Laurence Punciano đứng bên ngoài túp lều gần thành phố Puerto Princesa (Philippines), nơi phạm nhân 57 tuổi này chịu án tù thứ 3 trong cuộc đời. Kế lều của ông là nhà thờ Iglesia Ni Cristo, nơi có 130 phạm nhân cùng tề tựu đọc kinh dưới sự hướng dẫn của Punciano vào mỗi sáng Chủ Nhật.
Không có tường bao bọc, cũng chả thấy bóng dáng lính canh để phòng ngừa đức Cha Punciano – từng là một con nghiện ma túy – tìm cách đào tẩu. Chỉ tay về phía 2 đứa con trong số 4 đứa, đang chịu án tù, Cha Punciano phân trần: “Được phóng thích vào tháng 9/2011, nhưng tôi quyết định ở lại bởi vì muốn chăm sóc cho nhà thờ, gia đình tôi rất hào hứng với quyết định này”.
Tất cả con cái của Cha Punciano đều được nuôi nấng bên trong nhà tù và trại hình sự Iwahig. Sau khi được phóng thích khỏi nhà tù Bilibid (thủ đô Manila) hồi năm 1996 và sau đó được chuyển tới nhà tù Iwahig, bà xã và đứa con đầu của Cha Punciano dọn cùng với ông vào sống trong nhà ngục này.
Các phạm nhân đi lễ nhà thờ cầu kinh tại nhà tù Iwahig |
Trại giam “lạ”
Cha Punciano vui vẻ kể: “Trại giam này không hề giống với bất kỳ nơi nào mà quý vị đã thấy từ trước đó. Kể từ khi nhà chúng tôi chuyển tới đây, tôi có đặc ân để sống ở đây với họ hàng”. Nhưng đó không phải là vị trí cao nhất mà người đàn ông của Chúa – Cha Punciano – sống cùng với những người thân yêu của mình. Có hơn một tá các gia đình phạm nhân sống cùng với Cha của họ trong một nơi bị gọi một cách mỉa mai là Barrio Libertad, hay “Khu phố giang hồ”.
Họ nằm trong số những phạm nhân mới nhất được cấp quyền sống bên trong nhà tù Iwahig, như là một phần của biện pháp hoàn lương độc đáo dành cho những kẻ có quá khứ lầm lỗi. Iwahig, một trong những nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới, có diện tích rộng đến 26.000ha, là nơi đang giam giữ khoảng 3.186 phạm nhân, hầu hết đều đi lại tự do trong nhà tù.
Một hàng rào dây kẽm gai, một tá bảo vệ được trang bị tận răng và duy nhất 1 người gác cổng luôn tay chào đón khách khứa tại cổng chính của nhà tù, là nơi duy nhất ngăn cách giữa hàng ngàn con người lầm lỡ với thế giới bên ngoài.
Iwahig nằm cách thành phố xinh đẹp Puerto Princesa độ 14km, thành phố chính của đảo Palawan, cũng là một điểm du lịch nức tiếng xa gần bởi những bãi biển tuyệt đẹp và một hệ thống dòng sông ngầm kỳ vỹ.
“Nhà tù Iwahig là một nơi tốt lành cho bất kỳ ai từng có quá khứ đen tối, bởi vì nơi đây chúng tôi sẽ đối diện với một cách cải tạo hoàn lương hết sức đặc biệt”. Được biết, hồi năm 1986, Cha Punciano bị tuyên án chung thân lúc còn là một con nghiện 27 tuổi và đã sát hại 3 tay trùm ma túy ở Manila.
Một tù nhân nựng chó trong khi đang hút thuốc |
Độc đáo chương trình phục hồi nhân phẩm
Ngay thời điểm thực hiện bài viết này, đã có ít nhất gần 6.000 con nghiện ma túy bị tiêu diệt trong chiến dịch thanh trừng ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte – nghĩa là cảnh sát có quyền bắn chết linh mục nghiện ma túy mà không cần phải bắt giữ để đem ra xét xử. Án tù chung thân của Cha Punciano đã được tuyên giảm 30 năm, và Cha đã cải tạo không giam giữ tại nhà tù Iwahig suốt 17 năm ròng.
Nhà tù Iwahig ra đời vào năm 1904 nhằm nhốt những phạm nhân tồi tệ nhất quốc đảo Philippines cách biệt hoàn toàn với phần còn lại của đảo Palawan – cách thủ đô Manila khoảng 600km. Sau Đại chiến thế giới 2, khi Philippines giành được độc lập từ chính quyền thực dân Mỹ, các tù nhân từng chấp hành án phạt tù ở nhà tù Iwahig được phép mua bán đất. Những biện pháp an ninh đã trở nên mềm hơn trong thập niên 1970, khi gia đình của 50 phạm nhân được cho phép di chuyển vào các nông trang.
