Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Xác định dấu hiệu
Trước hết, bạn cần hiểu tại sao trẻ lại sử dụng ma túy. Vốn dĩ thanh thiếu niên và trẻ em luôn tò mò và có xu hướng mạo hiểm hơn người lớn. Càng nghe nhiều về cảm giác bay bổng khi sử dụng ma túy, chúng lại càng muốn tìm hiểu xem cảm giác ấy thật sự như thế nào. Một lý do khác khiến thanh thiếu niên tìm đến các chất gây nghiện chính là áp lực xã hội. Những áp lực này không nhất thiết là do người khác gây ra, mà chúng có thể tự hình thành bên trong bản thân khi trẻ mong muốn được hòa nhập với mọi người xung quanh.
Bạn cần xác định những yếu tố nguy cơ, bằng cách trả lời những câu hỏi như sau: Gia đình bạn có ai từng nghiện ma túy không? Con bạn có biểu hiện bạo lực không? Mức độ tự ái của con bạn đến đâu? Bạn bè của con có ai nghiện hút không? Những câu hỏi này giúp bạn xác định liệu con bạn có nguy cơ cao tiếp xúc với ma túy hay không.
Trò chuyện đúng cách
Chọn được thời điểm thích hợp là yếu tố quyết định thành bại của cuộc nói chuyện. Hãy lựa lúc trẻ đang vui vẻ và thoải mái nhưng vẫn nghiêm túc. Cần chắc chắn rằng bạn và con có nhiều thời gian để trò chuyện mà không bị quấy rầy hay phân tâm. Nếu bạn nghi ngờ con đang sử dụng chất gây nghiện, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Đừng dại dột mà ép con khai có nghiện hay không, vì chúng sẽ chẳng bao giờ thừa nhận. Hơn nữa điều đó sẽ động chạm đến tự ái của trẻ, nếu thật sự chúng vô tội.
Bạn cần xác định mình đang hướng đến một cuộc đối thoại chứ không phải độc thoại. Bạn hãy hỏi suy nghĩ của trẻ về ma túy, bằng cách đặt các câu hỏi mở hoặc giả sử các tình huống, chẳng hạn như: "Bố/mẹ muốn nghe suy nghĩ của con về...", "Con sẽ xử lý thế nào trong trường hợp...". Nếu trẻ thừa nhận sử dụng ma túy, bạn cần tiếp tục nhẹ nhàng và cởi mở để hỏi xem, trẻ đã sử dụng chất gì, ở đâu, khi nào và với ai. Cuối cùng, đừng quên cảm ơn trẻ vì sự trung thực của mình và khẳng định rằng bạn luôn ở bên để giúp đỡ con.
Chiến thuật thông thái
Hãy cho trẻ lý do để tránh xa ma túy. Đừng cố gắng dọa con tránh xa ma túy bằng những chiến thuật gây sốc tâm lý, mà hãy cung cấp những thông tin hữu ích để chúng cân nhắc, chẳng hạn như giải thích ma túy có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự tập trung, kết quả học tập, thành tích thể thao, ngoại hình...
Các phương tiện truyền thông luôn là một công cụ hiệu quả để hỗ trợ bạn trong việc giáo dục con cái. Hãy biến những bộ phim hoặc các chương trình truyền hình về ma túy trở thành đề tài thảo luận với con. Thử hỏi ý kiến của con về hành vi sử dụng ma túy của các nhân vật trong phim và đưa ra ý kiến của chính bạn nữa.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Nếu bạn đã sử dụng hết tất cả các phương pháp giáo dục tâm lý trên nhưng trẻ vẫn tỏ thái độ không dứt khoát tránh xa ma túy, đã đến lúc bạn phải nhờ đến biện pháp cứng rắn. Hãy nói rõ rằng trẻ không được phép sử dụng chất gây nghiện và sẽ trừng phạt nếu chúng dám phá vỡ các quy tắc.
Đừng quên dạy con cách nói "Không" khi bị bạn bè rủ rê dùng thử ma túy. Hãy cùng con thảo luận để đưa ra một phương án tốt nhất nhằm giảm áp lực và sự tự ái trước bạn bè. Nếu con đang sử dụng các chất gây nghiện, bạn cần phải bao dung nhưng vẫn cương quyết. Nói với con rằng bạn luôn yêu con và với cương vị là cha mẹ, bạn sẽ kiểm soát được tình hình và giúp con tiếp cận với những phương pháp cai nghiện khoa học nhất.
Quan trọng hơn cả, bạn cần làm gương cho con bằng cách tránh xa các chất gây nghiện, thậm chí cả rượu, bia và thuốc lá. Điều này giúp trẻ thực sự hiểu được sự nguy hiểm của chất gây nghiện không chỉ ảnh hưởng tới thanh thiếu niên, mà cả người trưởng thành. Hãy luôn ghi nhớ rằng một hành động đáng giá hơn cả ngàn lời nói, bởi chúng là những ví dụ thực tế vô cùng sâu sắc, giúp con bạn trở nên kiên định và bản lĩnh hơn trước những cám dỗ của ma túy.