Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc, có rất nhiều thứ có thể biến tấu thành một món ăn ngon, nhưng tại sao người dân Campuchia lại thích ăn côn trùng, những loại côn trùng mà bình thường nhìn vào đã thấy xấu xí và đáng sợ?
Món ăn chống nạn đói
Ở Đông Nam Á, ăn côn trùng không phải là điều gì mới lạ. Nhưng đối với Campuchia, côn trùng là món khá đặc biệt trong nạn đói xảy ra hồi cuối thập niên 1970. Trong khoảng thời gian này, người dân Campuchia phải sống trong những khu rừng rậm rạp, và đó lại là môi trường sống của các loài côn trùng, côn trùng trở thành thức ăn chính nuôi sống người dân trong nạn đói này. Từ đó các món ăn côn trùng bắt đầu diễn ra phổ biến.
Côn trùng là món ăn rẻ tiền nhưng lại rất phong phú về protein, acid amin và chất vi lượng, đặc biệt là cho trẻ em Campuchia (chiếm 97%) ít nhiều bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt những người phụ nữ Khmer còn tin rằng nhện là một phương thuốc rất tốt cho sắc đẹp, khiến tóc dày và khỏe hơn. Ngoài ra, họ vẫn thường bắt những con côn trùng có sẵn xung quanh mình để chế biến thành món ăn kèm với cơm trắng hoặc là món ăn chỉ để nhâm nhi vài ly rượu cùng bạn bè.
Các loại côn trùng được ăn phổ biến nhất là con dế, châu chấu, nhện, gián, sâu gỗ, cà cuống, trứng kiến, ve sầu, nhộng ong… được chế biến với từ chiên rán, nướng, ngâm rượu với các gia vị tẩm khác nhau. Vì sự phổ biến này mà Tổ Chức Nông lương của LHQ gọi đùa những con côn trùng này là “vật nuôi 6 chân”. Theo báo cáo của LHQ hiện trên thế giới có trên 2 tỷ người ăn côn trùng. Có ý kiến cho rằng, xu hướng ăn côn trùng trên thế giới có nguồn gốc từ thói quen bình dị của người Campuchia.
Nhện rang là đặc sản được nhiều người yêu thích |
Kiếm sống nhờ côn trùng
Khu vực dân cư đông đúc dọc theo bờ sông Bassac, một trong 3 nhánh sông giao nhau ở thủ đô Phnom Penh, là nơi nhiều gia đình làm nghề chế biến, tẩm ướp các món công trùng độc đáo này.
Vannet Sokna, một thanh niên 30 nhưng trông già hơn tuổi nói: “Trước tôi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Nhưng vì nhớ nhà nên tôi về nước và giờ làm nghề bán buôn côn trùng và ếch nhái để kiếm sống.” Vừa nói, anh vừa xoa tay lên một rổ bọ cánh cứng trông như sỏi ở bờ biển.
Còn vợ của anh gạt nhúm tỏi đã đập dập vào bát thịt nhái, rồi bóp liên hồi phát ra những tiếng lép nhép khiến nhiều du khách không quen cảm thấy hơi rợn người. “Người ta thích dế được bắt tự nhiên,” Sokna nói, “dế sống được bán với giá 15 USD/kg, dế đã chế biến thì 50 USD/kg.” Anh nhặt một con và chỉ vào phần như bọt trên bụng nói “Đây là con có trứng, ăn ngon tuyệt cú mèo”.
Được biết, những người buôn bán và chế biến côn trùng như Sokna thường thu mua chúng từ một nhà cung cấp ở Takeo, Nam Phnom Penh. Người này nói rằng, để bắt được côn trùng người ta thường dùng đèn huỳnh quang xanh chiếu qua một tấm nhựa. Những con côn trùng sẽ lao về phía có ánh sáng, va vào tấm nhựa và rơi xuống chậu nước phía dưới.
Sau đó người ta đổ đá lạnh vào, giữ tươi và đem đi bán. Đây cũng là cách tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân Campuchia. Những khi nông nhàn, không việc làm, họ đi săn nhền nhện ở những hốc đất và nhiều loại côn trùng khác... sau đó mang đi bán cho thương lái hoặc tự chế biến rồi mang đi bán dạo.
