Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải: Giúp đồng bào thoát nghèo bền vững

(PLO) - Đóng quân nơi vùng sâu, vùng xa biên giới, những năm qua, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả giúp bà con các dân tộc vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ vững chắc vùng phên giậu biên cương của Tổ quốc.
Đại úy Trần Văn San, Chính trị viên phó Đồn cùng ông Phàn Sần Khìn kiểm tra chuồng trại nuôi dê
Đại úy Trần Văn San, Chính trị viên phó Đồn cùng ông Phàn Sần Khìn kiểm tra chuồng trại nuôi dê

Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đứng chân trên địa bàn xã Vàng Ma Chải, có nhiệm vụ bảo vệ 14,228km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, gồm 3 xã: Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử và Mồ Sì San, với 1.423 hộ, 7.586 nhân khẩu. Bà con dân tộc Mông, Hà Nhì, Dao ở đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Xuất phát từ nhận thức trên, Ban Chỉ huy Đồn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tìm giải pháp cấp thiết giúp bà con thoát nghèo. Đồn đã kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Việt Trì (đơn vị kết nghĩa) tài trợ 100 triệu đồng cho bà con phát triển kinh tế. Đồn Biên phòng đã lập kế hoạch xây dựng mô hình tập trung chăn nuôi dê, mỗi bản có 20 hộ dân, chia làm hai nhóm, mỗi nhóm được giao 30 con dê. 

Sau khi thống nhất với chính quyền địa phương, Đồn vận động người dân trên địa bàn 3 xã đóng góp ngày công lao động cùng cán bộ, chiến sỹ phát nương, san mặt bằng làm chuồng trại. Đồng thời Đồn cử cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc dê.

Ông Phàn Sần Khìn - một trong những chủ hộ nuôi dê của bản Mồ Sì San cho biết: “Từ ngày Bộ đội Biên phòng hướng dẫn bà con nuôi dê, đời sống những hộ nghèo trong bản mình thay đổi hẳn. Nhiều hộ mua được xe máy, tivi. Để các nhóm hộ dân phát triển như hôm nay là nhờ công lớn của cán bộ Đồn không quản ngại vất vả hướng dẫn cho bà con cách nuôi dê, phòng chống dịch bệnh”. 

Nhìn những chuồng trại nuôi dê được dựng khắp trên những quả đồi xung quanh, chúng tôi vui mừng khi biết cán bộ Đồn giúp người dân nơi đây rất hiệu quả. Đại úy Trân Văn San - Chính trị viên phó chia sẻ: “Đây là mô hình tiêu biểu và rất thành công mà Đồn đạt được trong việc giúp dân xóa đói, giảm nghèo, nhưng để đạt được những thành quả như bây giờ thực sự không đơn giản.Lúc đầu để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con rất khó, mọi người chưa ý thức được cách làm tập thể, cùng nhau làm, cùng nhau hưởng. Với phương châm tuyên truyền, kết hợp với vận động, kiên trì giải thích, bà con hiểu được cách làm, thay đổi nếp nghĩ, tự giác tham gia nhiệt tình. Ngoài ra, hàng tuần cán bộ chiến sỹ thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi của bà con, không để dê bị dịch bệnh.

Nhóm bản Tô Y Phìn, xã Mồ Sì San được đầu tư ban đầu 12 con dê. Chưa đầy một năm đàn dê đã tăng lên tới 43 con, đã bán 12 con được 17 triệu đồng. Nhóm bản Tân Séo Phìn được đầu tư 13 con, trong 7 tháng đã lên tới 21 con, bán 3 con được trên 4 triệu đồng. Nhóm bản Pa Vây Sử được đầu tư 30 con đến nay phát triển lên tới 39 con, bán 9 con thu về 12 triệu đồng. 

Đồn còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ tiền mua bò giống tặng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Đồn đã bình chọn 4 nhóm hộ (mỗi nhóm 3 gia đình khó khăn) tới thời điểm hiện tại 4 con bò giống đã phát triển tốt, dự kiến năm tới sẽ sinh bê con, 3 gia đình của mỗi nhóm sẽ được nhận bò giống theo hình thức bốc thăm. 

Mô hình của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đã và đang hoạt động hiệu quả, thực sự là điểm tựa vững chắc đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững thế trận biên phòng - an ninh vùng biên cương.

Đọc thêm