Làng nặn tượng ông Táo “độc nhất vô nhị”
Mỗi khi nhắc tới làng Địa Linh xứ Huế là nhắc tới vùng đất duy nhất có những người thợ làm nghề nặn tượng ông Công, ông Táo. Trước đây hầu hết nhà nào cũng làm nghề nặn tượng trước ngày 23 tháng chạp (âm lịch) từ 3 đến 4 tháng. Theo tín ngưỡng của người Việt, tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp của mỗi gia đình. Dù nhà khá giả hay nghèo khó, đến 23 tháng chạp hàng năm đều làm lễ cúng để đưa ông Táo về trời báo cáo những chuyện trong đời sống, nhất là chuyện bếp núc. Đi kèm sẽ là bộ ba tượng ông Táo mới được thay lên bếp.
Để làm ra được những bức tượng ông Táo đẹp thì những người thợ phải biết cách chọn lựa những nguyên vật liệu sao cho khi ra thành phẩm sẽ không bị chê xấu. Theo đó, đất dùng để làm tượng thường được chủ lò lấy chỗ sạch và thường là đất sét vàng không pha cát, ít lẫn tạp chất và phải lấy trước mùa mưa lũ hàng năm.
Ông Võ Văn Nam (làng Địa Linh) chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề nặn tượng ông Táo từ thời bố tôi cho tới bây giờ đã hơn 30 năm nay. Hiện giờ, bố mất đi thì ba anh em tôi lại làm để giữ lại nghề truyền thống của cha ông cũng như nghề của địa phương. Công đoạn khó và vất vả nhất cả quá trình làm tượng là làm đất. Đất mua về phải được nhồi thật nhuyễn, lọc sạch sạn thật tỉ mỉ trước khi lên khuôn. Khuôn để tạo hình tượng ông Công, ông Táo được làm bằng gỗ. Để quá trình tạo hình tượng không hư hỏng, mang tính thẩm mĩ, người đúc cần phải thường xuyên làm sạch các hoa văn họa tiết được khắc bên trong khuôn đúc…”.
Khi mới đúc tượng, đất thường rất dẻo và chưa cố định về hình dạng. Lúc này, người thợ phải cẩn thận gia công lại bằng tay, đặt nhẹ xuống đất hoặc thanh gỗ để tạo bề mặt phẳng giúp tượng đứng thẳng. Sau đó tượng được phơi nắng đến lúc ráo mới cho vào lò nung và làm nguội trong 2 ngày. Khi ra thành phẩm thì quét sơn, vẽ màu lên tượng để tăng tính thẩm mĩ - ông Nam cho hay.
|
Khuôn khắc hình ông Táo được làm bằng gỗ lim. |
Nguy cơ mai một nghề
Trước đây, hầu như trong làng Địa Linh nhà nào cũng làm ông Táo nhưng so với công việc nhọc nhằn mà hiệu quả kinh tế mang lại quá thấp nên nhiều người đã “giải nghệ”. Hiện ở thôn Địa Linh chỉ còn 5 hộ gia đình làm tượng ông Táo, trong đó một gia đình ba anh em là Võ Văn Đức, Võ Văn Nam và Võ Văn Hay còn bám trụ với nghề truyền thống.
Trung bình, mỗi ngày gia đình làm được 500 – 600 ông Táo, mỗi tượng ông Táo bán ra giá 2.500 đồng thì lãi được 1000 đồng. Tuy công việc không nặng nhọc lắm nhưng cũng rất công phu và mất nhiều thời gian. Để thành sản phẩm bán ra thị trường phải trải qua rất nhiều công đoạn như chọn đất sét, nhào đất, rập khuôn (in ra hình ông Táo), phơi khô, nung và sơn màu - chị Võ Thị Hòa (vợ anh Đức) cho biết.
Theo ông Võ Văn Nam, mặc dù vẫn chưa bị thất truyền nhưng để mưu sinh bằng nghề thì không đủ sống, phải làm thêm các nghề khác. Cái nghề gia truyền của ông cha để lại nên cũng cố gắng để gìn giữ, nhưng không biết các thế hệ con cháu sau này có còn giữ được hay không.