Đối phó dịch bệnh trở thành ưu tiên hàng đầu trên chương trình nghị sự của Croatia cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU hiện tại. Nó đồng thời còn làm cho Croatia không thể thực hiện được như đã dự định sự kiện trọng tâm nhất là hội nghị cấp cao giữa EU và 6 đối tác ở khu vực miền Tây bán đảo Bancan: Serbia, Anbani, Montenegro, Bosnia-Hercegovina, Bắc Macedonia và Kosovo.
Thay vào đó, EU chỉ có 1 hội nghị cấp cao trực tuyến giữa 27 thành viên và 6 đối tác kia. Kết quả của hội nghị này là cam kết của EU về kết nạp những đối tác kia vào liên minh trong tương lai, là sự nhất trí tiếp tục thúc đẩy các quá trình đàm phán giữa hai bên đã được khởi động và thực hiện những gì đã được hai bên thoả thuận với nhau cho đến nay.
Ngoài ra, EU còn cam kết dành cho 6 đối tác này khoản tiền 3,3 tỷ Euro để hỗ trợ đối phó với đại dịch bệnh hiện tại. Lời lẽ rất thân thiện, biểu cảm rất chân tình, nhưng kết quả cụ thể thì chỉ có được như vậy. Chúng có ý nghĩa đối với 6 đối tác kia nhưng trên thực tế chưa đủ để tạo ra bước tiến cơ bản và bước chuyển mang tính đột phá trên quá trình những đối tác này xích lại gần EU hơn. EU duy trì cam kết mở cửa liên minh cho các đối tác này nhưng không vì thế mà việc các đối tác này được kết nạp vào EU trong tương lai trở nên khả thi hơn và thực tế hơn.
Nguyên do chính ở chỗ EU hiện chưa thể kết nạp được các đối tác này vào liên minh nhưng đồng thời lại không dám buông bỏ họ. EU hiện trong tình trạng khó khăn và khó xử như chưa từng thấy trong lịch sử. Nội bộ phân hoá sâu sắc và sự gắn kết giữa các thành viên rệu rã nghiêm trọng.
Chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) tuy là “ván đã đóng thuyền” nhưng quá trình xử lý vẫn chưa xong. Vấn đề người tỵ nạn và nhập cư và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý, dân tộc chủ nghĩa vẫn rất nhức nhối, mối quan hệ của EU với Mỹ, Nga và Trung Quốc vẫn rất phức tạp và trắc trở...
Trong bối cảnh tình hình như thế, đại dịch bệnh hiện tại lại còn đe dọa số phận tương lai của EU. Dịch bệnh làm cho những khó khăn và thách thức lâu nay cũng như mới nảy sinh đối với EU trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, vấn đề mở rộng liên minh, kết nạp thêm thành viên mới vào thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần và thậm chí cả về trung hạn nữa hiện tại hoàn toàn không đặt ra và không cấp thiết đối với EU.
Cũng có thể nói là EU hiện tại hoàn toàn không có khả năng về tổ chức và tài chính cũng như về tâm lý trong nội bộ đủ mức thích hợp và thuận lợi để tiếp nhận thêm thành viên mới. Nhưng EU lại không thể không tranh thủ và níu kéo các đối tác này bằng mọi giá bởi ngoại trừ Kosovo phải sống chết bám giữ vào EU, 5 đối tác còn lại có những sự lựa chọn khác cho tương lai một khi họ thất vọng quá mức về EU và mất lòng tin cũng như hy vọng vào khả năng gia nhập EU.
EU có lợi ích chiến lược lâu dài cũng như trước mắt và có sự cần thiết thật sự trong việc ngăn ngừa các đối tác này tự tập hợp nhau lại, tự thành lập liên minh liên kết và ngả về phía những đối thủ chiến lược của EU là Trung Quốc và Nga. Hai đối tác này và thậm chí cả Mỹ nữa đều có chủ ý tranh thủ các đối tác ấy, tìm cách tập hợp lực lượng với các đối tác ấy để có con chủ bài trong xử lý quan hệ của họ với EU và để gây dựng vùng ảnh hưởng riêng ở châu Âu.
Cho nên với hội nghị cấp cao trực tuyến này, EU không chỉ tiếp tục tỏ tình với 6 đối tác kia mà còn bộc lộ quyết tâm không để cho các đối tác bên ngoài chinh phục những đối tác ở vùng miền Tây bán đảo Bancan.