|
Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội |
Chỉ là “cánh tay nối dài”
Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) thực hiện một bước cải cách quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu của quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế - xã hội, từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, sự thay đổi mạnh mẽ diễn ra chủ yếu ở bộ máy Nhà nước ở trung ương (TƯ), còn các cấp chính quyền địa phương không có sự thay đổi nhiều so với giai đoạn trước.
Thực hiện chủ trương phát huy dân chủ, đẩy mạnh phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, các văn bản pháp luật liên quan đến chính quyền địa phương được ban hành những năm vừa qua đã qui định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chính quyền địa phương ở mỗi cấp.
Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương (Viện Nhà nước và Pháp luật) nhận thấy: Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) đã không đặt vấn đề thay đổi căn bản địa vị pháp lý của HĐND và UBND, cũng như chưa đề cập vấn đề phân quyền theo chiều dọc trong mối quan hệ giữa TƯ và địa phương. Cũng vì thế, Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp chưa có những cải tổ cơ bản đối với mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.
Những giải pháp cụ thể của Luật như tăng cường cơ cấu tổ chức của HĐND hay giảm số thành viên của UBND cấp xã, tăng cường chức năng giám sát của HĐND hay tăng cường nguyên tắc tập thể trong hoạt động của UBND… “không đủ tầm để đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương”. Vì thực tế, HĐND hoặc không sử dụng hết quyền năng của mình, các kỳ họp chính thức, hiệu quả giám sát, thảo luận không cao hoặc có xu hướng “vượt rào” muốn giao nhiều thẩm quyền hơn song lại không thực sự kiểm soát được UBND một cách chặt chẽ.
Nhìn tổng thể, cho đến nay, Việt Nam vẫn đang áp dụng mô hình chính quyền địa phương là “cánh tay nối dài” của nhà nước TƯ. Mô hình này bảo đảm được tính thống nhất cao độ nhưng không thực sự phát huy được tính sáng tạo, chủ động của địa phương.
Tăng cường phân cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát
Thời gian qua, việc phân cấp giữa TƯ và địa phương khá mạnh và toàn diện, nhưng điều kiện để thực hiện về tài chính, con người, cơ sở vật chất chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ. Cải cách chính quyền địa phương mới dừng lại ở cơ quan chấp hành (UBND). Cải cách cơ quan dân cử, cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương (HĐND) không được tiến hành đồng bộ, mới chỉ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ với mục đích quan trọng nhất là nhằm phát huy dân chủ, tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước…
Kết quả thí điểm cho kết quả tốt song “cũng chỉ là những chấm phá đầu tiên”. Đến nay, việc thí điểm vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng thực tiễn tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương hiện nay đang bộc lộ nhiều bấp cập.
Đổi mới chính quyền địa phương theo Hiến pháp và Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp vẫn chỉ tập trung vào hai nội dung chính là đổi mới mô hình tổ chức và phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền. Mặc dù việc giải quyết hai vấn đề này không đơn giản nhưng nếu việc đổi mới chính quyền địa phương chỉ giới hạn trong vấn đề đó thì sẽ “không triệt để và toàn diện” – TS.Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định.
Tiền đề đối với yêu cầu đổi mới chính quyền địa phương là phân định phạm vi thực hiện quyền lực giữa TƯ và địa phương trên tinh thần của nguyên lý chủ quyền nhân, đảm bảo lợi ích của địa phương đi đôi với bảo đảm lợi ích và chủ quyền quốc gia.
Trong cải cách chính quyền địa phương thời gian tới, nhiều chuyên gia pháp lý cũng thống nhất xem xét kỹ hơn vấn đề phân cấp thẩm quyền trách nhiệm giữa TƯ và địa phương trong thời gian qua để có cơ sở đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp giữa TƯ và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ PGS.TS.Văn Tất Thu cho rằng, phân cấp cho chính quyền địa phương cần đồng bộ, thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, phân cấp nhưng vẫn phải đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền TƯ, phân cấp đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của TƯ, với việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương.
Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền theo hướng phân cấp mạnh và rõ hơn cho địa phương, để chính quyền địa phương chủ động sáng tạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Nhưng quan trọng vẫn phải đảm bảo sự lãnh đạo và điều hành tập trung thống nhất của TƯ, không để chính quyền địa phương “muốn làm gì thì làm, và phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Đó cũng là mô hình để “người dân tự quyết định các vấn đề của địa phương mình trên cơ sở pháp luật nên không sợ mỗi địa phương thành khu tự trị”…
Tuy nhiên, yêu cầu tiên quyết là cần sửa đổi những qui định bất cập trong Hiến pháp 1992 liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta để tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách được chính quyền địa phương thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ PGS.TS.Văn Tất Thu: “Trong 10 năm qua, phân cấp đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động giữa Chính phủ và chính quyền địa phương (cấp tỉnh), cũng như của các bộ, ngành TƯ. Việc phân cấp mạnh thẩm quyền, trách nhiệm giữa Chính phủ và các bộ, ngành TƯ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, làm cho cơ cấu Chính phủ tinh gọn hơn” |
Huy Anh