Đón nhận làn sóng đầu tư mới: Không thu hút bằng mọi giá

(PLVN) - Đó là ý kiến đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 15/6 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa.

Cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là nền tảng để Việt Nam biến nguy thành cơ. Theo ĐB, hơn bao giờ hết, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng tiền chuyển dịch đầu tư.

“Đây chính là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, giúp Việt Nam đón được những cơ hội”, ĐB Cường nói. Để đón được cơ hội, vị ĐB là PGS.TS kinh tế học cho rằng, trước hết cần phải có các giải pháp đặc biệt để thu hút, biến các nhà đầu tư nước ngoài trở thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước.

Cùng với đó, Chính phủ cần lựa chọn và hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất để biến các nhà đầu tư nước ngoài trở thành một phần của các các tập đoàn trong nước.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cũng dẫn những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm và cho rằng trong khi các nước đang phải tiếp tục tập trung phòng, chống dịch, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn thì đây chính là cơ hội để Việt Nam tập trung phát triển kinh tế nhanh hơn, có điều kiện để rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới.

Để tranh thủ cơ hội này, ĐB đề nghị cần phải có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư trên cơ sở về điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá; quan tâm đến các nhà đầu tư đã và đang tiếp tục triển khai ở nước ta; tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí.

ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về việc những tồn tại, hạn chế như cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tình trạng nợ đọng, ô nhiễm môi trường, vấn đề tham nhũng trục lợi chính sách… đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chúng ta thiếu giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả.

“Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải làm bắt đầu từ con người, bắt đầu từ công tác cán bộ. Vì vậy, tôi đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, có các biện pháp để chấn chỉnh, để khắc phục tình trạng này trên cơ sở phải sắp xếp, phải xây dựng được hệ thống tổ chức tinh gọn, khoa học và đủ mạnh trên cơ sở siết chặt kỷ luật, kỷ cương, lựa chọn được đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, đặc biệt là phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu. Có như vậy thì những mong muốn của cử tri là những tồn tại đó mới có cơ hội từng bước được khắc phục hiệu quả”, ĐB nói.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe doanh nghiệp và có nhiều quyết sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. “Đó là câu chuyện liên quan đến các loại virus như virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm mà các ĐB đã phản ánh. 

Sức công phá của các loại virus này không kém gì virus Corona”, ĐB nói và bày tỏ mong muốn Thủ tướng quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus nói trên, tương tự như tinh thần chống dịch Covid-19 vừa qua.

Cho rằng trì trệ, quan liêu, sách nhiễu đang bào mòn lòng tin của nhân dân, cản trở phát triển đất nước, ĐB Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có thể kêu gọi toàn dân “chống trì trệ, quan liêu, sách nhiễu như chống giặc” để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Đề nghị công bố hết dịch

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, chúng ta có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 đối tác quan trọng nhất quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch Việt Nam. Vì vậy, ĐB đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 quốc gia và vùng lãnh thổ này. 

Với kết quả chống dịch của Việt Nam, ĐB Nhân cho rằng chúng ta cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí. Một là, tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người. Thực tế chúng ta có 3,4 người nhiễm trên 1 triệu dân. Hai là, tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân. Thực tế chỉ là 0,2 người. Ba là, không có người chết.

“Tóm lại, chúng ta bằng những lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước thì có thể vừa khai thác thị trường nước ngoài, đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường trong nước, đầu tư trong nước, phát huy ba sức mạnh Việt Nam, đó là sức mạnh văn hóa, sức mạnh chính trị và sức mạnh về kinh tế của Việt Nam”, ĐB nói.

Phát biểu tranh luận, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng chúng ta phải hết sức cẩn trọng vì hiện vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch. “Làn sóng thứ hai đang treo lơ lửng trên đầu của rất nhiều nước, trong đó có chúng ta. Chính vì vậy, hiện nay khi các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng vì chúng ta vẫn chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với bằng chứng là thị trường chứng khoán vẫn chưa khởi sắc, chúng ta cần phải tiến hành các biện pháp để khẳng định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần phải dựa vào khoa học do ngành Y tham vấn”, ĐB nói.

