Từ nghệ nhân chế tác đôi dép Bác Hồ
Đôi dép cao su là sản phẩm đầy sáng tạo và độc đáo của nhân dân Việt Nam, chỉ có ở Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, kinh tế gặp khó khăn, cuộc sống vật chất thiếu thốn nên dép cao su được sử dụng rộng rãi từ cán bộ, bộ đội đến nhân dân. Đi giày vừa nặng vừa gặp nhiều phiền toái, nhất là khi hành quân qua địa hình rừng núi, gặp trời mưa giày biến thành cái túi nước dưới chân, là nơi cư trú tốt nhất của các con vắt rừng hút máu. Bởi vậy, chiến sĩ thường sử dụng dép lốp (dép cao su) khi hành quân, đánh trận. Khi dùng dép lốp để hành binh mọi việc dễ hơn nhiều. Trời nắng dép nhẹ, dễ di chuyển, trời mưa đường sình lầy thì chỉ cần ít nước rửa bớt bùn là có thể đi tiếp, bởi vậy, dép cao su được coi như chứng nhân của lịch sử, mang linh hồn, hơi thở của thời đại.
Quanh câu chuyện về đôi dép cao su, Bác từng nói vui với các cán bộ trên đường công tác rằng, đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa... Đôi hài thần đất, đi đến đâu cũng được. Đôi dép cao su nâng bước chân Người bôn ba suốt 20 năm, đi cả nước ngoài. Bạn bè quốc tế còn gọi đôi dép của Bác với cái tên thân thương: dép Cụ Hồ (Ho Chi Minh Sandals).
Đôi dép cao su Bác Hồ được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh mấy chục năm nay được chế tác bởi bàn tay của nghệ nhân Phạm Quang Xuân và các đồng nghiệp. Lịch sử câu chuyện dép cao su một lần nữa được kể lại dưới bàn tay nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép huyền thoại.
Khi được giao nhiệm vụ tái tạo đôi dép đã gắn liền với cuộc đời cách mạng của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, ông Xuân vô cùng vinh dự và tự hào. Đôi dép của Bác nguyên là một đôi dép lốp cũ, được chế từ một chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp do phía ta thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc và gửi tặng lại cho Bác như một kỷ niệm chiến thắng.
Đôi dép đã được Người sử dụng trong hơn 20 năm từ năm 1947 cho đến khi qua đời. Theo ông Phạm Quang Xuân, cái khó nhất là nguyên liệu và phương thức chế tác đôi dép nguyên mẫu đã không còn được sử dụng tại thời điểm ông được giao nhiệm vụ chế tác. Bởi vậy, nên để “phỏng theo thì dễ, chứ làm thật giống thì khó”. Tuy nhiên, khi đôi dép làm xong được đánh giá giống với đôi dép nguyên bản đến 95%.
Cũng bởi được biết đến là người tái tạo đôi dép cao su huyền thoại gắn liền với cuộc đời của Bác, những đôi dép của nghệ nhân Phạm Quang Xuân cũng thường xuyên được những nghệ sỹ vào vai Bác Hồ sử dụng trong những vở kịch, vở diễn.
Chế tác hàng ngàn đôi dép, trong ông lưu giữ rất nhiều kỷ niệm khó quên. Một trong những lần đáng nhớ nhất là khi ông được giao nhiệm vụ làm dép cho những cán bộ vào miền Nam công tác, chiến đấu đầu những năm 1970. Ngày ấy ông làm ở Công ty Bách Hóa 45 Hàng Bồ, Hà Nội: “Lúc ấy dép cao su hiếm lắm. Chúng tôi có khi 6 tháng mới được mua một đôi. Được đo chân cho từng cán bộ trước khi lên đường, tôi cảm động lắm”.
Ông Xuân cho biết, thời kỳ đầu khi chưa có máy móc hỗ trợ, mọi thao tác, kể cả phá lốp đều phải làm bằng tay nên chiếc dép làm ra rất thô sơ. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã tự tay chế được 70 dụng cụ, nhờ đó, chiếc dép lốp được cải tiến với khoảng 10 kiểu dáng, độ bền đẹp cũng hơn trước, nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, giản dị.
