Dệt “nét tơ sen” vươn tầm quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ những tấm lụa đầu tiên được dệt bằng tơ sen ở Việt Nam của nghệ nhân Phan Thị Thuận, tơ sen hiện nay đã trở thành một mặt hàng thủ công độc đáo thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để tơ sen giữ hồn lụa Việt, vươn mình sang các thị trường lớn ở quốc tế vẫn cần nhiều nỗ lực, đầu tư và tâm huyết.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chụp ảnh kết thúc Tọa đàm với các khách mời. (ảnh: Nguyễn Hạnh)
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chụp ảnh kết thúc Tọa đàm với các khách mời. (ảnh: Nguyễn Hạnh)

Đó là chủ đề chính được trao đổi trong Tọa đàm “Nghệ nhân Phan Thị Thuận - Tơ sen – Thực trạng và giải pháp vươn mình ra thế giới” do Câu lạc bộ doanh nhân họ Phan miền Bắc phối hợp với các cơ quan truyền thông như VTV, VOV, Báo Công Thương, Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam... tổ chức vào ngày19/1/2025.

Sản phẩm độc đáo, giàu tiềm năng

Mở đầu buổi Tọa đàm, nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ câu chuyện của bản thân. Nghệ nhân sinh ra và lớn lên ở làng nghề dệt lụa Phúc Xá, ngay từ bé, bà đã nuôi dưỡng tình yêu với tơ lụa ngay từ trong dòng máu của mình. Khoảng chục năm trước đây, trong bối cảnh nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam đứng trước nhiều thách thức từ công nghiệp hóa, nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã làm nên dấu ấn đặc biệt với hai sản phẩm.

Đầu tiên việc sản xuất lụa do chính con tằm làm “thợ dệt” thay cho máy công nghiệp. Tiếp theo, là tơ sen – một sản phẩm độc đáo, mang giá trị văn hóa và kinh tế cao. Đây không chỉ là sự khẳng định tài năng và sự sáng tạo của bà, mà còn mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề dệt thủ công Việt Nam.

Để tạo ra được lụa tơ sen, đòi hỏi người thợ cần trải qua nhiều quy trình tỉ mỉ. Những cuống sen được thu hoạch và cắt cuống, làm sạch gai. Sau khi đã phân loại, người thợ cần dùng dao khứa nhẹ và làm đứt vỏ thân cây sen. Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng se cho sợi tơ săn chắc lại. Những sợi tơ sen đạt chuẩn được đưa vào khung cửi để dệt thành những tấm lụa hoàn chỉnh. Một tấm lụa cần khoảng 4.800 cuống sen, nhưng ngay cả những người thợ lành nghề nhất một ngày chỉ làm khoảng 200-250 cuống sen.

Những chiếc khăn được làm từ tơ sen mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế. Ảnh PV

Những chiếc khăn được làm từ tơ sen mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế. Ảnh PV

Lụa tơ sen được làm ra mang hương thơm thảo mộc, dễ chịu. Mỗi sợi tơ sen như “mạch máu” nuôi dưỡng cây sen. Nhờ sự độc đáo, giá trị văn hóa, mà các sản phẩm dệt từ tơ sen thu hút được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Tơ sen đã được Nhà nước đầu tư phát triển. Năm 2023, các sản phẩm: khăn lụa tơ sen, tranh lụa thêu tơ sen,... của làng nghề đã được thành phố đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP.

Trong đó, sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Tháng 4/2024, Sở Du lịch Hà Nội công bố tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long”. Xưởng dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức cùng với nghệ nhân Phan Thị Thuận được công nhận là điểm dừng chân cuối của hành trình khám phá di sản làng nghề Thủ đô.

Đưa tơ sen vươn “biển lớn” quốc tế

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu tơ lụa năm 2022 đạt 70 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%.

Trong năm 2024, nhà thiết kế Bùi Công Thiên Bảo đã sử dụng tơ sen để làm mẫu thiết kế “Lụa nàng Sen”, được Hoa hậu Huỳnh Thanh Thủy trình diễn trong cuộc thi Miss International 2024 tại Nhật Bản. Điểm nhấn bộ trang phục là phần mô phỏng khung cửi dệt vải thủ công gắn sau lưng. Trang phục đã được các giới chuyên môn quốc tế đánh giá rất cao.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận người “tiên phong” việc sản xuất lụa tơ sen. (ảnh:PV)

Nghệ nhân Phan Thị Thuận người “tiên phong” việc sản xuất lụa tơ sen. (ảnh:PV)

Thực tế, các sản phẩm làm từ tơ sen hội tụ nhiều yếu tố để mở rộng ra những thị trường lớn trên thế giới. Ví dụ như, các sản phẩm làm từ tơ sen đã được công nhận là OCOP 5 sao. Tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng có những câu chuyện hấp dẫn, độc đáo. Sản phẩm tơ sen đã và đang được thị trường quốc tế yêu thích, đánh giá cao nhờ sự độc đáo, giá trị nhân văn, nhân đạo tốt đẹp.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hòa chung nhịp đập với thời đại, nghệ nhân Phan Thị Thuận đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực đổi mới sáng tạo để đưa tơ tằm, tơ sen vươn ra biển lớn quốc tế. Các sản phẩm làm bằng tơ sen đang được nghệ nhân cùng đội ngũ định hướng, đầu tư mở rộng quảng bá ra các hội chợ quốc tế về thương mại, du lịch.

TS. Đào Trọng Chương nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng nhận định, tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận là một sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Tơ sen có tiềm năng rất lớn để vươn tầm quốc tế. Hiện tại, các nghệ nhân, doanh nghiệp, làng nghề đã được địa phương, Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Tuy nhiên, để các sản phẩm tơ sen, tơ tằm vươn mình ra “biển lớn” quốc tế, thứ nhất việc sản xuất tơ cần phải nâng tầm công nghệ, bắt kịp thời đại. Thứ hai, thị trường nguyên liệu cần mở rộng, để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, công ty cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ, máy móc rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Cuối cùng, cần đảm bảo chế độ an sinh, xã hội cho những người thợ làm các sản phẩm tơ sen, tơ lụa an tâm làm nghề.