Thành quả hàng chục năm nỗ lực của cán bộ và nhân dân Hà Nội
Thủ đô Hà Nội có 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Luật Thủ đô, bộ mặt kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều đổi thay.
Hà Nội đóng góp trên 16,2% GDP, 19,1% thu ngân sách nhà nước và 8,1% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), xứng đáng là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước;
Môi trường đầu tư kinh doanh tích cực được cải thiện, chỉ số PCI năm 2020 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, điển hình là năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD, mức cao nhất Hà Nội đạt được trong 30 năm đổi mới và hội nhập.
Tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn. Đến cuối năm 2020, Hà Nội có 13 huyện và 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 96,3%) và hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Chi đầu tư phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 tăng 30% so với 5 năm trước.
Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô của các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Việc liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng được tăng cường; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô được nâng cao.
Có thể nói, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Thủ đô Hà Nội cũng còn một số mặt hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường, rác thải, nước thải..., cần được khắc phục để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, thực sự là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Dốc tâm sức để hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô
Theo lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, việc quy hoạch lần này yêu cầu tạo ra những bước đột phá, đổi mới và có chất lượng. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội nhìn lại, đánh giá toàn diện quá trình xây dựng và phát triển, tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của Thủ đô Hà Nội; xác định những điểm nghẽn, những khó khăn, bất cập; hiện thực hoá khát vọng, trách nhiệm, quyết tâm và tình yêu với Hà Nội.
Việc Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; thống nhất đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của Thủ đô Hà Nội; Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố;
Tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư; Tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Một trong những yếu tố cốt lõi đặt ra với các nhà quy hoạch, việc quy hoạch có chất lượng phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Phát triển Thủ đô gắn liền với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với một số lĩnh vực quan trọng: về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đại diện Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho biết, Viện đã tham mưu giúp Thành phố tổ chức Hội thảo Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học hàng đầu của Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô tham gia cung cấp những luận cứ quan trọng, phục vụ công tác lập quy hoạch. Viện tiếp tục tham mưu Thành phố tổ chức các hội thảo chuyên đề thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước góp ý hoàn thiện quy hoạch Thủ đô, để có được một bản quy hoạch thật sự chất lượng, khả thi đáp ứng yêu cầu phát triển và nguyên vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã chủ trì tổ chức hơn 40 cuộc họp để triển khai công tác chuẩn bị lập quy hoạch Thủ đô. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì 8 cuộc họp để định hướng về nội dung cũng như công tác tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô. Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Tiểu Ban chỉ đạo, cơ quan lập quy hoạch đã tổ chức hơn 50 buổi tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học.
Một số cuộc họp diễn ra nhằm tham vấn các ý tưởng, quan điểm, mục tiêu, định hướng trọng yếu, cách làm để lập Quy hoạch Thủ đô đảm bảo phát triển Thủ đô trong thời kỳ tới theo định hướng của các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển đất nước, đặc biệt và trực tiếp là Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thiện công tác tổ chức lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô, phân công nội dung công việc cho từng cá nhân chủ trì, lãnh đạo phụ trách theo tinh thần 5 rõ và phối hợp chặt chẽ với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ phản ánh đa diện việc thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan... vì mục tiêu phát triển Thủ đô “ Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” ở những bài tiếp theo.