Các loại côn trùng được chế biến thành món ăn |
Các quầy hàng côn trùng buôn bán tấp nập trong chợ, mỗi gian được thiết kế đơn giản trêm một chiếc xe đẩy chỉ có mái che và ngăn cách bởi cọc ống thép. Ở một đầu của quầy có một chỗ lõm để chảo và có vành ống ga, phía dưới để thùng ga.
Bắt đầu một ngày nhộn nhịp, Sokna đặt chảo lên bếp lửa rồi đổ dầu ăn vào. Các bát dế, từ loại to bắt trong tự nhiên cho đến loại nhỏ được nuôi, đã được để sẵn đó. Cũng có cả các bát nhộng và bọ cánh cứng đã được sơ chế và đóng hộp từ vùng nông thôn. Tất cả được bầy trên kệ và sẵn sàng phục vụ thực khách.
Sokna giải thích: “Chúng tôi không mua bọ cánh cứng và nhộng sống. Mua ở dạng đóng hộp tốt hơn, dễ chế biến và để lâu được.” Rồi anh lấy ra các túi gia vị từ phía dưới và đặt cạnh các bát dế. “Nhìn tôi đây”, Sokna nói và đổ 1 thìa muối, 2 thìa đường và 1/2 thìa bột gia vị umami, rồi thêm một ít nước. Anh sục tay sâu xuống dưới mớ hỗn độn này, đổ bột mì và tiếp tục đảo đều. Chợ có khoảng chục sạp bán côn trùng như Sokna, nhưng mùi thơm phức của các món chiên giòn như bao trùm cả chợ.
Món ăn phổ biến được yêu thích
Các món côn trùng ở chợ không quá đắt, du khách có thể nếm thử món côn trùng đã được tẩm ướp đặc biệt. Món ăn nổi tiếng với du khách thế giới là món nhện ướp gia vị ớt chiên giòn và nhện ngâm rượu có tác dụng chữa các bệnh đau nhức xương khớp. Món ăn đắt nhất là cà cuống bởi có chứa tinh dầu thơm, béo và rất ngon.
Dế, nhộng tẩm chua cay chiên giòn là những món được nhiều người ưa thích. Đặc biệt, món nhện là món đặc sản quen thuộc của những người ” sành ăn”. Nói về quá trình làm nên đặc sản này cũng không có gì là quá cầu kỳ. Nhện sau khi bắt về thì được rửa sạch rồi sau đó tẩm gia vị. Cách chế biến nhện cực kỳ đơn giản. Không bỏ bất cứ phần nào của con nhện, nguyên con được tẩm ướp gia vị, đường ớt.
Sau khi phi thơm tỏi cùng với dầu ăn nhện được bỏ vào chảo rang cho đến khi các chân của con nhện cứng lại và mình chưa bị nứt là có thể vớt ra ăn. Mặc dù được rang lên nhưng chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra đám lông vẫn còn nguyên vẹn. Bạn phải là người dũng cảm thì mới có đủ can đảm để thưởng thức món ăn ” rợn người” này. Tuy nhiên chỉ cần thử một lần là bạn sẽ ” phải lòng” và nghiền nó ngay lập tức.
Dế chiên được người bán chào hàng |
Nhện rang giòn ở ngoài và có vị bùi bùi, thế nhưng bên trong lại mềm và hơi nhầy nhầy. Dù đã được rang chín nhưng trông chúng cũng không khác là mấy so với một con nhện sống. Ăn từng chân của con nhện hay bỏ cả con vào miệng đều sẽ là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng và khó quên đối với món nhện rang. Chúng sẽ đem lại cho bạn cảm giác như đang bỏ cả một con nhện còn sống vào miệng.
Có thể nói, côn trùng từ món ăn của con nhà nghèo, ngày nay đã trở thành món ăn giúp một số người dân ở Campuchia đổi đời nhờ săn bắt để xuất khẩu. Cũng từ món ăn dân dã, bình dị này của người nghèo mà giờ đây côn trùng đã giúp cho đất nước chùa tháp này có thêm một món đặc sản độc đáo, mà khi nhắc đến Campuchia, khách du lịch đều biết đến. Việc ăn côn trùng cũng trở nên phổ biến hơn, nó không chỉ xuất hiện ở các quán cóc, vỉa hè, chợ, mà còn có mặt trên cả các bàn tiệc tại nhà hàng, khách sạn.../.