Dồn dập thư "kêu cứu" về "Khu công nghiệp 50 người ung thư"

"Chúng tôi viết lên đây là muốn phản ảnh sự thật và đề nghị cơ quan ngôn luận của Bộ tư pháp tiếp tục có tiếng nói để cơ quan chức năng khảo sát và có biện pháp xử lý sớm nhất. Là một người dân địa phương, tôi mong muốn các ngành chức năng vào cuộc một cách nghiêm túc, giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, để người dân chúng tôi an tâm sống và sản xuất", độc giả Nguyễn Tấn Phú (tthtntha... @gdt.gov.vn) nêu ý kiến.

[links()]Ngay sau khi bài báo "Hơn 50 người chết vì ung thư tại Khu kinh tế mở Chu Lai" được đăng tải, rất nhiều độc giả gửi thư tới Pháp luật Việt Nam, trong đó, phần lớn tự nhận là sống gần Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, phản ánh thêm về ô nhiễm tại địa phương này và bày tỏ mong muốn các cấp chức năng sớm "vào cuộc" để giải quyết tình trạng trên, kịp thời "cứu" người dân.

Nước thải từ khu công nghiệp Bắc Chu Lai ra kênh mương đục ngầu.
Nước thải từ khu công nghiệp Bắc Chu Lai ra kênh mương đục ngầu. Ảnh: Thiên Thanh.

Độc giả Diệu Huyền (caothidieu…@yahoo.com.vn, địa chỉ ở thôn Vân Thạch, Tam Hiệp), phản ánh: Bao trùm bầu trời Tam Hiệp (khu kinh tế mở Bắc Chu Lai) là mùi khét lẹt của mùi khói đốt lốp cao su thải ra từ nhà máy kính nổi. Khét không chịu nổi. Quá bức xúc bà con đã có nhiều ý kiến lên cơ quan chính quyền xã nhưng hiện chưa có giải pháp nào xử lý tình trạng này.

Gửi một thư khá dài, độc giả Nguyễn Tấn Phú (tthtntha... @gdt.gov.vn, địa chỉ: Nam Sơn, Tam Hiệp, Núi Thành), cho biết: Nhà sát Quốc lộ 1A, gần nhà máy kính nổi, hàng ngày, chúng tôi phải hít khói bụi, mùi hôi nghẹt thở như đã đề cập trong bài viết. Tất cả những ai đi trên quốc lộ 1 A, ngang qua xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hẳn cũng thấy hai ống khói ngun ngút tỏa mùi đốt cao su khó chịu, phải đưa tay phải bịt mũi. Không gian bị ô nhiễm bởi mùi hôi, lòng đất cũng bị ô nhiễm ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, dẫn đến người dân ung thư ngày càng nhiều.

Nhà máy kính nổi từng mời cán bộ UBND xã Tam Hiệp và cán bộ hưu trí lão thành cách mạng đến thăm quan. Nhưng trước khi đoàn tham quan đến, lãnh đạo Công ty kính nổi đã cho công nhân nghỉ 3 ngày để dọn dẹp vệ sinh thật kỹ.

Khi mùa mưa lũ về, một ngày thấy nước dâng cao lên ruộng, tôi cầm tay lưới đi bủa cá, nào ngờ cá chết nổi trắng đồng, tôi hoảng quá… Thiết nghĩ, chắc nguồn nước quá ô nhiễm nên mới có hiện tượng này, thời gian qua tôi để ý đến việc kiến nghị, giải quyết của Chính quyền địa phương nhưng cũng không thấy can thiệp.

Chúng tôi viết lên đây là muốn phản ảnh sự thật và đề nghị cơ quan ngôn luận của Bộ tư pháp tiếp tục có tiếng nói để cơ quan chức năng khảo sát và có biện pháp xử lý sớm nhất. Là một người dân địa phương, tôi mong muốn các ngành chức năng vào cuộc một cách nghiêm túc, giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, để người dân chúng tôi an tâm sống và sản xuất.

Độc giả Lộc (nbaoloc...@yahoo.com) thông tin thêm: Tôi đang làm tại Khu kinh tế Mở Chu Lai, tôi cảm thấy thật bức xúc, cứ mỗi sáng hoặc khoảng thời gian trời vừa chập choạng tối đi đến đoạn đường từ bệnh viện Trung Ương Quảng Nam (Tam Hiệp) đến hết nhà máy lắp ráp ô tô Chu Lai Trường Hải, sương xuống, khí độc hại thải ra từ nhà máy Kính Nổi Chu Lai bao trùm mịt mù bốc mùi khét nghẹt rát cả mũi.

Tôi chỉ đi qua mà đã không chịu nổi,  thì làm sao người dân quanh các nhà máy sống khỏe hàng ngày được?. Theo tôi biết thì đây là khí đốt lốp xe cao su thải trực tiếp ra môi trường. Không biết lãnh đạo các cấp có biết điều này hay không?.

Độc giả Cao Văn Tuấn (conloc…@yahoo.com, địa chỉ Núi Thành, Quảng Nam) bức xúc: Ống khói của kính nổi mùi hắc chịu không nổi, tôi hít vào là thấy nhức đầu. Đề nghị bên cơ quan môi trường làm việc nghiêm túc vấn đề này.

Một thư lấy "tên" là “Công nhân khu công nghiệp bắc chu lai” (congnhan@yahoo.com) nêu: Công nhân làm ở các xí nghiệp, công ty ở các khu công nghiệp cũng không chịu nổi mùi khói thải hôi thối của khu công nghiệp. Tình trạng ô nhiễm này không giải quyết dứt điểm, không những dân địa phương bị ung thư mà ngay cả công nhân cũng bị bệnh nan y nữa. Báo chí cần phải lên tiếng mạnh để không chỉ địa phương mà các cơ quan cấp cao hơn “vào cuộc”.

Trước những thông tin phản ánh tình trạng ô nhiễm ở Chu Lai, bạn đọc Vân My (vanmybvl@gmail.com) bày tỏ: Ung thư nhiều quá. Tôi thấy lo ngại về cuộc sống của người dân xã Tam Hiệp. Mong các cấp chính quyền sớm vào cuộc để người dân được yên tâm.

Độc giả Trần Quốc Dũng (gnudd...@gmail.com) cũng “lên tiếng”: Các cấp chính quyền cần phải nhanh chóng có biện pháp giải quyết, đừng để đến lúc "nước tới chân mới nhảy", đến lúc thiên nhiên và con người nơi đây bị tổn thất nặng nề hơn mới ra tay thì khong còn ý nghĩa nữa… Hành động ngay để cứu người dân và cứu lấy thiên nhiên Chu Lai tươi đẹp ngày nào...

Một ý kiến từ địa chỉ mail khancap... @gmail.com có phần gay gắt: Chủ nhân xả chất độc phải chịu trách nhiệm hình sự chứ, hay “là hòa cả làng”?. Vì sự sống con người và vì sự công bằng đòi hỏi phải trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp.

Còn Nguyễn Thu Thủy (thuthuy...@gmail.com), Nguyễn Thái Thiên (binku...@gmail.com) và một số độc giả khác thì đề xuất, nên thiết lập một khu dân cư mới, chuyển người dân ra khỏi khu vực ô nhiễm...

PLVN (tổng hợp)

Đọc thêm