Đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vàng

(PLO) - Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, theo đó đã đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng trong nước. 

Với mục đích nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất xem xét giảm bớt thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Cụ thể, khoản 3 Điều 8 Thông tư 16 “Văn bản hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm sản xuất; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; bản kế hoạch dự kiến thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, trong đó có việc thực hiện quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn hàng hóa đối với vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu)” được đề xuất sửa thành “Văn bản hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm sản xuất; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ” (loại bỏ thành phần hồ sơ Bản kế hoạch về chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ”.

Theo đó, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ bao gồm: 1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu); 2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tài liệu chứng minh doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật; 3. Văn bản hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm sản xuất; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Đồng thời thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo cũng đã đề xuất bãi bỏ quy định về báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 02 năm liền kề trước đó đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của doanh nghiệp. 

Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp sẽ bao gồm các giấy tờ sau: Một là, đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Hai là, danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh); Ba là, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và tài liệu chứng minh địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng đã được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Bốn là, xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 năm liền kề trước đó.

Một điều kiện cũng được đề xuất sửa đổi trong dự thảo Thông tư này là quy định tại tiết ii điểm b khoản 2 Điều 9a Thông tư 16. Theo đó, trong hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với trường hợp thay đổi tên, địa chỉ của địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng, quy định “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trường hợp thay đổi trụ sở chính); văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hoặc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng chấp thuận việc thay đổi tên chi nhánh, thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, thay đổi địa điểm đặt trụ sở phòng giao dịch; văn bản của tổ chức tín dụng báo cáo việc thay đổi tên phòng giao dịch” được sửa đổi thành “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trường hợp thay đổi trụ sở chính); văn bản của tổ chức tín dụng báo cáo việc thay đổi tên phòng giao dịch”, bỏ Văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh hoặc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng chấp thuận việc thay đổi tên, địa điểm ra khỏi yêu cầu hồ sơ của thủ tục hành chính thay đổi tên, địa chỉ của địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với tổ chức tín dụng. Theo lý giải của NHNN, văn bản này là do NHNN cấp, nên việc yêu cầu nộp văn bản này không phù hợp với yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đọc thêm