Cách nhà đức cha Punciano không xa thuộc khu Barrio Libertad, là cảnh hàng trăm phạm nhân trong bộ áo sơ mi xanh nước biển, tay cầm những chiếc liềm tiến ra các cánh đồng của nhà tù Iwahig. Mỗi buổi sáng, gần 1.000 phạm nhân ra đồng để thu hoạch lúa, rau và các cây lương thực khác được trồng trên các cánh đồng nằm rải rác trong trại phục hồi nhân phẩm.
Khoảng 200 tù nhân được cho phép tự do đi lại, được phân biệt với bộ đồng phục áo sơ mi màu be, chịu trách nhiệm quản lý văn phòng cũng như giám sát các phạm nhân mặc áo sơ mi xanh nước biển.
Ngoài những tù nhân được giữ cách ly trong tù, tất cả các tù nhân còn lại được học buôn bán bên ngoài buồng giam, chủ yếu là buôn bán các sản phẩm nông nghiệp; một số phạm nhân thậm chí còn được đào tạo để làm việc ở một trạm y tế, chăm sóc sức khỏe cho các bạn tù. Chính phủ Philippines sẽ dùng khoản doanh thu từ sản xuất nông nghiệp của phạm nhân để tái chi cho việc bảo dưỡng nhà tù, trả lương cho nhân viên.
Là một tù nhân, phạm nhân 62 tuổi Oscar Omisol có mức thu nhập độ 4 USD/ tháng thông qua việc cắt cỏ trong nhà tù Iwahig, trong khi những người bị kết án khác chỉ kiếm được nửa số tiền đó. Một phần thu nhập của phạm nhân sẽ được cất vào một tài khoản ủy thác cho đến khi họ mãn án, có một khoản tiền tiết kiệm nhỏ để làm ăn sau khi được phóng thích.
“Cách cải tạo phạm nhân ở Iwahig hiệu quả hơn so với bất kỳ nơi nào khác nhờ vào các chương trình phục hồi nhân phẩm” - ông Oscar Omisol, người từng chịu án tù 2 năm đầu tiên ở nhà tù New Bilibid, nơi khét tiếng với các hành vi bạo lực và đông đúc.
Một góc bên trong nhà tù Iwahig, các phạm nhân tự do đi lại khắp nơi |
Tỷ lệ tái phạm cực thấp
Tỷ lệ phạm nhân tái phạm khá thấp trong số những người đang cải tạo tại 5 trại hình sự nằm rải rác khắp đảo quốc Philippines, trong đó Iwahig là lớn nhất và là nơi duy nhất cho phép du khách thăm quan: để mua tranh hay đồ mỹ nghệ do phạm nhân làm ra. “Không đầy 10% phạm nhân tái phạm sau khi được phóng thích. Tôi cho rằng có lẽ không đầy 1% tỷ lệ phạm nhân tái “bóc lịch”, dẫn lời ông Antonio C. Cruz, giám đốc nhà tù Iwahig.
Ông Cruz tuyên bố, mục tiêu cao nhất của nhà tù Iwahig là không còn duy trì tính trừng phạt thêm nữa. Tuy vậy, cách quản lý tù nhân của nhà giam Iwahig đôi lúc cũng gây ra xung đột với chính quyển Duterte.
Mặc dù chiến dịch gây tranh cãi của Tổng thống Duterte không trực tiếp tác động tới các nhà tù hình sự của Philippines, và các thành viên trong Quốc hội xứ này đã chỉ ra rằng đảo Palawan là 1 trong số 1.028 hòn đảo lân cận hoàn toàn có đủ điều kiện để biến thành một trại phục hồi nhân phẩm kiểu như nhà tù Alcatraz (Mỹ) để rèn những tội phạm cứng đầu cũng như những tên trùm ma túy có “số má”.
“Tôi nhớ gia đình, nhưng Iwahig là nơi mà tôi có thể đi lại hoàn toàn tự do. Tôi hy vọng nó sẽ được thay đổi tốt hơn trong tương lai”, dẫn lời phạm nhân 36 tuổi Effren Espinosa Jr, người đang chịu án chung thân vì tội đã đâm chết một người đàn ông khi hắn ta còn ở tuổi thiếu niên.
Còn du khách James Ali, 36 tuổi, sau khi nghỉ 1 ngày cùng gia đình ở hồ bơi thiên nhiên của nhà tù Iwahig, đã cảm thán thốt lên: “Phương pháp đối xử tù nhân ở đây quả tốt hơn bất kỳ nơi nào khác mà tôi từng biết. Tôi không nghĩ các phạm nhân ở đây đã hoàn toàn “hết thuốc chữa”, mà chính là vì hoàn cảnh xấu đã khiến họ trót tay lầm lỡ”...