“Đội giá” các dịch vụ ăn theo mùa thi

(PLO) - Hằng năm, cứ vào dịp thi ĐH, CĐ, hàng vạn sĩ tử cùng người nhà nườm nượp đổ về Hà Nội dự thi. Tranh thủ thời cơ này, nhiều quán nước, nhà nghỉ, nhà trọ... Và các dịch vụ ăn theo gần các điểm thi lại đua nhau “đội giá”
Các hàng quán tranh thủ "chặt chém" trong mùa thi.
Các hàng quán tranh thủ "chặt chém" trong mùa thi.
Dịch vụ cho thuê phòng trọ "đội giá" trong mùa thi.
Dịch vụ cho thuê phòng trọ "đội giá" trong mùa thi.
50.000 đồng/giấc ngủ trưa, 200.000 - 800.000 đồng/ngày thuê nhà nghỉ
Mong muốn thoát khỏi tình trạng tắc đường trong những ngày đưa con đi thi, các phụ huynh đều tìm thuê một căn phòng trọ gần địa điểm thi. Nắm bắt được tâm lý này, các chủ nhà trọ “chém đẹp” cả người nhà lẫn sĩ tử với giá phòng trọ theo giờ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, các bậc phụ huynh đều “phát hoảng” khi đặt chân lên đất Thủ đô để đưa con đi thì vì giá nghỉ trưa từ 30.000 đến 50.000 đ/2h. Nếu thuê theo ngày thì phòng trọ khép kín cho hai người giá từ 200.000 – 500.000/ngày với đầy đủ tiện nghi. Không chỉ có vậy, ngoài tiền thuê phòng, người trọ phải trả phí dịch vụ bao gồm điện, nước, trông xe, thậm chí cả dịch vụ ăn uống nếu có nhu cầu.
Còn với các nhà nghỉ quanh khu vực này hầu hết giá đều dao động từ 600.000 – 800.000 đồng/ngày. Như vậy, trong vòng 4 – 5 ngày thì các bậc phụ huynh phải mất từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng cho một kỳ thi.
Chú Bình quê Ý Yên, Nam Định chia sẻ: “Tôi có cậu con trai đầu đang học Đại học ở Mai Động, đưa đứa thứ 2 lên từ hôm 30/6 nhưng Hà Nội và hay bị tắc đường nên mỗi hôm cháu thi xong tôi lại thuê 1 phòng trên đường Lê Thanh Nghị để hai cha con nghỉ trưa. Giá hai giờ nghỉ là 30.000 với 1 chiếc quạt, còn nếu phòng nào 2 quạt thì 50.000 đồng, nhà thì không có điều kiện nhưng cũng phải “bấm bụng” vì ngoài trời quá nắng nóng”.
Khấm khá hơn hai bố con chú Bình, cô Lan thuê một nhà nghỉ gần trường Đại học Bách Khoa cho biết, cô đưa con gái lên dự kì thi THPT Quốc gia từ ngày 29/6 và thuê phòng với giá 800.000 đồng chưa kể đến tiền ăn uống của 2 mẹ con trong những ngày thi.
Bất chấp biển cấm bán hàng trên vỉa hè nhưng nhiều quán nước vẫn được mọc lên như "nấm sau mưa".
Bất chấp biển cấm bán hàng trên vỉa hè nhưng nhiều quán nước vẫn được mọc lên như "nấm sau mưa". 
Hàng giải khát đua nhau chặt chém
Dọc tuyến đường Trần Đại Nghĩa quanh khu vực Trường ĐH Bách Khoa hàng giải khát tràn ngập vỉa hè, các nhà dân quanh địa điểm thi cũng quay sang mở bán nước, trà đá, nước mía. Giá những mặt hàng này tăng một cách “chóng mặt”. Một cốc trà đá ngày thường giá 3.000 đồng đã tăng lên 5.000 đồng, nước C2 từ 6.000 lên 15.000 đồng/chai, cốc nước mía ngày thường chỉ 7.000- 8.000 đồng cũng tăng lên 20.000 đồng.
Chị Vân, bán trà đá dạo trước cụm thi này cho biết, chị bán 1 ly trà đá 4000 đồng. Từ buổi sáng đến đầu giờ thi buổi chiều chị đã bán được khoảng 100 cốc. Ngay từ 7h sáng, thí sinh, phụ huynh đổ ra ngồi các quán trà đá vỉa hè chật kín chỗ.
Quanh năm làm ruộng, chắt chiu tích cóp từng đồng, vượt hàng trăm cây số đưa con đi thi nhưng vừa chân ướt chân ráo xuống Hà Nội nhiều phụ huynh “sốc” bởi… cái gì cũng đắt!
Ông Lợi quê Hải Hậu, Nam Định ngồi chờ con đi thi trước cổng trường ĐH Bách Khoa bức xúc: “Bình thường tôi mua chai nước C2 có 6.000 đồng. Vậy mà hôm nay người ta tính 15.000 đồng, mình chẳng hỏi giá trước nên chỉ còn biết rút tiền ra trả”.
Theo nhận định của một phụ huynh người Hà Nội, tâm lý chung của các hàng dịch vụ này là tư tưởng lợi dụng thời vụ để kiếm ăn. Trong khi đó, các phụ huynh và người nhà thí sinh từ tỉnh thành khác, vốn sẵn tâm lý lạ lẫm, lại thương con em nên họ cắn răng chịu bị "chặt chém"./.

Đọc thêm