Thiếu “hồn vía” để thu hút khách du lịch
Để nhìn nhận cũng như hóa giải khó khăn này, vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp cùng Phòng Quản lý di sản và Quỹ văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Bàn về giải pháp xúc tiến, quảng bá sản phẩm gốm sứ Bát Tràng ở trong nước và quốc tế”.
Điểm nhấn của buổi tọa đàm chính là ý kiến tham luận của khách mời phân tích cặn kẽ những thuận lợi và khó khăn của làng nghề gốm Bát Tràng trong thời kỳ công nghệ số hóa toàn cầu như hiện nay, từ đó tìm kiếm giải pháp phát triển làng nghề dựa trên hai phương thức: sử dụng bản sắc văn hóa làng nghề như một kho tư liệu quý khơi nguồn các sáng tác gốm sứ, làm gia tăng giá trị của sản phẩm, đồng thời ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông vào phục vụ hoạt động lưu thông, xúc tiến, quảng bá sản phẩm ở trong nước và đặc biệt là ra thế giới.
Phân tích về những khó khăn, thách thức mà gốm sứ Bát Tràng gặp phải trong công cuộc phát triển và giới thiệu ra với thế giới họa sĩ Bùi Hoài Mai – họa sỹ, nhà sưu tầm gốm cổ nhận định: “Các sản phẩm ở gốm sứ Bát Tràng giống nhau ngay cả trong sự sáng tạo, chưa một hộ gia đình nào có sự khác biệt về hình dáng và kiểu cách”.
Theo đó, ông phân tích, gốm sứ tại làng nghề ở Nhật họ phân chia theo phân khúc để phục vụ khách du lịch, ví dụ như có gian hàng chỉ bán cho khách “giàu có”, cũng có gian hàng chỉ phục vụ tầm trung… theo đó, mỗi cửa hàng sẽ phục vụ từng khách khác nhau đòi hỏi sự sáng tạo của họ phải khác nhau. Còn ở Việt Nam rõ ràng là một hướng đi hết sức đại trà và coppy lẫn nhau khiến cho mỗi tác phẩm không có “hồn vía” vậy thì hiển nhiên không thể nào thu hút được khách du lịch.
Phải năng động tìm khách thì mới quảng bá được
Họa sĩ Bùi Hoài Nam cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm, khoan hãy bàn gốm làm men gì, gốm làm như thế nào mà hãy thử quan sát xem Bát Tràng có đúng chất là một “làng nghề” nữa không? Ở trong cộng đồng văn hóa một làng là phải cùng nhau phát triển hay tiêu diệt lẫn nhau để tồn tại? Câu hỏi bỏ ngỏ đó họa sĩ muốn mỗi người dân Bát Tràng tự đi tìm câu trả lời cho riêng mình.
Như vậy, để có được sự sáng tạo và phát triển thì bắt nguồn Bát Tràng phải thực sự là một cộng đồng “làng” cùng nhau phát triển đã. Họa sĩ cũng quan niệm nếu chúng ta quay về truyền thống giữ gìn, tôn trọng và thật sự yêu thương làng Bát Tràng thì tự khắc cơ hội để giới thiệu Bát Tràng ra thế giới sẽ đến.
Đồng phân tích những khó khăn mà Bát Tràng đang gặp phải, ông Nguyễn Đình Thành (Sáng lập viên PR Elite) chỉ ra những “lỗ hổng” trong khâu quảng bá hình ảnh mà Bát Tràng gặp phải. Đầu tiên đó là đến làng nghề Bát Tràng không hề có biển chỉ dẫn là đi hướng nào và cũng không có một nhân viên du lịch nào đứng ra “Đây là làng gốm Bát Tràng – mời các khách du lịch tham quan và giới thiệu cho họ nghe những ý nghĩa hoa văn lịch sử trên mỗi sản phẩm gốm mà chúng ta bán” vậy thì sao có thể quảng bá gốm, quảng bá đất nước được.
Đồng thời, hiện nay chúng ta chưa có một cổng thông tin điện tử chính thức nào của làng gốm Bát Tràng, ông Thành đề xuất nên có một cổng thông tin điện tử với 5 thứ tiếng để khách du lịch có thể đến gần hơn với Bát Tràng. Ngoài ra, khi có rồi thì phải tập trung chuyên sâu giới thiệu lịch sử Bát Tràng và biến cổng thông tin điện tử là nơi giao lưu và trao đổi kinh nghiệm giữa các họa sĩ với nhau. Cuối cùng, cái chậm lớn nhất của Bát Tràng đấy là chưa bắt nhịp kịp với xu thế bán hàng trong kỉ nguyên số. Phần đông các hộ gia đình ở nhà bán và chờ du khách tìm đến mình nhưng lại không tìm cách để mình chủ động tìm đến khách hàng trước bằng cách lập ra chợ online như bán hàng trên facebook, instagram… một cách có đầu tư sâu và rộng hơn…