Tuy nhiên, nhu cầu khổng lồ về trầm hương và kỳ nam trong nhiều năm qua đã khiến cho loài cây dó bầu bản địa của Hồng Kông đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Loại gỗ đắt hơn vàng
Mùi thơm của hàng ngàn que nhang thoát ra khỏi lối cửa hẹp ngay trước mặt Công ty trầm hương & nhang Wing Lee, một doanh nghiệp có truyền thống gia đình nằm tại khu Du Ma Địa thuộc quận Du Tiêm Vượng, phía Nam bán đảo Cửu Long ở Hồng Kông.
Những vách tường bên trong cửa hiệu này được lèn chặt vô số bó nhang màu vàng đỏ lấp lánh, nhưng nằm kẹp trong các hộc kính lại là một thứ hương liệu đắt giá nhất thế giới: Trầm hương. Vị hăng cay, mùi đất ẩm của thứ gỗ này đã làm nên tên gọi của xứ đảo Hồng Kông, mà theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là Hương Cảng.
Mùi hương là một lời gợi nhắc sâu sắc về cựu thương cảng thời thuộc địa mà giờ đây đã trở thành một trung tâm tài chính hùng hậu của thế giới. Vào thời hoàng kim của mình, Hương Cảng từng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động buôn bán trầm hương cổ đại đến khu vực Trung Đông và vươn xa hơn nữa.
Ở tuổi 84, cụ Yuen Wah đã kinh doanh trầm hương trong suốt hơn 70 năm. Người con trai cả của ông là Kenny, hiện Kenny đang điều hành công ty Wing Lee, công ty đã mở rộng thị trường kinh doanh trầm hương sang cả Trung Hoa đại lục, có thêm các cửa hàng mới ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Cáp Nhĩ Tân.
Mặc dù đã về hưu, song cụ Yuen Wah vẫn tiếp tục ghé cửa hàng gia truyền của gia đình tọa lạc trên Phố Thượng Hải. Cụ nhớ lại khoảng thời điểm tuổi 13 khi cụ bập bẹ phụ kinh doanh trầm hương cùng các bậc thân sinh với cảm xúc đầy tự hào:
“Trầm hương luôn là thứ gỗ đắt tiền. Hồi xưa, trầm hương chủ yếu dùng trong việc chữa bệnh vì nó là vị thuốc giảm đau tuyệt vời. Nhưng bây giờ, người ta dùng trầm hương chủ yếu để sản xuất nhang (hương)”.
Trầm hương hình thành khi cây dó bầu bị hư hại khi chúng tiếp xúc với nấm mốc |
Trầm hương được hình thành từ loài cây dó trầm (hay dó bầu, trầm gió, tên khoa học là Aquilaria), mà theo truyền thống thì loài thực vật này thường được trồng quanh các làng theo mục đích phong thủy. Một khi cây bị hỏng bên trong thì nấm mốc sẽ tấn công ra vùng gỗ của cây, lâu dần sẽ sinh ra trầm hương.
Vào vụ thu hoạch, lớp gỗ có màu đen, cứng như nhựa sẽ được lấy đi, thứ nhựa cây này rất quý giá. Nổi tiếng với danh xưng “Trầm Vương”, trầm hương đã được buôn bán rộng khắp từ Trung Đông sang châu Á. Các tài liệu lịch sử thời Đường và thời Tống ở Trung Quốc đều đánh giá rất cao loại hàng hóa này, riêng mùi thơm thuần khiết của trầm hương đã được ca ngợi trong các thư tịch lịch sử của Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo và Ki Tô giáo.
Ngày hôm nay, những mẩu nhựa trầm hương có kích cỡ nhỏ được thu hoạch để bán cho người làm nhang, với giá thành khoảng 58.000 HKD (tiền Hồng Kông) cho mỗi ký lô (thời giá năm 2014). Những thanh gỗ trầm hương có kích cỡ tới vài mét thường được bán để làm các tác phẩm chạm khắc thủ công – một mảnh trong số đó có hình rễ và thân cây của công ty Wing Lee có giá được niêm yết tới 1,2 triệu HKD. Cụ Yuen Wah nói: “Những phiến gỗ đó có nét độc đáo như những tác phẩm nghệ thuật”.
Tiếng kêu cứu của cây dó bầu
Nhựa trầm hương được chưng cất để sản xuất ra dầu Oud, chính là thành phần then chốt trong các loại nước hoa cao cấp như Oud Royal của Armani Prive hay nước hoa M7 Oud Absolu của Yves Saint Laurent. Mỗi ký lô gram Oud có giá thành lên tới gần 300.000 HKD và chính vì giá đắt như thế nên Oud còn được xưng tụng là “dịch vàng”.
Tuy nhiên, nhu cầu khổng lồ về trầm hương và kỳ nam trong các thập kỷ qua đã khiến cho loài cây dó bầu bản địa của Hồng Kông đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Công ty Vốn đồn điền Á châu (APC), một trong những nhà trồng dây dó bầu thương mại lớn nhất châu Á, hiện nay đang cố gắng cứu lấy loài cây dó bầu bằng cách khuyến khích thành lập các đồn điền trồng loài cây này một cách bền vững tại Hồng Kông và trên khắp châu Á.
