Nằm cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 40km, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã hình hành từ rất lâu đời. Với điều kiện thuận lợi từ những cánh đồng lúa mênh mông cộng với bàn tay khéo léo người dân vùng đất Thuận Hưng đã chế biến nên những chiếc bánh tráng nức tiếng với độ mịn, dai, giòn.
Làng nghề vô danh nhưng đã 200 tuổi
Bánh tráng không biết từ khi nào đã trở thành một món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây mỗi khi Tết đến, xuân về. Dù bận rộn đến đâu, mọi người cũng không quên chuẩn bị cho mình những chiếc bánh tráng giòn thơm để thưởng thức và làm các món cuốn hấp dẫn để đãi khách.
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hoạt động suốt cả năm nhưng trong không khí những ngày giáp Tết càng trở nên sôi động. Hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch là những chủ lò bánh nơi đây lại tất bật chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng cho “mùa làm ăn”. Người thì nhóm lửa, người khuấy bột, người phơi vỉ, không khí tưng bừng nhộn nhịp.
Chị Biện Thị Nhiên (Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) chia sẻ: Những ngày này lò bánh của gia đình chị đỏ lửa từ 1 giờ sáng và hoạt động liên tục đến tận 4 giờ chiều nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tăng cao của khách hàng. Sống bằng nghề tráng bánh nên lò bánh nhà chị Nhiên hoạt động suốt năm. Bình thường việc tráng bánh, phơi bánh chỉ cần hai vợ chồng chị và đứa con là đủ. Nhưng mỗi dịp Tết đến, chị phải thuê thêm nhân công phụ việc mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng cao của khách hàng.
Khách hàng đặt hàng từ rất sớm, lò bánh nào cũng dày kín đơn đặt hàng từ các tỉnh lân cận và cả nước ngoài. Trong đó thị trường Cần Thơ, Hậu Giang chiếm 90%. Loại bánh truyền thống nơi đây là bánh mặn, bánh giòn, bánh dừa, bánh ngọt, nhưng bánh giòn là loại bánh được khách hàng ưa chuộng nhất. Trung bình một lò bánh mỗi ngày cho ra lò từ 2.000 – 6.000 cái bánh với giá dao động từ 45.000 đến 55.000 đồng/100 cái bánh; thu nhập từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Vì thế, mùa Tết còn là dịp để người dân tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập.
Mong ước một thương hiệu
Làm nghề bánh tráng vốn không cần đầu tư nhiều, chỉ cần cái lò đất, cái nồi lớn có căng vải dùng để cho bánh vào tráng; một cái gáo dùng múc gạo, một ống lăng lấy bánh và không thể thiếu những chiếc vỉ phơi. Nhìn chiếc bánh có vẻ rất đơn giản nhưng để làm ra một chiếc bánh phải trải qua nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ. Bà Nguyễn Thị Bưng, người có 26 năm kinh nghiệm sống bằng nghề làm bánh tráng bộc bạch: Để có được chiếc bánh giòn thơm và đẹp mắt thì cần phải có tay nghề nhất định. Một chiếc bánh ngon phải biết chọn gạo, xay bột, tẻ nước, gia vị…
Việc tạo ra một chiếc bánh cũng giống như tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi người thợ phải thật kéo tay. Phần bột cho mỗi cái bánh cũng phải vừa đủ, tán bột cho đều tay nhưng phải đảm bảo chiếc bánh được tròn và kích thước vừa đủ với kích thước của vỉ phơi. Công đoạn lấy bánh còn ướt từ lò ra vỉ cực kì khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người đánh và người lấy bánh. Bởi lúc này bánh vẫn còn ướt dễ bị cuốn và bị rách, người lấy bánh phải thật nhẹ nhàng nâng niu đặt bánh tráng lên mặt vĩ.
Quá trình phơi bánh và lấy bánh cũng không kém phần công phu. Bánh ra lò được phơi dưới nắng đến khi bánh dịu lại thì mang vào để trong mát vì nếu để ngoài nắng quá lâu bánh sẽ bị teo lại mất hình dáng ban đầu và bánh dễ bị vỡ. Một thời gian sau bánh sẽ tự bung ra khỏi mặt vỉ, khi đó việc lấy bánh vô cùng dễ dàng.
Chị Hà Thị Út Lớn (39 tuổi) tâm sự: “Nghề tráng bánh đã ăn sâu vào máu thịt của tôi. Ngày thường dù làm bất cứ công việc gì nhưng mỗi khi Tết đến chị nhất định quay trở lại lò, làm ra những cái bánh tráng giòn thơm phục vụ mọi người dịp Tết, nhất là bà con trong xóm”. Được biết, chị Út Lớn đến với nghề làm bánh từ khi còn nhỏ, khi 18 tuổi chị đã trở thành một thợ rành nghề.
Theo lời kể của những bậc làm bánh lão làng, nghề tráng bánh đã có từ rất lâu đời từ 200 năm trước. Nghề làm bánh tráng bắt đầu từ những phụ nữ chịu thương, chịu khó tráng bánh để lo toan cuộc sống gia đình và trở thành nghề mưu sinh nhộn nhịp. Trải qua bao thăng trầm nhưng làng bánh tráng Thuận Hưng vẫn luôn tồn tại và ngày càng phủ sóng rộng hơn địa bàn tiêu thụ.
Bánh ngon, được nhiều người biết đến, người dân nơi đây đang ấp ủ dự án tạo nên thương hiệu riêng đặc trưng cho bánh tráng Thuận Hưng. Đến nay làng nghề bánh Thuận Hưng đã được nhiều người biết đến và đang dần trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách đến tham quan trong và ngoài nước thưởng thức văn hóa ẩm thực, tham quan trải nghiệm nét đẹp du lịch miệt vườn sông nước.
Ông Phan Văn Tấn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Hưng cho biết: “Trên địa bàn có 46 hộ làm nghề quanh năm nhưng vào mỗi dịp Tết thì số lượng hộ dân làm bánh phục vụ Tết tăng lên đột biến lên đến hàng trăm hộ. Dạo gần đây do trời không mưa nên tạo nhiều thuận lợi cho bà trong việc tráng và phơi bánh năng suất cũng tăng lên đáng kể. Nhờ vào mùa bánh Tết mà hàng ngàn lao động địa phương có công ăn việc làm, đặc biệt là chị em phụ nữ, tạo điều kiện cho bà con có có thêm nguồn thu nhập vui đón Tết, góp phần phát triền kinh tế địa phương”...