Dòng chảy Bạch Đằng Giang - không chỉ là huyền thoại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có một không gian mà ở đó, mỗi người đều thấy sự tĩnh tại, lòng ngưỡng vọng chiêm bái về các vị tiền nhân, mà không chút xô bồ, chen chúc ngay trong những lễ hội mùa xuân - đó là Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên - Hải Phòng).
Quảng trường chiến thắng tạo nên cảm xúc mãnh liệt nơi có bãi cọc giả định và ba bức tượng đài lớn của ba vị anh hùng ghi dấu ấn trên dòng sông Bạch Đằng. (Ảnh: PV)
Quảng trường chiến thắng tạo nên cảm xúc mãnh liệt nơi có bãi cọc giả định và ba bức tượng đài lớn của ba vị anh hùng ghi dấu ấn trên dòng sông Bạch Đằng. (Ảnh: PV)

Còn mãi hào khí Đông A

Từ sông Bạch Đằng nhìn vào, Khu di tích Bạch Đằng Giang - Tràng Kênh như một Hạ Long trên cạn với nhiều núi non hùng vĩ. Tràng Kênh cũng là vùng đất lưu giữ di chỉ của người Việt cổ. Nơi đây, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 diễn ra ba trận quyết chiến chiến lược. Cả ba lần đều dùng trận địa cọc, cả ba lần đều chỉ xảy ra trong một ngày, một con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn.

Trong đàm luận về các cuộc chiến thắng trên sông Bạch Đằng, nhiều ý kiến đều khẳng định: “Nói về tầm vóc thì ba trận chiến Bạch Đằng là ba cuộc thủy chiến thuộc diện lớn nhất thế giới…”.

Cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng cho biết, từ xa xưa, thành phố Hải Phòng, vùng đất cửa biển miền Đông Bắc Tổ quốc luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các triều đại phong kiến nước ta đều xác định vùng đất này là yết hầu của kinh thành.

Năm 938, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã sử dụng trận địa cọc gỗ, vận dụng quy luật thủy triều, lãnh đạo Nhân dân, tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Và chỉ trong một ngày, quân và dân ta đã đánh tan toàn bộ quân xâm lược, kết thúc chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc.

Trên dòng sông Bạch Đằng năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục sử dụng phương pháp trận địa cọc gỗ để tổ chức kháng chiến, đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của triều đình nhà Tống, giữ vững nền độc lập, tự chủ, đưa đất nước Đại Cồ Việt bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển hùng mạnh.

Cũng trên dòng sông Bạch Đằng, năm 1288, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn một lần nữa đã vận dụng sáng tạo địa hình, trận địa cọc gỗ và quy luật sông nước Bạch Đằng lãnh đạo quân và dân nhà Trần với hào khí Đông A đã nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông, lập nên một trong những chiến công oai hùng bậc nhất trong lịch sử, chấm dứt giấc mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á của đế chế Nguyên Mông, mở ra một thời kỳ phát triển rực rỡ cho quốc gia Đại Việt. Ngày nay, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được ghi danh là một trong 10 vị tướng tài nhất thế giới…

Trong cả ba cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nói trên, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hải Phòng luôn có những đóng góp to lớn. Những người nông dân, ngư dân miền cửa biển đã trở thành những chiến binh, dân binh đứng dưới ngọn cờ của các vị anh hùng dân tộc. Từ đây tên tuổi Bạch Đằng Giang đã trở thành bất hủ, trong Việt sử tiêu án, tác giả Ngô Thì Sỹ đánh giá: “Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi…”.

Niềm tự hào về dòng sông Bạch Đằng, về những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc đã góp phần hun đúc nên bản sắc, phẩm chất của các thế hệ người dân Hải Phòng. Đó là tinh thần trung kiên, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Phẩm chất đó đã được phát huy liên tục trong suốt dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm cho tới ngày nay và trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Đầu năm 2021, Khu di tích Bạch Đằng Giang được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị đặc biệt của Khu di tích.

Những cảm xúc mãnh liệt

Hàng năm, Khu di tích tổ chức nhiều dịp lễ, ngoài lễ hội đầu xuân, lễ khai ấn đền Trần 14 tháng Giêng, ngày giỗ Vua Lê Đại Hành 18 tháng Giêng, tính theo âm lịch còn có Đại lễ Phật đản vào 15/4; Lễ Vu lan 15/7; ngày giỗ Đại vương Trần Quốc Tuấn 20/8…

Đây cũng là một trong số ít địa điểm trong cả nước thực hiện ba không: “không thương mại, không buôn bán hàng quán tại Khu di tích; không thu bất kỳ một loại phí nào khi du khách vào tham quan, kể cả phí gửi xe; không rác thải, Khu di tích luôn luôn được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ”.

