Với ý nghĩa quan trọng đó, tôi đã nghiên cứu kỹ phần Xây dựng Đảng trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII và xin được đóng góp một số ý kiến như sau:
I- Ưu điểm của Báo cáo:
Báo cáo đã đánh giá đúng mức về những kết quả đã đạt được và dám nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá những khuyết điểm. Điều đó được thể hiện rõ ở chỗ, thành tựu nêu 8 vấn đề, còn khuyết điểm nêu tới 27 vấn đề. Trong đó, chỉ ra một cách thẳng thắn những khuyết điểm như: chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao, thiếu sắc bén, chưa thuyết phục; bộ máy của Đảng và toàn hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ chồng chéo; việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở Trung ương chưa được tập trung xây dựng; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe doạ sự tồn vong của chế độ; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng. Chưa xác định rõ nội dung và phương thức Đảng cầm quyền; còn có biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít chậm được khắc phục. Những khuyết điểm trên đây làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, do sẽ có Báo cáo riêng, chưa được thể hiện trọng Dự thảo Báo cáo nên tôi chỉ nêu một vài vấn đề cần quan tâm. Đó là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là kịp thời và đúng đắn. Đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng chưa đạt được như mong đợi. Những hạn chế, khuyết điểm là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên vẫn đang tồn tại, chưa được đẩy lùi, thậm chí có mặt còn phát triển với những hình thức tinh vi, phức tạp hơn; tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình chưa nghiêm túc, mang tính hình thức. Một số vấn đề như chạy chức, chạy quyền, chạy tội, lợi ích nhóm… vẫn chưa chỉ ra được địa chỉ cụ thể; việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật chưa nghiêm khắc. Một số vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong Đảng và trong xã hội giải quyết còn quá chậm; chưa gắn kết Cuộc vận động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tốn kém nhiều mà hiệu quả thấp.
Nhìn tổng quát, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 còn quá nhiều thiếu sót, làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân. Bài học lớn nhất rút ra ở đây là chưa thực hiện được lời dạy của Bác Hồ với tư tưởng chỉ đạo là: Chủ trương (Nghị quyết) là một, kế hoạch là năm, tổ chức thực hiện là mười. Như vậy, khâu yếu nhất là tổ chức thực hiện, thực chất là nói chưa đi đôi với làm.
Báo cáo đã phân tích nguyên nhân của những khuyết điểm khá sâu sắc: Đảng cầm quyền nhưng chưa nhận thức sâu sắc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều đó nói lên bệnh chủ quan, thành tích, kiêu ngạo trong Đảng ta rất nguy hiểm. Chậm đổi mới tư duy về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, chưa thống nhất ở một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương. Chưa thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát, tham gia của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, đổi mới công tác cán bộ thiếu đồng bộ, kiên quyết, hiệu quả thấp.
II- Thiếu sót của Báo cáo về phần Xây dựng Đảng:
Chưa phân tích sâu sắc những bài học về xây dựng Đảng. Đề nghị cần bổ sung như sau: Trước những khó khăn, thách thức trên con đường đổi mới, Đảng ta phải hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn; coi trọng nghiên cứu lý luận để giải quyết kịp thời những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc. Phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tạo sự nhất trí trong Đảng và đồng thuận xã hội. Xây dựng Đảng là then chốt. Chú trọng đổi mới công tác tổ chức - cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn, nếu không chống được tham nhũng sẽ mất niềm tin của nhân dân, đe doạ sự tồn vong của chế độ.
III. Về phương hướng, nhiệm vụ:
Tôi nhất trí với các nội dung trong Báo cáo và đóng góp một số ý kiến:
1- Xây dựng Đảng về chính trị
Trong Báo cáo nêu: “Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp”. Nêu như trên thì đúng nhưng còn chung chung quá. Vấn đề chất vấn trong Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 đã từng nhấn mạnh nhưng trong gần 4 năm qua vẫn chưa thực hiện được. Nay trong Báo cáo lại nêu một câu chung chung nhẹ nhàng thì trong nhiệm kỳ tới sẽ khó thực hiện được.
Theo tôi, vấn đề chất vấn trong Đảng là vấn đề quan trọng, cần phải thực hiện và nếu quyết tâm thực hiện thì phải viết cụ thể cả về nội dung, phương thức truyền tải. Theo tôi, phải quy định rất rõ, mỗi lần họp hội nghị trung ương, nội dung chất vấn phải được đặt ra và phải được thực hiện. Lâu nay, chúng ta có nêu nhưng không quy định rõ hội nghị trung ương nào thì thực hiện chất vấn. Nếu quy định như vậy thì bắt buộc phải làm, không làm thì là khuyết điểm.
