"Đói” thông tin về Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước?

 Biên chế trong việc kiện toàn tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) đang là một “bài toán” khó giải trong khi thông tin về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa đến với rộng rãi người dân và DN.

Biên chế trong việc kiện toàn tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) đang là một “bài toán” khó giải trong khi thông tin về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa đến với rộng rãi người dân và DN.

Ảnh minh họa

Cục Thuế TP.HCM: Bị kiện 80 vụ/năm

Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục BTNN - tính đến tháng 7/2011, số liệu của các bộ, ngành và địa phương cho biết, các cơ quan có trách nhịêm bồi thường đã tiếp nhận gần 400 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, đã thụ lý giải quyết khoảng 300 vụ việc (chưa bao gồm các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi quản lý hành chính trong thủ tục giải quyết vụ án hành chính).

Hoạt động phát sinh yêu cầu bồi thường nhiều nhất là lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự. Trong hoạt động quản lý hành chính, lĩnh vực phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất gồm:  thuế, hải quan, xử phạt vi phạm hành chính. Phần lớn các yêu cầu bồi thường được thực hiện tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Có thể nói, bên cạnh hoạt động giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, yêu cầu bồi thường Nhà nước trong hoạt động giải quyết vụ án hành chính cũng có chiều hướng phức tạp. Ngành tài chính tổng kết năm 2010 cho thấy, Cục Thuế TP.HCM đã phải tham gia tố tụng tại Tòa hành chính với tư cách là bị đơn trong gần 80 vụ hành chính. Hầu hết các vụ việc đương sự đều có yêu cầu bồi thường Nhà nước.

 Trong thời gian tới, với việc Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực thi hành, số vụ việc yêu cầu bồi thường Nhà nước dự kiến sẽ tăng đáng kể khi với quy định hồi tố, cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006. Khi đó, dự báo yêu cầu về bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai sẽ rất phức tạp.

“Đói” thông tin bồi thường Nhà nước

Cục trưởng Nguyễn Thanh Tịnh còn cho biết: Liên quan đến BTNN, đúc kết của các Bộ, ngành cho thấy: thực tiễn hoạt động giải quyết bồi thường còn gặp nhiều lúng túng do gặp vướng nhiều thứ: Vướng về áp dụng pháp luật khi xem xét, đánh giá căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường.

Ví dụ, theo quy định của Luật TNBTCNN, các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự gồm: Văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 38 Luật TNBTCNN; Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại. Đối với trường hợp này, văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền; Quyết định xử lý tố cáo của người có thẩm quyền; Bản án, quyết định của tòa có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế xảy ra nhiều trường hợp, mặc dù Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật và trong quyết định giải quyết khiếu nại này đã xác định hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại. Nhưng người bị thiệt hại không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án Dân sự đã có hiệu lực pháp luật, không yêu cầu bồi thường thiệt hại, mà tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan ở địa phương, trung ương để khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Điều này gây khó khăn cho công tác giải quyết bồi thường, cũng như gây bất ổn về tình hình an ninh, chính trị. Một bộ phận lớn người dân, tổ chức và DN chưa biết đến hoặc nắm chưa toàn diện, thấu đáo về cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật TNBTCNN. Chưa hết, một số DN mặc dù thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành Luật TNBTCNN nhưng vẫn thực hiện việc yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN…

Lúng túng trong bố trí cán bộ

Ở địa phương, Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bồi thường. Phạm vi thực hiện nhiệm vụ này rất rộng. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế nên các địa phương đều gặp phải khó khăn, lung túng trong việc bố trí cán bộ và xác định đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bồi thường. Hệ quả là công tác quản lý Nhà nước về bồi thường chưa được tổ chức bài bản, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tổ chức thi hành Luật TNBTCNN ở địa phương.

Phong Trần

Đọc thêm