Đổi mới công nghệ, tối đa hóa lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại dịch COVID-19 đem đến nhiều hậu quả nhưng đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo phát huy cao độ năng lực, tối đa hóa lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao đổi mới công nghệ càng trở nên cấp thiết.
Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.
Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.

Tăng doanh thu nhờ đổi mới công nghệ

Chia sẻ tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ” diễn ra mới đây, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai có trụ sở tại tỉnh An Giang cho biết, từ năm 2008, Công ty bắt đầu tham gia vào chuỗi giá trị cá tra với định hướng phát triển theo chiều rộng để khép kín chuỗi sản xuất, tham gia làm chủ tất cả các khâu, đồng thời tìm kiếm công nghệ và thiết bị nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Trong các năm 2018 và 2020, Công ty tham gia chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia, được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất các sản phẩm shortening, margarine từ mỡ cá tra; ngoài ra, Công ty còn hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất bột cá và bột nêm từ phụ phẩm cá tra.

Việc đổi mới công nghệ đã giúp Sao Mai tạo ra các sản phẩm rất đột phá, còn các sản phẩm có từ trước cũng được cải tiến với chất lượng tốt hơn rất nhiều, nhờ đó tác động rất lớn tới cục diện kinh doanh của công ty. Theo tính toán của Tập đoàn Sao Mai, việc đổi mới công nghệ giúp nâng tầm giá trị cá tra Việt Nam lên khoảng 28%. Các sản phẩm của công ty có chất lượng tương đương và thay thế các sản phẩm hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… với giá thành phù hợp với khả năng tiêu dùng của khách hàng trong nước.

Về giá trị mang lại cho Công ty, ông Thành cho hay, khi đổi mới công nghệ, doanh thu các sản phẩm dầu ăn từ phụ phẩm cá tra của Công ty đã tăng 2,9 lần (khoảng 800 tỷ đồng) vào trước đại dịch COVID-19, doanh thu sản phẩm bột cá tra tăng 57% (đạt 1.783 tỷ đồng). Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu thủy sản đạt 135 triệu USD, tăng 32%. Đặc biệt, sản phẩm của Công ty còn được xuất khẩu sang các thị trường có tiêu chuẩn cao như Singapore, Hàn Quốc… “Việc làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để chúng tôi nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Tòng, Giám đốc Công ty Bách Tùng chuyên sản xuất các chi tiết kim loại dạng trục cỡ nhỏ trong ngành cơ khí chính xác, có trụ sở tại tỉnh Bình Dương cũng khẳng định, sự hỗ trợ một phần tài chính từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia đã giúp công ty ông nghiên cứu các thiết bị tự động hóa, thay thế nhân công, từ đó giảm được 1/3 thời gian sản xuất, giảm 50% nhân công. Những đổi mới này giúp năng suất lao động của Công ty tăng tới 5 lần so với khi sử dụng công nghệ cũ.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng vai trò là nhân tố cốt lõi nhằm gia tăng sức cạnh tranh và chất lượng của sản phẩm. Trước yêu cầu của tình hình đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng, đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách nhằm tăng cường hội nhập quốc tế.

Trong đó, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhiều lần đề cập đến từ khóa “đổi mới sáng tạo” và nêu rõ phải phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển các sản phẩm; các trường đại học và các viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển, tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích tương hỗ; cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế ứng dụng, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; tạo động lực, nền tảng quan trọng nhất cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn tới.

Đào tạo kỹ năng lựa chọn công nghệ, chú trọng kết nối kiều bào

Thông tin cụ thể về một số chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) nhấn mạnh về vai trò của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Theo đó, Quỹ này được thành lập với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và các nguồn khác.

Đến năm 2020, Quỹ đã huy động 872 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đổi mới công nghệ thực hiện thông qua nhiệm vụ tài trợ (chiếm 74,5% kinh phí của các dự án đã ký hợp đồng). Các doanh nghiệp sau khi đổi mới công nghệ đã tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng doanh thu hàng năm, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách 300 tỷ đồng mỗi năm. Gần 50 công nghệ được ứng dụng tại doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện đại hóa quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đổi mới công nghệ, như chưa có nhiều ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ; chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ. Về phía doanh nghiệp, một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ; còn thiếu thông tin về các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, các công nghệ, chuyên gia công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu.

Đẩy mạnh kết nối giữa các các doanh nghiệp với mạng lưới tri thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy tìm kiếm, hợp tác chuyển giao công nghệ quốc tế. Ông Cao Minh Việt, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt – Nhật nhận định, thời gian qua, việc kết nối giữa các doanh nghiệp với các nhà khoa học nước ngoài còn yếu và ít, chủ yếu mang tính chất cá nhân, không có mạng lưới thực sự. Để việc kết nối đủ rộng, đủ mạnh và tạo giá trị thực sự, tận dụng được nguồn nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài, ông Việt cho rằng phải có một nền tảng kết nối thực sự mở, sâu rộng và minh bạch.

“Giá trị cốt lõi của nền tảng này là chia sẻ, trao đổi, mang lại lợi ích cho thành phần tham gia, lấy con người làm trung tâm, tập trung vào cộng đồng”, ông Cao Minh Việt nhấn mạnh. Theo Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt – Nhật, mạng lưới này cần đủ phân tán, đủ tin cậy để thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài sẵn sàng tham gia vào.

TS Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu cho biết, các doanh nghiệp tại Đức và châu Âu muốn kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp liên doanh, trong đó, doanh nghiệp châu Âu sẽ góp công nghệ và vốn. Hiện, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu đang hợp tác với nhiều đối tác trên toàn cầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và công nghệ sẵn sàng hợp tác để đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý, Hiệp hội Phát triển kinh tế thương mại Đức với khoảng 1.200 doanh nghiệp là thành viên rất mong muốn phát triển tại thị trường Việt Nam. “Đây là kênh mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để có thể chuyển giao công nghệ”, ông Nguyễn Việt Anh thông tin. Một số lĩnh vực tiềm năng có thể thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa hai bên gồm có năng lượng, rác thải, y tế, vận tải, năng lượng xanh.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang khẩn trương triển khai các công việc để tái cơ cấu các chương trình KHCN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Một nội dung quan trọng được Bộ hết sức quan tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường sự công khai, minh bạch trong việc quản lý các chương trình và nỗ lực để huy động tối đa các nhà khoa học, các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp tham gia các chương trình KHCN phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Đọc thêm