(PLVN) - Cũng như bánh chưng, bánh tét thì bánh thuẫn, bánh nổ là loại bánh truyền thống được người dân Quảng Ngãi làm vào dịp Tết để dâng lên bàn thờ gia tiên. Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết cổ truyền, người dân thôn Điền Trang (xã Nghĩa Trung, Tư Nghĩa) lại vào vụ làm bánh nổ.
Nghề làm bánh nổ ở thôn Điền Trang có từ lâu đời, đó là thứ bánh để nhắc nhau về cội nguồn, thường dùng trong các dịp Tết Nguyên đán, cúng ông Táo…
Những ngày đầu tháng 12 âm lịch, người dân thôn Điền Trang bắt đầu chuẩn bị nếp, đường, củ gừng… cho mùa đóng bánh nổ bán trong dịp Tết. Dẫu năm nay ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến các đơn hàng có giảm so với mọi năm nhưng người dân vẫn vui vẻ, chú tâm làm ra những mẻ bánh ngon nhất cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Phong, có thâm niên làm bánh hàng chục năm ở thôn Điền Trang cho biết, nguyên liệu chính làm ra chiếc bánh nổ gồm nếp được rang thành nổ (bỏng). Sau đó, bỏng nếp được sàng sẩy cho sạch trấu và trộn với đường, củ gừng xắt mỏng, và bây giờ còn có thêm hạt mè và quế. Cuối cùng, người thợ cắt, sấy, cho vào bao.
“Chỉ riêng công đoạn thắng đường cũng khá công phu. Việc này thường được giao cho phụ nữ, bởi họ kiên nhẫn hơn, cảm nhận khi đường “tới” tốt hơn đàn ông. Đó là khi mùi thơm của đường lan tỏa, nhúng chiếc đũa vào chảo đường thắng đang sôi, kéo lên có sợi tơ đường bám vào mỏng mảnh là được”, ông Phong chia sẻ.
Theo ông Phong, khuôn đóng bánh nổ cao chừng 40 - 45 cm, trước đây làm bằng gỗ, nay nhiều chỗ thay bằng thép chịu lực. Khi đổ nếp vào khuôn, người làm bánh cầm vồ bằng gỗ to đóng xuống đều đặn từng nhát, có như vậy cây bánh nổ mới đều, không lỏng, cắt lát bánh ra mới đẹp.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có hơn chục gia đình gắn bó với nghề làm bánh nổ. Bánh nổ có vị ngọt thanh, thơm mùi gừng, giòn ngon. Nhiều người lớn tuổi không thể bỏ được món ăn này.
Người dân thôn Điền Trang lựa những hạt nếp to, mẩy đã được phơi khô thật kĩ để làm bánh nổ.
Rang nếp làm bánh nổ.
Thợ đóng bánh và cắt bánh phải khéo tay để cho ra những mẻ bánh đẹp mắt.
Món bánh nổ của thôn Điền Trang.
Tiếp đó, bánh thuẫn cũng được người dân Quảng Ngãi dâng cúng ông bà tổ tiên trong những ngày Tết. Món bánh dễ làm, mộc mạc, xốp mềm, ngọt bùi, thơm ngon, in dấu trong tuổi thơ bao người.
Loại bánh này được làm từ bột, trứng và đường, đơn giản nhưng mà thơm ngon. Trứng cho vào đường và đánh tan. Cho tiếp bột đã rây mịn vào và đánh cho đến khi hỗn hợp đó hòa quyện lại.
Tiếp đấy, bánh được nướng lên. Khâu này rất quan trọng, để cho ra những chiếc bánh thuẫn nở đúng độ, vàng đều, mềm mịn nở bung, người làm bánh gần như phải ngồi canh đủ lửa. Lửa không đều, bánh sẽ bên trắng, bên vàng; nóng quá sẽ cháy không đẹp mắt.
Cuối cùng đem bánh đi sấy khô, đóng bao bì . Bánh sau khi được sấy khô sẽ được bảo quản lâu hơn.
Dù có thế nào, với người dân Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung, ý nghĩa của những chiếc bánh thuẫn, bánh nổ vẫn luôn in đậm trong tâm trí mọi người, nhất là dịp Tết đến xuân về.