Trên tinh thần đó, chiều qua (3/11), Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP - sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (CQĐP - sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội, cũng như cụ thể hóa những yêu cầu mới đối với TCCP và CQĐP đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Không qui định “cứng” số bộ
Chính phủ đề nghị không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ mà chỉ quy định có tính nguyên tắc vì tên gọi và số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vẫn do Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở Thủ tướng thay mặt Chính phủ trình, để bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua thảo luận, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành với Dự thảo Luật không quy định “cứng” số lượng và tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật này nhằm bảo đảm tính năng động, sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ như cách đã làm từ các nhiệm kỳ gần đây.
UBPL cũng cơ bản tán thành quy định về Thủ tướng trong Dự án Luật TCCP; đồng thời cho rằng các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng cần đặt trong mối quan hệ với nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, phân biệt với các thành viên khác của Chính phủ, phải khắc phục được tình trạng “dồn trách nhiệm lên Thủ tướng” như trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của UBPL đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Thủ tướng “thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại Khoản 6 Điều 98 Hiến pháp.
Một nội dung quan trọng được quan tâm khi sửa đổi Luật TCCP là qui định liên quan đến nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đa số ý kiến đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Chính phủ đề xuất, chức năng này sẽ do Chính phủ thực hiện hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Tăng quyền tự chủ cho Chính quyền địa phương
Về mô hình tổ chức CQĐP ở các đơn vị hành chính, Chính phủ đề nghị thực hiện phương án không tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) ở quận, phường mà chỉ tổ chức UBND là CQĐP của quận, phường, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật này và các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên ủy quyền (chức năng đại diện, giám sát và quyết định các vấn đề ở quận, phường không phải là ‘‘bỏ’’ mà do HĐND thành phố, thị xã thực hiện). Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra phương án 2 là giữ nguyên mô hình tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp (đặc biệt ở quận và phường).
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy định nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp CQĐP trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
UBPL thấy rằng, mô hình tổ chức CQĐP là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề liên quan để xác định đơn vị hành chính nào thì tổ chức cấp CQĐP (gồm HĐND và UBND) và ở đơn vị hành chính nào không tổ chức cấp CQĐP, làm rõ mối quan hệ giữa HĐND và UBND cùng cấp, mối quan hệ của cơ quan hành chính ở các đơn vị hành chính không tổ chức cấp CQĐP và mối quan hệ của cơ quan này với CQĐP cấp trên.
Bên cạnh đó, cần làm rõ những điểm chung và riêng về tính chất, đặc điểm của địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo để xác định mô hình tổ chức CQĐP phù hợp. Mà quan trọng hơn là phải làm rõ được sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP ở mỗi địa bàn khác nhau để CQĐP ở mỗi nơi đều có thể đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của địa phương mình.
UBPL cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc tên gọi của cơ quan hành chính trong trường hợp không tổ chức HĐND, cũng như mô hình tổ chức, cách thức thành lập, cơ chế hoạt động của cơ quan này, kể cả các cơ quan chuyên môn cùng cấp để làm rõ sự cần thiết của việc không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính này, đảm bảo sự thống nhất, tránh nhầm lẫn trong quá trình triển khai...