nhưng vì hoàn cảnh bị cáo nheo nhóc, cả 5 đứa con đều còn nhỏ, nên cơ quan chức năng mới không ra quyết định bắt tạm giam bị cáo. Mục đích để bị cáo thu xếp ổn thỏa việc gia đình, sắp xếp chỗ ăn ở cho các con.

Vài tháng nữa, con bị cáo đủ 3 tuổi, bị cáo phải đi thi hành án ngay. Lần này bị cáo không nên trốn tránh nữa. Mình vì sinh 5 con để được hoãn thi hành án, giờ không nuôi được cũng tội con. Còn bản án, suốt cuộc đời này, không sớm thì muộn, bị cáo đều phải trả”, vị kiểm sát viên nói với bị cáo.

Lời hứa “không sinh thêm con nữa”

Nhìn dáng bị cáo nhỏ thó, đứng rúm ró trước HĐXX, hiếm ai nghĩ đó là người phụ nữ đã có 5 con. Vị hội thẩm khuyên bị cáo, không nên tiếp tục sinh con nữa để trốn án. Án không trốn được, mà sức khỏe bị cáo lại bị ảnh hưởng vì sinh nhiều. Các con bị cáo lại không được chăm sóc, nuôi nấng tốt. Thời gian tới, con bị cáo lớn, bị cáo gửi con rồi đi thi hành án, rồi sớm trở về để nuôi con.

Bị cáo khóc. Chị phân bua, trước đây do không hiểu luật. Cứ tưởng mình sinh con thì không bị bắt đi tù. Giờ mới biết hễ con lớn là bị bắt ngay. Mà con nuôi mỗi ngày lại lớn, không có dừng được. Giờ hiểu luật, thì lỡ đẻ đến đứa thứ 5 mất rồi.

Bị cáo nói nhà có 4 chị em. Bị cáo là con đầu trong nhà. Nhưng gia đình bố mẹ, các em đều nghèo cả. Bị cáo không chồng, một mình nuôi 5 đứa con quả thật rất cực. Nhưng giờ cực mấy cũng phải cắn răn, không dám than. Bởi tại mình chứ có phải tại ai đâu. Những khi túng quẫn quá, anh chị em trong nhà đôi lúc cũng dúi cho một hai trăm ngàn. Năm rồi được chính quyền phát cho cái sổ cận nghèo, may ra con cái đi học được miễn này miễn nọ, mới vơi bớt chút gánh nặng. 

Bị cáo xin tòa giảm nhẹ hình phạt, tuyên mức án thấp thấp. Lần này bị cáo hứa không sinh con nữa. Con lớn sẽ đi chấp hành án ngay. Bị cáo vừa nói vừa đưa tay quệt quệt nước mắt trên mặt. Do bị cáo có 1 tiền án (chưa thi hành án), chưa được xóa án tích nhưng lại tiếp tục phạm tội nên phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tái phạm”.

Tuy nhiên, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi, khắc phục hậu quả nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo luật định. Tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm 3 tháng tù. Tổng hợp với mức án 2 năm tù được tuyên vào năm 2013 mà bị cáo chưa chấp hành, bị cáo phải thi hành bản án 3 năm 3 tháng tù.

Theo Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tại Khoản 1 Điều  61, Bộ luật Hình sự  quy định hoãn chấp hành hình phạt tù khi người bị kết án bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm.

Luật sư Võ Công Hạnh nhấn mạnh: Việc quy định tạm hoãn chấp hành hình phạt tù là chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt, người bị kết án đã lợi dụng chính sách này để kéo dài thời gian thi hành án, tiếp tục phạm tội, gây khó khăn cho lực lượng chấp pháp và tạo ra những hệ lụy cho xã hội. “Nhằm khắc phục và răn đe người bị kết án tiếp tục phạm tội, tại điểm g Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự ghi nhận việc tái phạm, tái phạm nguy hiểm và phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Mặt khác việc kéo dài thời hạn chấp hành hình phạt tù không làm thay đổi thời gian chấp hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Hình sự, trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới” - luật sư Võ Công Hạnh thông tin thêm.

Đọc thêm