Thông tin tiếp về một loạt sai phạm đất đai tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh

(PLO) - Dư luận tại Quảng Ninh cho rằng với những sai phạm xẩy ra tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh ngoài những cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì cũng cần phải xem xét tới trách nhiệm của các cấp ủy đảng tại địa phương này khi để cán bộ sai phạm. Trong khi vấn đề này chưa được làm rõ thì người đứng đầu về tổ chức Đảng của TP. Hạ Long lại được đề nghị thăng chức. 

Quản lý thiếu trách nhiệm dẫn đến việc phá núi mở đường trái phép bên bờ vịnh hạ long
Quản lý thiếu trách nhiệm dẫn đến việc phá núi mở đường trái phép bên bờ vịnh hạ long
Liên quan đến các sai phạm xẩy ra tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh như trước đó Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, ông Vũ Hồng Thanh, Bí thư Thành ủy Hạ Long thừa nhận là thành phố từng từng giải quyết “nhân văn”, thuyết phục ông Đào Nam Thành- Phó trưởng phòng TNMT thành phố Hạ Long trả nợ. Và đến đây, dư luận đặt câu hỏi, nếu việc trả nợ được ông Thành thực hiện, có lẽ những sai phạm của một loạt quan chức TP. Hạ Long đã bị “chìm xuồng” và không được lôi ra ánh sáng? 
Trả lời báo chí về vụ việc này, Bí thư  Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính khẳng định sẽ cho điều tra, xử lý theo đúng pháp luật, người nào vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, sai về hành chính bị xử lý hành chính, sai về mặt Đảng thì bị xử lý theo quy định của Đảng. Về trách nhiệm của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hạ Long trong việc để xảy ra sai phạm, ông Chính cho biết sẽ xem xét trách nhiệm trong đó, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm chính.
Trong khi việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chưa được làm rõ thì  mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã giới thiệu ông Vũ Hồng Thanh, Bí thư Thành ủy Hạ Long lên giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, phải chăng để xảy ra một loạt sai phạm nhưng người đứng đầu thành phố, cấp ủy Đảng ở địa phương này không liên quan, không phải chịu trách nhiệm gì về những sai phạm ở cấp dưới của mình?
Sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo Hạ Long dẫn đến việc đất vàng bị xẻ thịt và nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam
 Sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo Hạ Long dẫn đến việc đất vàng bị xẻ thịt và nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam 
Trước đó, Pháp luật Việt Nam đã phản ánh: Theo điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh, cuối năm 2011, mặc dù biết rõ khu đất nuôi trồng thủy sản hơn 1.700 m2 đất ông Lê Tiến Bộ sử dụng tại phường Hùng Thắng nằm trong quy hoạch khu đô thị nhưng ông Đào Nam Thành, Phó Phòng TN – MT TP Hạ Long cùng “bộ sậu” vẫn tìm cách hô biến. Với sự giúp sức của cán bộ phường, các cán bộ TP Hạ Long đã biến đất nuôi trồng thủy sản thành đất trồng cây lâu năm, sau đó tiếp tục biến 1000m2 thành đất ở rồi mang cầm để vay tiền của người dân. Trò phù phép của những cán bộ TP Hạ Long đã khiến nhà nước thiệt hại 9,6 tỷ đồng. 
Liên quan đến vụ án này, đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 9 đối tượng, trong đó có 8 người nguyên là cán bộ TP Hạ Long. Tám quan chức bị bắt gồm Đào Nam Thành (ngyên phó Phòng TN-MT TP Hạ Long), Nguyễn Minh Thanh, Đặng Quang Hiển, Lê Truyền (cùng là cán bộ Phòng TN-MT TP Hạ Long); Đặng Quang Thép-nguyên Chủ tịch, Đỗ Quang Phan-nguyên cán bộ địa chính phường Bãi Cháy; Phạm Văn Chức-nguyên Chủ tịch, Lưu Văn Duy-nguyên cán bộ địa chính phường Hùng Thắng. 
Khi vụ án “hô biến” đất trái phép vẫn đang trong quá trình điều tra thì mới đây, tại TP Hạ Long lại xảy ra việc buông lỏng quản lý đất đai để cho một doanh nghiệp “băm nát” vùng đệm di sản vịnh Hạ Long. Cụ thể, Công ty cổ phần Minh Anh được giao 30 ha đất ở phường Hà Phong làm bãi đổ thải tận thu than của một dự án Bến xe Miền Đông từ năm 2008. Đến năm 2011, dự án bến xe “chết” chuyển thành dự án siêu thị Metro nhưng doanh nghiệp vẫn giữ 30 ha bãi thải và sử dụng sai mục đích xây dựng nhà xưởng “hoành tráng”. Từ năm 2013, Công ty Minh Anh tự ý nổ mìn, phá núi phía sau khu đất mở một con đường cắt ngang dãy núi, thông ra tận bờ vịnh Hạ Long. Con đường như một vết chém sắc lẹm cắt ngang dãy núi cùng rừng cây ven bờ vịnh. 
Đáng chú ý, khu vực này nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long nên trong quyết định phê duyệt quy hoạch 1/2000, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu phải “bảo vệ phát huy giá trị tự nhiên hệ thống núi đá, các đầm ao trong khu vực, không chặt phá san lấp. Hạn chế tối đa việc san lấp tạo mặt bằng các khu vực chân núi đá…”. Tuy nhiên, quyết định phê duyệt quy hoạch vừa ráo mực thì công trình phá núi trái phép đã hoàn thành. Trong khi đó, từ tháng 1/2014, chính quyền phường Hà Phong đã phát hiện việc làm trái phép này nhưng chỉ lập biên bản “chiếu lệ” rồi bỏ mặc. Chính quyền TP Hạ Long cũng không có động thái nào ngăn chặn hành vi tàn phá di sản này. Thậm chí, lãnh đạo TP Hạ Long nhiều lần đến kiểm tra ở khu vực nhưng việc phá núi mở đường vẫn tiếp diễn. Đến khi báo chí phát hiện, lãnh đạo TP Hạ Long còn lảng tránh cung cấp thông tin làm rõ trách nhiệm khiến cho dư luận không khỏi đặt câu hỏi phải chăng có sự “bảo kê” cho việc làm vi phạm pháp luật. 
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng vừa làm rõ khi triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 18, UBND TP Hạ Long đã xác định sai nguồn gốc đất gây thất thoát 12 tỷ đồng ngân sách./.

Đọc thêm