Bài 1: 'Hoa mắt' vì mọi thứ đều quy ra tiền
Vốn là những đơn vị nghiên cứu được nhiều biệt đãi của Nhà nước, các nhà khoa học khi bước sang môi trường kinh doanh thực sự đã bối rối trước những nỗi lo toan lỗ, lãi hàng ngày của một doanh nghiệp - điều họ chưa từng gặp khi làm việc trong các phòng thí nghiệm.
Thay tên phải đóng ngay tiền tỷ
Viện Nghiên cứu Dệt may là thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam được chuyển đổi từ ĐVSNCL sang CTCP thành công vào tháng 10/2018 với việc bán 100% vốn nhà nước. Theo kế hoạch phê duyệt trước đấy của Bộ Công Thương, Viện này có 117 người nhưng chỉ có 79 người chuyển sang làm việc tại CTCP.
Báo cáo tại Đại hội cổ đông lần đầu của CTCP Viện Nghiên cứu Dệt may cho thấy, trong 3 tháng cuối năm 2018 (thời gian sau chuyển đổi) công ty lãi gần 500 triệu đồng. Kế hoạch lợi nhuận của năm 2019 là 800 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty này đang phải đứng trước khó khăn rất lớn là phải trả khoản tiền thuê đất.
Được biết, trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho Viện Nghiên cứu Dệt may thuê đất miễn phí trong thời hạn 50 năm. Nhưng sau khi có phê duyệt chuyển đổi mô hình, đơn vị này đã nhận được “trát” yêu cầu phải “trả tiền thuê đất”, với con số lên đến gần 4 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Viện Nghiên cứu Dệt may, hiện đơn vị đã làm hồ sơ để xin miễn tiền thuê đất như ĐVSNCL trước khi CPH và chờ Ban chỉ đạo CPH Bộ Công Thương chỉ đạo hạch toán khoản tiền thuê đất vào khoản mục nào, tính ra sao khi phát sinh khoản này.
Tương tự, CTCP Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI) phải trả mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng tiền thuê đất dù công ty là đơn vị đang hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là đối tượng được miễn tiền thuê đất.
Ngoài ra, IMI còn gặp khó khăn trong việc phải tính tất cả tài sản, bao gồm phòng thí nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thành phần vốn nhà nước trong quá trình chuyển đổi thành CTCP.
Cụ thể, theo ông Đỗ Văn Vũ, Chủ tịch HĐQT IMI, trong quá trình hoạt động, IMI được Nhà nước đầu tư một số phòng thí nghiệm, phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo. Do đó, khi chuyển đổi sang mô hình CTCP, giá trị phòng thí nghiệm được cộng vào phần vốn nhà nước chiếm tới 40% giá trị thực tế vốn nhà nước tại IMI nên đơn vị sẽ phải hạch toán vào giá thành sản xuất khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Đây là khó khăn đối với IMI trong những năm đầu khi hoạt động theo mô hình CTCP, chưa kể việc còn phải trả cổ tức trên phần vốn đầu tư là phòng thí nghiệm hàng năm.
Ông Vũ cho hay, đến thời điểm này, phần vốn Nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của IMI thiếu hụt trên 27 tỷ đồng (trong tổng số 48,7 tỷ đồng vốn nhà nước góp tại IMI). Điều đó trực tiếp tạo ra một phần khó khăn về vốn kinh doanh, hạn chế đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của IMI. Thiếu vốn dẫn đến không đầu tư được nhà máy sản xuất để chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm nên đã hạn chế khả năng thâm nhập thị trường, thương mại hóa các sản phẩm mới và làm giảm khả năng cạnh tranh của Viện IMI.
Phải trả cổ tức cho… phòng thí nghiệm?
Trao đổi với PLVN, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, quá trình chuyển đổi từ các ĐVSNCL thành CTCP gặp khá nhiều khó khăn, nguyên nhân cốt lõi chính là việc thiếu đồng bộ về cơ chế chính sách. Số ĐVSNCL chuyển sang CTCP đã ít song việc chuyển đổi vẫn đang dở dang, đơn cử như ở IMI, dù đã CPH 5 năm nay vẫn chưa xong quyết toán.
Đồng tình với chủ trương tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đại diện IMI cho rằng, việc chuyển đổi các viện nghiên cứu cần được xem là quá trình chuyển đổi hình thức hoạt động theo mô hình CTCP (không áp dụng như CPH doanh nghiệp thông thường), cần có cơ chế riêng, đặc thù để các đơn vị vận dụng; ngoài ra, khi xác định giá trị DN để chuyển đổi viện nghiên cứu, nên cho phép không tính giá trị tài sản phòng thí nghiệm, tài sản kết quả khoa học và công nghệ vào giá trị thực tế phần vốn nhà nước, nhằm giảm gánh nặng cho các viện nghiên cứu sau CPH.
Trong trường hợp bắt buộc phải xác định, Chủ tịch HĐQT IMI đề xuất, Chính phủ cho phép DN sau CPH được miễn trả cổ tức tương ứng với phần vốn nhà nước từ các phòng thí nghiệm, trong thời gian tối thiểu 5 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo như ưu đãi với hoạt động chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất theo quy định hiện hành.
Một điều quan trọng, theo đại diện IMI, khi xây dựng và phê duyệt phương án CPH, cần duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của DN từ 36% trở lên; đồng thời cho phép dành tỷ lệ cổ phần thỏa đáng để bán ưu đãi cho các cán bộ khoa học, cán bộ chủ chốt của viện nghiên cứu; qua đó, đảm bảo tỷ lệ cổ phần biểu quyết (gồm cổ phần nhà nước và cổ phần của cán bộ khoa học đạt trên 51% vốn điều lệ) sẽ thuận lợi hơn trong quá trình quyết định mô hình, định hướng chiến lược hoạt động nhằm duy trì chức năng nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực của các viện nghiên cứu.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có giải pháp hữu hiệu để các viện nghiên cứu sau CPH phát triển theo đúng các hoạt động cốt lõi (nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất) và hỗ trợ hoạt động của các viện thông qua các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp bộ và cấp quốc gia.
Đại diện IMI cũng kiến nghị, các viện nghiên cứu sau CPH không nên thuộc đối tượng phải chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. (còn tiếp)
Có “trát” đòi tiền của Hà Nội sau khi thành CTCP
“Viện Nghiên cứu Dệt may trước đó được thuê đất miễn phí trong thời hạn 50 năm. Nhưng sau khi có quyết định phê duyệt chuyển đổi mô hình hoạt động, đơn vị này đã nhận được “trát” yêu cầu phải “trả tiền thuê đất”, với số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng”.