Đổi đời nhờ trồng Thanh long trên núi đá

(PLO) - Những năm gần đây, không ít hộ dân ở huyện Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả nhanh chóng khi mạnh dạn bỏ cây ngô, lúa để trồng cây thanh long ở những đám ruộng rẫy khô hạn, cằn cỗi. Giờ đây, ở miền sơn cước nơi đây đã được mệnh danh là “thủ phủ” của thanh long, nhưng để  để được như hôm nay, những người dân đã trải qua nhiều thăng trầm và hành trình “lột xác” rất gian nan.
Những triền đồi thanh long ngút ngàn đã mang lại no ấm cho đồng bào dân tộc ở xã Minh Thanh.
Những triền đồi thanh long ngút ngàn đã mang lại no ấm cho đồng bào dân tộc ở xã Minh Thanh.

Thủ phủ Thanh long vùng sơn cước

Xã Minh Thanh nằm dọc theo trục quốc lộ 34, tiếp giáp với thị trấn Nguyên Bình, cách thành phố Cao Bằng 25km – một nơi được xem là thủ phủ của thanh long nổi tiếng ở miền biên viễn này. Nhiều năm nay, những vườn thanh long đã đem đến cho người dân ở đây một cuộc sống với hương sắc, diện mạo mới.

Những năm gần đây, một điều dễ nhận thấy khi đi qua xã Minh Thanh là những ngôi nhà cấp bốn khang trang và nhà cao tầng ngày càng mọc nhiều lên, cạnh đó là những vườn thanh long từng hàng thẳng tắp nối nhau khắp cánh đồng, chân núi. Người dân trồng thanh long ở xã Minh Thanh, cả đàn ông và phụ nữ đều tích cực thi công các tuyến đường nội thôn, đường phục vụ làng nghề; mải miết vun gốc, chăm bón cho những cây thanh long để chúng sai trĩu quả.

Hiện nay, toàn xã Minh Thanh hiện có 7 xóm trồng hơn 10ha cây thanh long, chủ yếu tập trung ở xóm Vũ Ngược. Người dân nơi đây cho biết, đặc điểm địa hình của xã chủ yếu là đất dốc thoải, núi đất xen đá vôi và những bãi bồi ven sông, rất phù hợp cho sinh trưởng của cây thanh long. Trước đây, chỉ có 2 hộ trồng cây thanh long, đem lại thu nhập cao nhưng chưa được nhân rộng, cho đến khi thấy được giá trị kinh tế từ cây thanh long, bà con trồng và mở rộng diện tích, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê.

Anh Đinh Văn Cừ, xóm Vũ Ngược thuộc xã Minh Thanh, là một hộ dân điển hình làm kinh tế giỏi từ mô hình trồng cây thanh long cho biết: “Năm 2010 tôi đã tìm hiểu và quyết định trồng cây ăn quả thanh long với mục đích chỉ là thử nghiệm với 400 trụ đầu tiên. Năm 2011, tôi đã tham gia lớp dạy kỹ thuật trồng thanh long do xã mở và đã học được một số kỹ thuật chăm sóc cây hiệu quả hơn và thu nhập cũng tăng lên đáng kể, tốt hơn nhiều so với cây ngô, cây lúa. Từ đó, tôi mới dám vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng diện tích trồng thanh long. Khi nhận được vốn vay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích vườn và trồng thêm hơn gần 1.000 trụ nữa, từ đó thu nhập mỗi năm trung bình gia đình cũng được trên 100 triệu đồng”. 

Theo chị Hoàng Thị Nơi, ở xóm Ngọc Vũ, xã Minh Thanh cũng là một hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu với thu nhập gần 200 triệu mỗi năm từ việc trồng cây thanh long, bưởi chia sẻ: “Trồng thanh long không khó, chỉ cần nắm chắc được kỹ thuật, như tỉa bớt chỉ để khoảng 1 đến 2 cành sẽ ra quả nhanh, để mỗi cây khoảng 4 quả thì quả sẽ to hơn. Chỉ nên bón phân đạm lúc cây đang ra ngọn; bón phân lân, kali để khi cho quả ngọt hơn, ngoài ra cần bón thêm phân chuồng, rải trấu xung quanh gốc cây để hạn chế cỏ mọc. Đến nay, gia đình tôi đã có thể tự nhân giống thanh long để trồng. Hiện tôi đang trồng 2 giống thanh long trắng và đỏ, tiến tới sẽ nhân rộng giống thanh long đỏ vì được người mua ưa chuộng hơn, cho thu nhập cao hơn”.

Sức sống mới ở huyện miền sơn cước

Anh Hoàng Văn Ức, xóm Vũ Ngược thuộc xã Minh Thanh, một hộ dân có kinh nghiệm trồng thanh long nhiều năm cho biết thêm: “Nếu chăm bón tốt, năm thứ 2 cây đã cho quả và từ năm thứ 4 trở đi mỗi vụ có đến 5 lần trổ hoa, kết trái. Mỗi lứa từ lúc trổ hoa đến khi thu hoạch chỉ với thời gian từ 35 - 40 ngày. Một trụ thanh long ở độ tuổi cho sản lượng cao nhất, 1 lứa ít nhất cũng có từ 30 - 40 trái/1 vụ. Lứa thứ 3 và thứ 4 là nhiều quả nhất.

Tại vườn thanh long của tôi trung bình có 40 bông hoa trên trụ, tức là sẽ có 40 quả của 1 lứa. Làm phép tính đơn giản, mỗi trụ cho 100 quả mỗi năm, bình quân mỗi quả 300g thì người dân đã có từ 25 - 30kg quả thanh long. Tính giá trị kinh tế, 25kg bán với giá rẻ nhất là 20.000 đồng/kg cho thu nhập 500.000 đồng/trên 1 trụ thanh long”.

Vào mùa thanh long chín, 2 bên quốc lộ 34, đoạn qua các xóm: Bó Ca, Vũ Ngược, Nà Khoang của xã xuất hiện hơn 20 điểm bà con đem quả thanh long ra bán cho khách bộ hành. Quả thanh long ở đây không to bằng ở miền Nam nhưng vỏ lại mỏng hơn, có vị thơm đậm đà. Giá bán ngày thường khoảng 40.000 đồng/kg và lúc đầu vụ hoặc cuối vụ có thể đến 60.000 đồng/kg. Nếu đem so sánh thanh long với các loại cây trồng khác như lúa thì giá trị kinh tế cao hơn chục lần. Bởi là 1 kg thanh long bán tại thời điểm cuối vụ trung bình là 60.000 đồng có giá trị bằng 10 kg thóc (1kg chỉ có giá trung bình 6.000 đồng).

Ông Dịch Đức Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh cho biết: “Thực tế cho thấy, cây thanh long ở xã Minh Thanh rất có tiềm năng và triển vọng. Địa phương cũng mong các cấp, các ngành liên quan cần quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ địa phương và nhân dân có hướng đi đúng, có quy hoạch tổng thể, phát triển đi đôi với xây dựng thương hiệu, tìm thị trường để thanh long có đầu ra bền vững, góp phần giúp bà con giảm nghèo, vươn lên làm giàu như gia đình anh Cừ, anh Ức, chị Nơi…

Bằng sự tìm tòi, quyết tâm thoát nghèo, có ý chí phấn đấu và dám đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng thanh long của những hộ dân điển hình sẽ là động lực, tấm gương cho bà con noi theo, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân quanh vùng”.

Đọc thêm