Độc đáo phiên chợ chỉ họp vào mùng 1 Tết Nguyên đán

(PLVN) - Phiên chợ đặc biệt này có tên là chợ Gò (ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Phiên chợ tuyệt nhiên không ai có sự mặc cả về giá, không cò kè bớt một thêm hai. Tất cả là để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vượng.

Theo các bậc cao niên ở thôn Phong Thạnh, chợ Gò có từ thời anh em nhà Tây Sơn, nằm ở dưới chân núi Trường Úc. Ngày đó, người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ chọn nơi đây để tập trung lực lượng đánh quân chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long). Tại khu vực này, Nguyễn Huệ giao cho hai phó tướng là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy binh sĩ đóng quân phòng thủ ở cửa biển Thị Nại để đề phòng quân chúa Nguyễn đánh úp bất ngờ.

Trong thời gian này, ngày ngày nghe quân lính tâm sự nỗi xa nhà, rồi chứng kiến cảnh người vợ trẻ ôm con chờ chồng, những bà mẹ ở tuổi xế chiều ngóng chờ con gần tại lính, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ hiểu được nỗi buồn của họ. Nhân dịp Tết năm đó, ông cho mở lễ hội vui xuân để quân sĩ gặp mặt người thân và khích lệ tinh thần họ. Nghe tin, người dân trong vùng nô nức kéo đến tham dự. Họ đem những sản phẩm tự tay mình làm ra đến cho nghĩa quân.

 Khác với những phiên chợ họp thường ngày, chợ Gò giống như một lễ hội vui xuân

Để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn cùng với ý nghĩa của lễ hội dân gian được đích thân vua Quang Trung khai mạc, cứ đến mùng 1 Tết Nguyên đán hàng năm, người dân nơi đây tổ chức buổi nhóm phiên chợ đặc biệt này.

Khác với những phiên chợ họp thường ngày, chợ Gò giống như một lễ hội vui xuân. Tờ mờ sáng, người dân trong vùng và vùng phụ cận mang đến đây những sản vật của địa phương mình để bày bán. Ai đến trước bày bán hàng trước, ai đến sau thì nối đuôi nhau bày hàng, cứ thế họ xếp trật tự mà không lời qua tiếng lại tranh giành như các phiên chợ thường nhật. Họ đem đến bán để lấy lộc đầu năm. Người mua không phải vì thiếu thức ăn mà là muốn mua cái lộc đầu năm.

 Quang cảnh mua bán ở chợ Gò

Phiên chợ tuyệt nhiên không ai có sự mặc cả về giá, không cò kè bớt một thêm hai. Tất cả là để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vương.

Người ta vẫn nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên hầu như ai đến chợ Gò chí ít cũng mua trầu cau lấy may. Theo tục lệ, người dân mua 12 lá trầu để tượng trưng 12 tháng trong năm, 2 trái cau chín đỏ, một ít vôi và một chùm trái sung với ý nói lên sự sung túc giàu sang của gia đình trong năm mới.

 Đôi trai gái mua trầu cau để cho duyên thắm tình nồng lứa đôi

Có một điều thú vị ở chợ Gò, đó là nhiều đôi trai gái ở tuổi đôi mươi, họ khoác tay nhau cùng mua vài quả cau, lá trầu và chút vôi để cho duyên thắm tình nồng lứa đôi. Và, hàng trăm năm qua, chợ Gò này đã tác hợp không biết bao nhiêu cặp đôi trẻ nên duyên vợ chồng và còn lưu truyền trong câu ca dao với lời thề non hẹn nước: “Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì anh hết đứng hết ngồi cùng em”.

Ngoài bán trầu cau và vôi, người dân còn bán những đặc sản khác và toàn là các sản phẩm chính tay bà con miền quê tự trồng, tự làm như rau, các loại trái cây... Những đặc sản “chính hiệu” địa phương như: nem Chợ Huyện, rượu nếp và rượu gạo Trường Úc thì không thể thiếu. Dù đi xa hay đi ngược về xuôi, người dân bản xứ vẫn thuộc làu hai câu ca dao: “Rượu ngon Trường Úc mê ly/ Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành”.

 Dâng rượu mời chòi thắng cuộc trong hội bài chòi ở chợ Gò

Người dân đến chợ Gò không chỉ để mua lộc đầu năm mà còn đến “thưởng thức” các trò chơi vui xuân mang màu sắc dân gian quy tụ nhiều “tài tử văn nhân” khắp vùng về đây thi thố. Hát bội, hô bài chòi, đi cà kheo, đánh cờ người, đi quyền, múa võ… là những tiết mục được trình diễn ở chợ Gò.

Dù chỉ nhóm họp một ngày trong năm nhưng với sự sầm uất đa dạng và mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc, chợ Gò đã qua mặt hàng nghìn các chợ khác trong nước để lọt vào top “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam” được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp hạng.

Đọc thêm