Đồng Tháp khảo sát làm rõ giá trị di tích thành cổ Bảo Tiền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chiều 14/11, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tổ chức khảo sát thực địa di tích thành cổ Bảo Tiền (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Tham gia khảo sát có lãnh đạo và cán bộ Sở VHTT&DL, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp; cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa…

Theo ông Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, qua nhiều lần khảo sát, nghiên cứu điền dã, Hội đã tìm thấy phế tích hai tòa thành kiểu Vauban ở xã Long Thắng và xã Định Hòa (huyện Lai Vung). Người dân địa phương thường gọi là Bảo Tiền, Bảo Hậu.

Các thành viên trong đoàn khảo sát

Các thành viên trong đoàn khảo sát

Bảo Tiền có diện tích khoảng 15.000m2, tương đương thành Điện Hải (Đà Nẵng). Chân tường thành còn nguyên vẹn với 4 pháo đài, rộng khoảng 4 - 5m (cao hơn 0,5 - 1m so với mặt ruộng hiện hữu). Hào hộ thành rộng khoảng 8 - 10m, sâu khoảng 4 - 5m (đã bị san lấp, nay còn lại một đoạn ngắn người dân làm ao cá).

Một góc thành cổ Bảo Tiền

Một góc thành cổ Bảo Tiền

Bảo Tiền và đồn binh bên bờ sông Hậu được đắp vào cuối năm 1861 và hoàn thành vào đầu năm 1862. Bảo Tiền cùng với Bảo Hậu từng giữ vai trò trung tâm chỉ huy, hỗ trợ các nhóm nghĩa quân hoạt động mạnh ở tỉnh Định Tường.

Miếu thờ vua Gia Long trong khu vực thành cổ

Miếu thờ vua Gia Long trong khu vực thành cổ

Do thời gian tàn phá và tác động của con người, Bảo Tiền chỉ còn lại cái nền nhưng là di sản quý báu, là di tích thành trì kiểu Vauban thời Nguyễn duy nhất còn sót lại ở Nam Bộ. Đây là một minh chứng cho những nỗ lực kháng cự để bảo vệ phần đất còn lại ở Nam Kỳ, biểu tượng của tinh thần kiên trì chiến đấu chống ngoại xâm của quân và dân Nam Kỳ.

Các nhà nghiên cứu tìm hiểu những dấu vết còn lại của thành cổ

Các nhà nghiên cứu tìm hiểu những dấu vết còn lại của thành cổ

Sau khi khảo sát thực địa tại di tích thành cổ Bảo Tiền, TS. Huỳnh Vĩnh Phúc (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho biết: Bờ thành 4 bên của Bảo Tiền còn khá tốt. Mặc dù so với miêu tả của người dân thì độ cao mặt thành giảm hơn nhiều nhưng có thể nhìn thấy rõ di tích. Từ đó, cần tiến hành khảo cổ học, nghiên cứu chuyên sâu về tư liệu văn bản để hiểu cụ thể và chi tiết hơn về di tích này.

Thành cổ Bảo Tiền nhìn toàn cảnh từ trên cao

Thành cổ Bảo Tiền nhìn toàn cảnh từ trên cao

Theo ông Phúc, nghiên cứu ý nghĩa và giá trị lịch sử của Bảo Tiền cần đặt trong bối cảnh lịch sử rộng hơn của vùng đất Nam Bộ. Các nhà nghiên cứu cần nhìn giá trị của Bảo Tiền trong suốt quá trình xác lập chủ quyền, thực thi chủ quyền và quá trình bảo vệ biên giới, an ninh vùng đất này.

Theo nghiên cứu sơ bộ, Bảo Tiền liên quan kháng chiến chống Pháp. Nếu nghiên cứu Bảo Tiền một cách đầy đủ, chi tiết thông qua khảo cổ, tư liệu thì thành này sẽ là tư liệu trong hệ thống tư liệu lớn để hiểu được kháng chiến chống pháp Nam Bộ. Trước đây, nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ dựa vào nguồn tư liệu lịch sử chính quy.

Các nhà nghiên cứu trao đổi về thành cổ sau khảo sát

Các nhà nghiên cứu trao đổi về thành cổ sau khảo sát

Tuy nhiên, hiện nay cần nghiên cứu thêm chứng cứ lịch sử bên ngoài như nghiên cứu thực địa, nghiên cứu tư liệu còn lưu lại ở các đình, chùa, kho tư liệu chưa biết đến để có một cách nhìn tổng quan, chính xác hơn.

Đọc thêm