Đổi mới hoạt động và tổ chức để có “nền tư pháp gần dân”

 

Tại phiên họp lần thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) TƯ hôm qua (9/4), BCĐ đã thảo luận về các đề án liên quan đến những vấn đề lớn trong đổi mới hoạt động và tổ chức các cơ quan tư pháp trong tiến trình CCTP.
 

Tại phiên họp lần thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) TƯ hôm qua (9/4), BCĐ đã thảo luận về các đề án liên quan đến những vấn đề lớn trong đổi mới hoạt động và tổ chức các cơ quan tư pháp trong tiến trình CCTP.

Tổ chức lại cơ quan điều tra về 1 đầu mối
Cho ý kiến về đề án “tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra”của Đảng ủy Công an TƯ, các thành viên BCĐ đều cho rằng, cần xây dựng được mô hình cơ quan điều tra của lực lượng công an hoạt động có hiệu quả hơn, chuyên trách, độc lập, không bị chi phối bởi quan hệ hành chính. Tuy nhiên, việc tổ chức lại phải có lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tế. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá, tổ chức lại cơ quan điều tra, thu về 1 mối là vấn đề khó, phức tạp. Đảng ủy CA TƯ cần hoàn thiện để trình xin ý kiến Bộ Chính trị vào cuối tháng 4. Đề án cần nghiên cứu mở rộng hơn, đánh giá tất cả các cơ quan điều tra hình sự (cả trong quân đội, VKS và CA) và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành 1 số hoạt động điều tra.
Đồng thời bổ sung đánh giá quá trình hình thành và thực trạng tổ chức, hoạt động của các cơ quan điều tra chuyên trách, điều tra ban đầu của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao thực hiện một số hoạt động điều tra trong QĐND, với việc nêu rõ ưu nhược điểm, nguyên nhân nội tại trong hoạt động, tổ chức hiện nay để định hướng tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra về 1 đầu mối. Đề xuất phương án kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động trinh sát và điều tra tố tụng nhưng vẫn phải đảm bảo tính khách quan và không bị “hòa đồng” giữa hai hoạt động này trong hoạt động điều tra tội phạm của cơ quan cảnh sát điều tra.
Từ nay đến năm 2015, tổ chức cơ quan điều tra cơ bản giữ nguyên như hiện nay, nhưng cần giải quyết 1 số công việc để được kiện toàn 1 bước, nâng cao chất lượng đội ngũ và công tác điều tra, đảm bảo các điều kiện vật chất cho cơ quan điều tra, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sau năm 2015, mô hình tổ chức điều tra TTHS phải gom về 1 đầu mối với 1 hệ thống cơ quan điều tra với điều tra TTHS, điều tra trong quân đội, VKS có 1 bộ phận điều tra những vi phạm của các cơ quan tư pháp. 
Đề án “đổi mới tổ chức, hoạt động các cơ quan tư pháp trong Quân đội nhân dân” (do Quân ủy TƯ thực hiện) được đánh giá cao về nội dung thu gọn đầu mối, giảm bớt số lượng các cơ quan và biên chế của các cơ quan tư pháp trong QĐND. Song Chủ tịch nước lưu ý, cần rà soát xem có vướng mắc để “đón đầu giải quyết”, làm rõ việc mở rộng thẩm quyền xét xử hành chính trong của TAQS nằm trong tổng thể hoạt động xét xử chung, phạm vi THADS đối với quân nhân, xem xét về bổ sung thẩm quyền xét xử của TAQS trong địa bàn “thiết quân luật” (theo điều 32 Luật Quốc phòng) đối với tất cả các vụ án trong địa bàn thiết quân luật hay hay chỉ giới hạn xet xử một số tội phạm liên quan đến đến an ninh quốc gia, trật tự…
Chủ tịch nước lưu ý, hai đề án trên phải được đối chiếu với các đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” và đề án “nghiên cứu việc chuyển VKS thành Viện Công tố” đã được BCĐ cho ý kiến để không có độ “vênh” khi triển khai.
Thành lập Tòa án và VKS khu vực cần quan tâm đến cán bộ
Nghe Ban Cán sự TANDTC, VKSNDTC cũng đã báo cáo việc chuẩn bị thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND sơ thẩm khu vực, các thành viên BCĐ nhất trí, việc thành lập TA và VKS khu vực cần lấy TA làm trung tâm, đảm bảo chủ trương xét xử không theo cấp hành chính đã đề cập trong NQ 49. Chủ trương thành lập TA và VKS khu vực là phục vụ cho lâu dài để có “nền tư pháp gần dân”.
 “Đây là một chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong tiến trình CCTP. Nhìn chung, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc một số hoạt động cụ thể, đáp ứng được mục đích, yêu cầu của CCTP”.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước đề nghị Ban Cán sự TANDTC và VKSNDTC cần tiếp tục trao đổi, chú ý “nghe địa phương” về những vấn đề “vướng”, dự phòng các giải pháp khắc phục những khó khăn phát sinh do sự thay đổi từ mô hình tổ chức TA theo địa giới hành chính sang TA khu vực, cũng như mối quan hệ với VKS, cơ quan điều tra, các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp, cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, chỗ ở của cán bộ các cơ quan tư pháp tại một số địa bàn có diện tích rộng, địa hình phức tạp, nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, thống nhất phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực đáp ứng yêu cầu CCTP…
*BCĐ cũng đã cho ý kiến đối với báo cáo của Bộ Tư pháp về chủ trương nghiên cứu giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác THA; Dự thảo báo cáo Bộ Chính trị về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2006-2010 và đề xuất phương hướng công tác nhiệm kỳ 2011-2016.
Hương Giang

Đọc thêm