APC tin rằng chỉ có vài trăm giống cá thể dó bầu hoang dã đang tồn tại ở Hồng Kông, mặc dù chính quyền đặc khu kinh tế này tuyên bố rằng đã trồng khoảng 10.000 cây con/năm kể từ năm 2009.
Cây dó bầu có nhựa trầm hương là mục tiêu của nạn săn trộm |
Nhưng ngay cả việc trồng cây dó bầu non cũng không đảm bảo sự sống còn của loài cây này vì cây phải mất nhiều năm mới trưởng thành cũng như số cây dó bầu trưởng thành hiện đang ở mức đe dọa do bởi nạn săn trộm cây. Ông Gerard McGuirk, giám đốc bán hàng của APC tại Hồng Kông, tỏ vẻ lo lắng cho biết:
“Những người trộm cây thường chăm chăm “thó” những cây dó bầu già và bị nhiễm nấm tự nhiên, vì trầm tạo ra sẽ có giá trị cao hơn, do đó những cây này cũng sẽ bị đe dọa cao nhất. Giờ đây ở Hồng Kông, nếu may mắn quý vị có thể tìm thấy những cây dó bầu độ 30 tuổi”. Mặc dù số lượng chính xác số cây dó bầu trong hoang dã vẫn còn gây tranh cãi, thế nhưng mối bận tâm nhất vẫn là nạn săn trộm đang hoành hành.
Gần ngôi làng nhỏ Shing Ping ở gần biên giới với Thâm Quyến, có một nông dân trồng cây dó bầu thế hệ thứ 3 tên là Koon Wing Chan đã gầy dựng được một đồn điền nhỏ với khoảng 6.000 cây dó bầu. Ông Koon Wing Chan là nông dân trồng dó bầu duy nhất ở Hồng Kông và trong một nỗ lực duy trì, bảo tồn và kinh doanh loài cây gặp nguy cấp này, ông Koon đã liên doanh với công ty APC.
APC đã cung cấp các chuyến du lịch đến trang trại của ông Koon và vài công viên công cộng khác hiện đang là nơi sinh sống của một cụm các cây dó bầu. Nằm gần với đồn điền của ông Koon Wing Chan, trong công viên nhà nước Pat Sin Len, nơi đây không gian luôn sực nức mùi thơm hương trầm từ cây dó bầu, mùi thơm kỳ lạ đó tỏa ra từ những thân cây dó bầu được bóc vỏ.
Đó là một kỹ năng rất khó thực hiện, mục đích là làm cho cây đổ nhựa, và không giết chết cây. Cụ Yuen Wah tiết lộ: “Không phải cây dó bầu nào cũng có nhựa, vì thế bọn trộm luôn đánh cược số phận. Trong môi trường hoang dã, chỉ có 7% cây dó bầu sản sinh ra nhựa mà thôi”.
Nếu ăn cắp cây dó bầu đang cho nhựa mà bị phát hiện, kẻ trộm cây có thể chịu án phạt 10 năm “bóc lịch”. Nhưng nếu vụ trộm cây thành công, kẻ trộm có thể vớ bẫm khi bán trầm hương trên thị trường “chợ đen”. Trong vòng 2 năm qua, cảnh sát và Bộ bảo tồn, nghề cá và nông nghiệp Hồng Kông (AFCD) đã tóm gọn 35 vụ trộm cây trầm hương tại các điểm nóng như Sai Kung, đảo Lan Đầu và phần phía Bắc của Tân Giới.
AFCD đang có kế hoạch giám sát điện tử từ xa các cây dó bầu cũng như lắp đặt truyền hình mạch kín tại Khu dự trữ thiên nhiên Tai PO Kau trên vùng duyên hải phía Tây của Tân Giới cũng như trồng nhiều hạt giống cây tại Khu ươm giống Tai Tong nằm gần làng Nguyên Lãng.
Việc trồng nhiều cây dó bầu con tại các vườn quốc gia ở Hồng Kông có thể không thể chặn đứng bọn trộm cơ hội, song các nhà đầu tư tiềm năng có thể cứu lấy loài cây trầm hương đang sinh trưởng trong thiên nhiên hoang dã thoát khỏi nạn tuyệt chủng.
Công ty vốn đồn điền Á châu (APC) là đơn vị giám sát sự tồn vong của loài cây dó bầu đang gặp nguy cấp. |
Ông Gerard Mc Guirk kết luận: “Chúng tôi có cây trầm hương tại 5 quốc gia và chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ về tính bền vững của loài cây này, đầu tư vào các cộng đồng để tạo ra các tác động xã hội tích cực.
Kế hoạch chiến lược của chúng tôi khi bắt tay với doanh nhân Koon Wing Chan là giúp một sự hỗ trợ và chuyên môn cần thiết nhằm phát triển các cơ hội thương mại dài hạn ở Hồng Kông trên một nền tảng căn bản bền vững trong khi vẫn luôn sát cánh bên ông Koon Wing Chan để sản xuất dầu Oud ở quy mô địa phương”.../.