Theo ĐB Hiếu, chúng ta cần phải làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn của Việt Nam. Quy trình nhập cảnh của khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo các quy định như kiểm dịch, phối hợp với các nước để khách không mang virus vào Việt Nam…

2 kịch bản nợ công

Tại phiên họp, đã có 5 bộ trưởng tham gia giải trình, làm rõ ý kiến các ĐB. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, trong 6 tháng vừa qua, điều đáng mừng là tình hình tai nạn giao thông diễn biến tương đối tốt nhờ Nghị định số 100 của Chính phủ và Nghị định số 10 của Chính phủ về vận tải ô tô đã được ban hành kịp thời và sự đồng tình của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Theo ông Thể, trong 5 tháng vừa qua, theo số liệu báo cáo số vụ tai nạn giao thông đã giảm khoảng 18,45%, số người chết giảm gần 15% và số người bị thương giảm hơn 24%. “Đây là một kết quả hết sức tích cực nhưng để tình hình tai nạn giao thông trong thời gian sắp tới được tốt hơn, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành, các địa phương chúng ta tăng cường xử phạt nguội… Tôi nghĩ rằng nếu các địa phương đồng tình thì tình hình tai nạn giao thông sắp tới sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Liên quan đến tình hình giải ngân các dự án trọng điểm của ngành giao thông, ông Thể cho biết, năm nay, Bộ được giao 37.500 tỷ; đến ngày 30/5, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước của tỉnh gửi về, đã giải ngân gần 12.000 tỷ, đạt tỷ lệ 30,8% cao hơn cùng kỳ hơn 10% và cũng cao hơn bình quân cả nước.

“Do đó, chúng tôi có niềm tin là năm nay tình hình xây dựng cơ bản của Bộ sẽ có chuyển biến tốt và chúng tôi cũng đã cam kết với Chính phủ sẽ cố gắng tập trung để giải ngân tốt nhất”, ông Thể nói. Về dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo ông Thể, đến thời điểm này, Bộ đã được bố trí vốn gần 17.000 tỷ. 

“Đến thời điểm này, 2 dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã giải ngân là 2.700 tỷ, chiếm 27% trên tổng vốn năm nay và chúng tôi phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như đẩy nhanh tiến độ 3 dự án đang triển khai, chúng tôi cũng sẽ cố gắng giải ngân hết vốn trong năm nay”, ông Thể cam kết. 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu ngân sách năm 2020 không đạt mức Quốc hội đã quyết. Dự kiến, trường hợp tăng trưởng GDP năm nay là 4,5% thì bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm. Lúc này, nợ công sẽ là 55,5% GDP.

Trường hợp tăng trưởng GDP đạt khoảng 3,6% thì bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm. Nợ công lúc này sẽ khoảng 56,4% GDP. Tuy nhiên, với cả 2 kịch bản tăng trưởng này, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP và nợ công nhỏ hơn 65% GDP, đáp ứng được các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. 

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự báo chung, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương, là một dự báo tích cực đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, dù nền kinh tế nước ta đang dần trở lại hoạt động bình thường nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, du lịch…

Qua kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm, dự báo nền kinh tế chưa thể tăng trưởng cao trở lại trong quý II. Bộ trưởng Dũng đề cập đến một số giải pháp cốt lõi trong giai đoạn sắp tới như tập trung hỗ trợ ngay cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua đại dịch, nhằm giảm thiểu tối đa khả năng phá sản và hay bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm với giá rẻ; có nhiều chính sách tận dụng làn sóng đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19; cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng và tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế số, đảm bảo hoạt động kinh doanh không tổn hại đến môi trường… 

Đọc thêm