Đổi tiền lẻ, tiền mới có vi phạm pháp luật?

(PLVN) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, dịch vụ đổi tiền mới, đổi tiền lẻ lại nhộn nhịp. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh mới đây phát đi thông điệp khẳng định mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức để hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng internet đều vi phạm quy định pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Xung quanh nội dung này, PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội. (Ảnh: chụp màn hình)

Thưa Luật sư, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc đổi tiền?

- Pháp luật hiện hành chỉ có quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) và tổ chức liên quan trong việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (Điều 19 về “Xử lý tiền rách nát, hư hỏng”; Điều 20 về “Thu hồi, thay thế tiền”, Luật NHNN Việt Nam 2010) mà không có quy định về việc đổi tiền mới - cũ và chẵn - lẻ. Vì đồng tiền cũ hay mới nếu vẫn đủ tiêu chuẩn lưu thông thì đều có giá trị lưu hành như nhau và không thuộc trường hợp bắt buộc phải đổi.

Riêng đối với tiền lẻ, việc phát hành và lưu thông đồng tiền phải bảo đảm cân đối các loại mệnh giá phục vụ cho nhu cầu thanh toán. Ví dụ, NHNN và Thủ tướng Chính phủ đã từng có nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo đề cập việc cung ứng tiền mệnh giá nhỏ trong những năm qua, như: “Ngân hàng Trung ương cũng sẽ cung ứng các loại tiền thích hợp cho địa phương (kể cả các loại tiền mới có mệnh giá nhỏ)”; danh mục thiết bị, máy móc chuyên ngành ngân hàng quản lý xuất nhập khẩu cũng đã từng quy định có “máy đổi tiền tự động (đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ)”; các TCTD phải bảo đảm thường xuyên có đầy đủ các loại mệnh giá, đặc biệt là các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống để đáp ứng nhu cầu cơ cấu tiền mặt cho nền kinh tế; NHNN tỉnh, thành phố chủ động đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ; “tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết”,…

Vào dịp Tết các năm 2019 và 2020, NHNN đã thông báo không in ấn và phát hành thêm tiền mệnh giá nhỏ (từ 100 - 5.000 đồng) vì không cần thiết và tốn kém nhiều chi phí. Mấy năm gần đây việc hạn chế phát hành tiền mệnh giá nhỏ càng hợp lý vì xu thế sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt miễn phí và rất tiện lợi.

Việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ, đổi tiền cũ lấy tiền mới, đổi tiền xấu lấy tiền đẹp (kể cả số đẹp) hoặc ngược lại bên ngoài hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) là quan hệ dân sự, không phải là hoạt động đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, cũng không phải là một dịch vụ bị cấm hay hoạt động kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư hay bất cứ quy định nào.

Luật sư Trương Thanh Đức. (Ảnh: NVCC).

Mặc dù Luật chưa quy định cụ thể nhưng đâu đó vẫn có những chỉ đạo về vấn đề đổi tiền, mới đây NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Luật sư suy nghĩ thế nào về điều nào?

- Hiện đã có một số chỉ thị, công văn đề cập việc đổi tiền lẻ, với nội dung như: Kịp thời xử lý vi phạm đối với “dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật”; “Nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch, đặc biệt là trong khuôn viên di tích và lễ hội”; Hay “không đổi tiền lẻ tại di tích, lễ hội trái với quy định của pháp luật”. Nhiều cơ quan báo chí đã phát tin rằng việc đổi tiền lẻ ở các chùa chiền, lễ hội là trái pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC)….

Tuy nhiên, tất cả đều không phải là văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu đó chỉ có giá trị trong hệ thống Ngân hàng và liên quan đến giao dịch ngân hàng. Pháp luật yêu cầu phải đổi tiền cho dân mà không đổi hoặc đổi mà sai quy định, tiêu chuẩn, quy cách thì đương nhiên bị phạt. Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 cũng quy định “khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn” là một trong các trường hợp có dấu hiệu đáng ngờ, phải báo cáo NHNN. Nếu không báo cáo thì cũng có thể bị xử phạt.

Còn đối với việc đổi tiền cũ lấy tiền mới hay đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ và ngược lại giữa các cá nhân với nhau bên ngoài ngân hàng thì hoàn toàn không có quy định nào cấm đoán, hạn chế hay yêu cầu phải làm thế nào.

Một nguyên lý căn bản của hệ thống pháp luật hành chính là: Thứ nhất, có quy định cấm, hạn chế hoặc bắt buộc; thứ hai, có quy định xử phạt. Trường hợp này chỉ có quy định phạt (đối với ngân hàng), mà không có quy định cấm với hoạt động đổi tiền bên ngoài ngân hàng.

Không quy định hành vi cấm đổi tiền, nhưng Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vẫn có quy định? Việc này hiểu như thế nào, thưa Luật sư?

- Việc xử phạt VPHC từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi “thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” (theo điểm a khoản 5 Điều 30 về “Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ”, Nghị định 88/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 143/2021/NĐ-CP và Nghị định 23/2023/NĐ-CP là áp dụng đối với việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của NHNN, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, KBNN, mà không áp dụng đối với việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ hoặc đổi tiền cũ lấy tiền mới ở bên ngoài. Cụ thể, quy định đổi tiền chỉ áp dụng với ba nhóm đối tượng là: NHNN, TCTD, KBNN; khách hàng là tổ chức, cá nhân giao dịch tiền mặt hoặc có nhu cầu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông với NHNN, TCTD và KBNN (Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-NHNN của NHNN “Quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông”).

Còn người dân đổi tiền cho nhau không vi phạm điều cấm nào của pháp luật, cũng không hề xâm phạm hay ảnh hưởng xấu đến việc giá trị và “vị thế” của đồng tiền thì làm sao cần xử phạt và không hề có căn cứ pháp lý để xử phạt. Có chăng thì là chỉ phạt về hành vi đổi ngoại tệ hay gian dối, lừa đảo, gây mất trật tự trị an, tiếp tay cho mê tín dị đoan hay kiếm lợi nhuận nhiều mà trốn thuế,… liên quan đến hoạt động đổi tiền.

Xin cảm ơn Luật sư!