Thứ hai, đối tượng chất vấn tại hội nghị trung ương là ai cũng phải quy định rõ. Ở đây, đối tượng chất vấn theo tôi là Tổng Bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị cũng như ở Quốc hội đối tượng chất vấn là các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chứ không phải các đại biểu Quốc hội chất vấn lẫn nhau. Thực tế, trong Đảng lâu nay chưa thực hiện chất vấn, nên yếu tố tâm lý rất khó, đồng thời có đụng chạm đến quyền lợi. Nhưng ít nhất mỗi năm một lần, các Ủy viên Trung ương Đảng phải gửi nội dung chất vấn đến Trung ương nếu chúng ta xem chất vấn là vấn đề quan trọng.
Vậy phương thức để chất vấn như thế nào? Để tránh yếu tố tâm lý, sự hiểu lầm thì nội dung chất vấn là những ý kiến của đơn vị phụ trách, ý kiến của nhân dân. Ví dụ, ở một tỉnh thì có bao nhiêu vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Trung ương, của từng đồng chí một, thì làm sao không tìm được nội dung chất vấn. Chúng ta không sợ chất vấn mà phải có cách như thế nào để chất vấn có hiệu quả.
Thứ nữa, sau chất vấn thì cũng phải có giám sát để xem lời hứa đó được thực hiện như thế nào. Còn về phương thức truyền tải chất vấn, theo tôi, bước đầu thì trong nội bộ Đảng, nhưng dần dần cũng tiến tới có nội dung chất vấn nên truyền hình cho dân biết. Tôi nói điều đó có thể rất lạ, nhưng Điều 4 Hiến pháp quy định, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình và chịu sự giám sát của nhân dân. Theo tôi, nếu thực hiện được thì đây là sẽ là bước đột phá đổi mới trong xây dựng Đảng ta. Đương nhiên, có những vấn đề thuộc bí mật nhà nước thì tôi tin những đồng chí chất vấn và trả lời chất vấn có đủ ý thức, đủ cách để không làm lộ bí mật quốc gia.
Tất nhiên trong Dự thảo Báo cáo không nêu đầy đủ được hết các nội dung nhưng phải có ý thức như vậy. Theo tôi, kèm theo Báo cáo này thì phải có một số phụ lục nói rõ những cái làm được, cái chưa làm được, nhất là cái chưa làm được chất vấn là chưa làm được, để tìm nguyên nhân, cách thực hiện thì mới hy vọng những phương hướng đề ra có niềm tin thực hiện được, chứ cứ viết chung chung như vậy thì tôi tin rất khó thực hiện.
2- Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị
Trong nội dung Báo cáo nêu: Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Cơ bản thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm tổng kết mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trên cơ sở đó, tinh giản số cán bộ được hưởng lương và phụ cấp ở cơ sở.
Cách nêu như trên có phần mâu thuẫn, không nhất quán, dễ gây phân tâm. Đề nghị khẩn trương tổ chức thảo luận vấn đề này trước khi được thể hiện trong Báo cáo chính trị một cách chuẩn xác.
3- Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”. Nội dung viết như trong Dự thảo Báo cáo còn chung chung quá. Tôi đề nghị các nội dung này cần được viết cụ thể hơn thì mới có thể tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Thực chất chống tham nhũng của chúng ta chưa thành công. Đại hội này phải là Đại hội cần nhìn thẳng vào sự thật, dám nói sự thật để tập trung tìm ra biện pháp. Thực ra, lâu nay chúng ta đã quan tâm có nhiều đề xuất như chúng ta đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng, nhất là chúng ta đã lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu. Nhưng cần nhìn thẳng vào sự thật như vậy và đây là điều rất bình thường.
4. Đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng
Trong Báo cáo nêu: “Nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước. Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng, quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Các nội dung nêu trên viết còn chung chung, giống như các Nghị quyết trước đây và giống như Điều 4 của Hiến pháp. Tôi đề nghị phải đổi mới cách viết sao cho cụ thể và thiết thực thì mới hy vọng giúp cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII có hiệu quả.
Ngoài ra, mặc dầu sẽ có Báo cáo riêng về Điều lệ Đảng nhưng tôi đề nghị cần đề cập nội dung này ở mức độ cần thiết để thể hiện Đại hội Đảng XII không xem thường việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.
Vũ Mão - Nguyên Ủy viên TƯ Đảng,
nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội