Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương, phường An Hòa, quận An Dương, TP Hải Phòng được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán. Đây là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc và có giá trị văn hóa sâu sắc của vùng đất An Hòa. Đặc biệt, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2020.
Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày mùng 3 Tết đến hết mùng 5 Tết Nguyên Đán năm Ất Tỵ (từ 13h00 ngày 31/01/2025 đến ngày 02/02/2025).
Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày mùng 3 Tết đến hết mùng 5 Tết Nguyên Đán năm Ất Tỵ (từ 13h00 ngày 31/01/2025 đến ngày 02/02/2025).

Đặc sắc của Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương

Theo ông Ngô Văn Thống – Chủ tịch phường An Hòa, quận An Dương, Hải Phòng cho biết, Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương không chỉ là một hoạt động thể thao dân gian mà còn mang đậm dấu ấn văn hoá và tín ngưỡng của người dân làng Ngọ Dương.

Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng Độ Cư sĩ – vị Thành Hoàng làng Ngọ Dương, người có công trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước.

Theo truyền thuyết, sau chiến thắng giặc Tô Định, Hoàng Độ Cư sĩ cùng sáu người anh em mất tại sông Ngọ Dương và từ đó, ngài được dân làng tôn thờ. Hàng năm, vào ngày 25 tháng Chạp, người dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và báo đáp công ơn của ngài.

Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương đặc biệt ở những yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật độc đáo. Trong các cuộc thi bơi trải, các đội phải thực hiện các vòng bơi phức tạp, bao gồm cả vòng đơn và vòng kép. Điều này đòi hỏi người tham gia phải có kỹ thuật bơi khéo léo và khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội.

Điểm khác biệt lớn nhất so với các lễ hội bơi thuyền ở các địa phương khác là sự kết hợp giữa tốc độ và kỹ thuật điêu luyện, giúp tạo nên sự hấp dẫn và gay cấn cho lễ hội.

Theo ban tổ chức Lễ hội, các đội tham gia phải vượt qua quãng đường dài khoảng 1.000 mét trên sông Cổ Bồng, được chia thành ba vòng thi đấu: Hai vòng đơn và một vòng kép. Các đội phải bơi ngược dòng từ phía Tây sang phía Đông, tượng trưng cho sự chuyển từ âm sang dương, với thời gian thi đấu khoảng 90 phút.

Đội nào về đích đầu tiên và tuân thủ đúng các quy định sẽ là đội chiến thắng.

Lễ hội Bơi Trải Đền, Chùa Ngọ Dương trên sông Cổ Bồng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Bơi Trải Đền, Chùa Ngọ Dương trên sông Cổ Bồng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương có sự tham gia của các đội từ năm thôn trong làng. Mỗi đội đại diện cho một thôn, bao gồm các thành viên có độ tuổi từ 18 đến 45, là những người có sức khỏe tốt, phẩm chất đạo đức và hiểu biết về kỹ thuật bơi.

Mỗi đội gồm 16 người, trong đó có 1 lái thuyền, 1 người dậm cốc, 14 tuyển thủ bơi trải và có thể có thêm 1 người tát nước. Các đội đều mặc trang phục truyền thống với những màu sắc đại diện cho ngũ hành, tạo nên một không gian lễ hội đầy sắc màu và ý nghĩa.

Việc tổ chức Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương không chỉ mang lại niềm vui, tinh thần đoàn kết cho cộng đồng mà còn có tác dụng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ hội giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu về di sản văn hóa đặc sắc này.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương không chỉ là niềm tự hào của người dân An Hòa mà còn là một điểm sáng trong hệ thống các lễ hội truyền thống của Việt Nam. Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày mùng 3 Tết đến hết mùng 5 Tết Nguyên Đán năm Ất Tỵ (từ 13h00 ngày31/01/2025 đến ngày 02/02/2025).

Trong khuôn khổ Lễ hội còn có các nội dung khác như Hội thi chim chào mào, cờ tướng, cầu thùm, đập niêu … hứa hẹn mang đến một không khí lễ hội sôi động và ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách tham gia và chiêm ngưỡng.

Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương tiếp tục khẳng định vị trí đặc biệt trong lòng người dân và du khách, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn phòng hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.