Ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, tại đình làng Tượng Sơn (phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) lại tổ chức lễ hội Khai Hạ đầu Xuân. Đây là lễ hội nổi tiếng 2 bờ Bắc - Nam sông Gianh có từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, lưu truyền đã hàng trăm năm nên dân gian có thơ rằng: “Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày mùng 7 về coi cướp cù”.
|
Biểu diễn múa đao tại lễ hội. |
Ông Trần Trọng Ương (83 tuổi, ở TDP Thủy Sơn, phường Quảng Long) cho biết: Lễ hội này có từ hàng trăm năm vào thời Trịnh - Nguyễn, cứ vào ngày mồng 7 tháng Giêng đầu năm mới, thanh niên trai tráng khắp các làng, xã, huyện lân cận và con em xa quê về tham gia lễ hội.
Theo sử sách ghi lại, Đình làng Tượng Sơn được xây dựng vào năm Canh Ngọ 1750, là nơi thờ cúng Thành hoàng làng và những người có công với quê hương, đất nước. Năm 2003, Đình làng Tượng Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đình làng cũng là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng.
|
Màn biểu diễn múa quyền tại lễ hội. |
Ngay từ sáng sớm, người dân đã tập trung về đình làng để dự lễ. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm bao gồm những màn biểu diễn múa quyền, múa roi, múa đao, kiếm..., thể hiện tinh thần thượng võ, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống bình yên và thịnh vượng.
|
Vui mừng khi quả cù được đồng đội ném vào rọ của mình. |
Sau phần lễ là phần hội cướp cù diễn ra trên một sân cát rộng, 2 đầu sân dựng hai cây tre cao chừng 10m, phía trên buộc thêm rổ tre để làm mục tiêu ném cù lên.
|
Niềm vui chiến thắng. |
Không giống như những trò chơi khác, hội cướp cù ở Quảng Long hai đội cùng tranh nhau quả cù rồi ném vào rổ của mình, đội còn lại phải tìm mọi cách giành lại quả cù để đội mình ném lên rổ. Đội giành chiến thắng sẽ được ghi vào lịch sử hội cù của làng Tượng Sơn.
Điểm độc đáo của lễ hội này là số lượng người chơi của 2 đội không hạn chế, không quy định già trẻ tham gia, nhưng phải có sức khỏe, nhanh nhẹn, khéo léo để tranh nhau ném quả cù vào rọ của mình. Theo quan niệm, ai cướp được cù và tung được cù vào rọ là năm mới cả đội gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.
|
Kết thúc cuộc thi, 2 đội hòa nhau 1-1. |
Sau hội cướp cù là hội vật với sự tham gia của nhiều đô vật, thi đấu ở các hạng cân khác nhau. Thông qua hội vật, các đô vật xuất sắc sẽ được chọn tham gia hội vật truyền thống của thị xã (tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm).
|
Hội vật với sự tham gia của nhiều đô vật khắp các làng xã, thi đấu ở các hạng cân khác nhau. |
Theo ông Phạm Hồng Phú - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Long, Trưởng Ban lễ hội Khai Hạ đầu Xuân: Hàng năm vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, ai ai cũng náo nức hướng về ngày lễ hội, đặc biệt là chung vui những môn thể thao truyền thống.
|
Hàng trăm người tham gia cổ vũ vận động viên tranh tài. |
“Đây là lễ hội cầu quốc thái dân an, mọi người tràn đầy sức khỏe, bình an và hạnh phúc, cùng nhau hướng về nguồn cội, là dịp để gửi đến nhau những lời chúc mừng tốt đẹp nhất dịp đầu năm mới. Đồng thời phát huy truyền thống, giữ gìn và lưu truyền bản sắc văn hóa của quê hương ngàn đời để lại”, ông Phú cho biết thêm.
Một số hình ảnh ấn tượng tại lễ Khai Hạ đầu Xuân ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn:
|
Lễ hội thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ. |
|
Đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. |
|
Các đô vật xuất sắc sẽ được chọn tham gia hội vật truyền thống của thị xã ngày 10 tháng Giêng. |
|
Các vận động viên thi đấu với sự cổ vũ nhiệt tình của người xem. |