Dép được làm từ phần giữa lốp, nên độ cứng hợp lý, không bị cong vênh, có thể đi trên mọi địa hình và chống được bom bi. Mặt khác, những vết khía trên đế dép không hoàn toàn đều nhau do làm thủ công. Ban đầu đi không bám chân, sau một tháng sử dụng mới có độ lún và chân sẽ hơi bị đen do làm từ lốp nguyên thủy. Nhưng theo ông Xuân, chính sự “không hoàn hảo” này lại khiến người ta thích thú khi đi loại dép này, vì khi đã đi dép đến độ như vậy thì mới cảm giác mình là chủ nhân đôi dép.
Và đôi dép mộc mạc đi khắp năm châu
Người ta gọi Nguyễn Tiến Cường là “Cường phò mã”, đơn giản vì anh là con rể “Vua dép lốp” Phạm Quang Xuân. Với sự góp sức của anh Cường, năm 2014, nghệ nhân Phạm Quang Xuân đã mở cơ sở sản xuất dép cao su của riêng mình với thương hiệu được nhiều người yêu mến đặt cho, đó là “vua dép lốp”. Khi đó ông Xuân đã bước sang tuổi 75.
|
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân là người được chọn làm đôi dép cao su lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và là người duy nhất tại Hà Nội còn làm những đôi dép cao su thủ công. (Ảnh TL) |
Thời gian đó, ai cũng ngỡ ngàng khi được biết, anh từng là chủ chốt của… một công ty phần mềm kế toán. Sau 12 năm gắn bó, anh Cường đã nhượng lại cổ phần khi công ty đang ăn nên làm ra để đi theo tiếng gọi của dép lốp, tiếng gọi của lịch sử.
Năm 2011, khi đôi dép huyền thoại dần trở lại, anh Cường mới bắt đầu tò mò về cách tạo ra đôi dép lốp của bố vợ. Ngoài việc gắn bó với những người lính Cụ Hồ, những giá trị lịch sử thì đôi dép còn thu hút anh Cường bởi việc nó được làm từ những vật liệu tái chế.
Đã có một quãng thời gian, sản phẩm làm ra không tìm được nơi tiêu thụ, áp lực đó cùng với lời đánh giá của xã hội khi anh từ bỏ công việc hái ra tiền để đi làm dép lốp đã gây cho anh một áp lực vô cùng lớn. Nhưng nhìn những đôi dép nằm đó, nghĩ về lịch sử quật cường mà đôi dép này đã cùng trải qua, anh Cường đã không từ bỏ.
Thay vì chỉ một màu đen nhàm chán, quai dép được nhuộm màu đỏ, màu cam nổi bật. Đế dép cũng không hoàn toàn đặc cao su để giảm trọng lượng và đặc biệt là sản phẩm vẫn sản xuất hoàn toàn thủ công, nhưng yêu cầu khi đến tay khách hàng phải đẹp như… làm máy thì mới được gọi là đạt yêu cầu.
Thời gian đó, anh Cường đã tới thăm Đại tá La Văn Cầu, nghe ông kể những ký ức hào hùng của người lính cũng như những kỷ niệm gắn với đôi dép cao su huyền thoại của anh bộ đội Cụ Hồ. Sau ngày hôm ấy, anh Cường đã mang đến tặng vị Đại tá một món quà, là đôi dép cao su có tên “Huyền thoại” do chính tay mình tự làm.
Đồng thời, anh Cường còn bỏ tiền đầu tư làm phim lịch sử gắn với câu chuyện dép cao su, quy trình làm dép rồi tổ chức cho du khách xem. Mỗi dịp đặc biệt, anh lại cùng “vua dép lốp” Phạm Quang Xuân ngồi “trình diễn” cả kỹ thuật và nghệ thuật làm dép lốp trước đông đảo du khách.
Thời gian đầu, xác định thị trường quan trọng là nước ngoài, anh Cường cho rằng nếu bán được cho những khách hàng khó tính như Nhật, Trung Quốc… thì số lượng tiêu thụ rất lớn. Khi đó, với khách hàng trong nước sẽ không cần phải quảng cáo, người Việt sẽ tự tìm đến với những sản phẩm huyền thoại, gắn liền với lịch sử nước nhà.
Thế rồi, qua những năm tháng hàng làm ra không tiêu thụ được, giờ đây, dép lốp thủ công “made in Vietnam” đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ một số mẫu dép truyền thống, đến nay thương hiệu “vua dép lốp” đã cho ra đời hơn 30 mẫu dép vừa giữ được truyền thống, vừa bắt kịp đời sống hiện đại và có chỗ đứng riêng trên thị trường. Theo anh Cường, nếu tính từ những ngày đầu khởi nghiệp khoảng 9 năm thì 7 năm đầu, khách nước ngoài chiếm 90%, chủ yếu đến từ Nhật, Trung Quốc... Nhưng 2 năm trở lại đây, với nhiều mẫu mã cải tiến, dép lốp đã lay động cảm xúc người Việt, tỷ lệ khách hàng Việt lại chiếm đến 70%.
Hiện dép lốp của anh được nhiều người nổi tiếng sử dụng, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình... Anh cũng ước mơ, một ngày nào đó, anh sẽ mở riêng một bảo tàng dép lốp. Đồng thời xây dựng những show diễn độc quyền để giới thiệu giá trị lịch sử của từng đôi dép lốp đến bạn bè năm châu.
Có thể nói, trong thời chiến, đôi dép của Phạm Quang Xuân sản xuất đã đi cùng các chiến sỹ trên mọi trận tuyến, lội nước, lội bùn, vượt cả thép gai, lửa đỏ. Đến thời bình, đôi dép lại in dáng hình Tổ quốc gắn với máu thịt Hoàng Sa, Trường Sa, với lời khẳng định “dép cao su ta đi trên lãnh thổ của ta...”.
Với ý nghĩa đó, đôi dép cao su của “vua dép lốp” được nhiều người tìm mua và sử dụng. Đôi dép ấy không chỉ là một đồ dùng thông thường, mà còn là một biểu tượng “rất Việt Nam”, của tình yêu Tổ quốc, của ý chí kiên cường, sẵn sàng đạp bằng khó khăn, gian khổ.
Huyền thoại bước chân
Anh Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc thương hiệu “vua dép lốp” cho biết, đôi dép của Bác được ra đời vào chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, được chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Trải qua thời gian, đôi dép cao su phát triển thành các mẫu, gắn với các dấu mốc chiến dịch lịch sử khác nhau: Dép Bác Hồ 1947, Dép Bộ đội 1954, Dép Khe Sanh 1968, Dép Giải phóng quân 1975.
Trong không gian sự kiện “Huyền thoại bước chân” do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ đã giới thiệu một số hình ảnh và mẫu dép về đôi dép cao su được tái chế từ lốp xe đã theo chân nhiều đoàn quân trong thời kỳ chiến tranh thế kỷ trước. Qua sự kiện, Ban Tổ chức không chỉ giới thiệu hình ảnh đôi dép cao su và câu chuyện lịch sử gắn với “Người cha già” của dân tộc, mà còn muốn nêu cao tinh thần học tập, làm theo tấm gương cần - kiệm - liêm - chính của Người.
Anh Nguyễn Tiến Cường chia sẻ: “Mỗi đôi dép cao su chứa đựng một câu chuyện lịch sử. Chúng tôi muốn thông qua đôi dép cao su để kể câu chuyện lịch sử của dân tộc. Chúng tôi đã tạo được dấu ấn nhất định tại khu Lăng Bác, quận Ba Đình. Thế nhưng tại Thủ đô, vẫn nhiều người chưa biết đến có một công ty vẫn miệt mài làm dép lốp, cũng chưa biết đầy đủ về câu chuyện dép lốp của Việt Nam. Nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác, chúng tôi có dịp thể hiện đầy đủ nhất câu chuyện ấy”.
Các nghệ nhân làm dép lốp cũng cho biết, “trên thế giới, hằng năm có tới 1,5 tỷ chiếc lốp xe bị bỏ đi. Chúng sẽ là khối rác thải khổng lồ và vô cùng độc hại nếu như không có sự tham gia của các nhà bảo vệ môi trường hay các doanh nghiệp tái chế. Bởi vậy, cứ mỗi đôi dép lốp được sử dụng là góp phần khiến cho trái đất xanh hơn, môi trường bền vững”…