Chị Lan Anh (Hà Nội) bày tỏ: “Mình đến Bạch Đằng Giang hàng năm cầu mong gia đình bình an, hạnh phúc, đất nước phát triển. Đến đây mình rất thoải mái, hoan hỉ và không chen chúc như các nơi khác. Đặc biệt, mỗi năm đến đây mình lại thấy khung cảnh thêm sạch sẽ khoa học, được chăm sóc rất chu đáo. Từ nhiều năm trước mình đã rất bất ngờ khi người đi lễ không mất phí gì, kể cả trông xe, khu vệ sinh sạch sẽ, văn minh, nước uống thì được miễn phí”…

Cụ Bùi Văn Đế, 85 tuổi, người cao tuổi nhất ở đội Lễ tế thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên - Hải Phòng) chia sẻ: “Đội tế của chúng tôi đến nay đã 30 năm ở đền Trần Quốc Bảo thị trấn Minh Đức. Trước đây bác Thành (cố Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Thành) về xem lễ tế và mời chúng tôi sang đây trong tất cả các dịp giỗ, hội của các ngài trong khu di tích như tế tại đền thờ Bác Hồ, đức vua cha, đức Thánh Trần... Là người con của quê hương Thủy Nguyên, năm nay đã 85 tuổi, tôi rất tự hào về Khu di tích quốc gia Bạch Đằng Giang, với điệu tế cổ truyền từ đời này sang đời khác, tôi như thấy 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần đến thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang đã ghi nhận và hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã gìn giữ, đầu tư, tôn tạo, tu bổ Khu di tích lịch sử đặc biệt quý giá này. Tổng Bí thư mong muốn: Khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên không chỉ là nơi tham quan, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng dân tộc mà còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau…

Theo BQL Khu di tích Bạch Đằng Giang: khu di tích rộng 20ha, nơi đây nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được Nhà nước công nhận năm 1962. Tại đây có ngôi miếu cổ thờ các vong linh tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên sông Bạch Đằng.

Sau đó, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nâng cấp, tôn tạo từ năm 2008. Từ cổng vào, một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của Vua Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Đại vương Trần Hưng Đạo.

Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Vua Lê Đại Hành. Tiếp đó, dọc theo con đường rợp bóng mát của những hàng cây lưu niệm là đền chính thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự thiên tài góp công lớn trong ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông và tạo nên hào khí Đông A của triều Trần - triều đại anh hùng bậc nhất của lịch sử Việt Nam.

Nằm ở trong cùng là đền Tràng Kênh nơi thờ vị Tổ Trung hưng của Việt Nam - Ngô Quyền năm 938. Khi vào với sân tế lễ chúng ta sẽ bắt gặp là hình ảnh của hai chú voi phục nằm hai bên được làm hoàn toàn bằng đá ong từ làng cổ Đường Lâm quê hương của Ngô Quyền.

Và nữa, Khu di tích Bạch Đằng Giang còn có nơi thờ riêng mà nhân dân dành cho lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Dù Người không có mặt trong những cuộc chiến đã xảy ra trong quá khứ liên quan đến bãi cọc Bạch Đằng, nhưng Người là thế hệ của lịch sử cận đại đem lại bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và mở ra chương mới của đất nước.

Hàng năm, Khu di tích đã đón hàng ngàn học sinh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Có thể nói, với nhiều hạng mục như Khu Nhà bảo tàng: trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - nhân chứng lịch sử của Chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần; Quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng; khu rừng lim, vườn tượng mô phỏng hoạt động chế tác cọc Bạch Đằng... nằm bên con sông lịch sử xuôi ngược, chúng ta như gặp quá khứ hào hùng và cuộc sống ngày thường đan xen.

Bởi thế, khu vực tạo nên cảm xúc mãnh liệt hơn cả chính là khuôn viên cuối của Khu di tích Bạch Đằng Giang, nơi có bãi cọc giả định và ba bức tượng đài vô cùng lớn của ba vị anh hùng ghi dấu ấn trên dòng dòng sông Bạch Đằng, tạo nên một bức tranh vô cùng chân thực và cảm động. Ba vị anh hùng tiền nhân lồng lộng giữa mây trời, sóng nước nơi cửa biển, để chúng ta thêm tự hào, trân quý giá trị của hòa bình, của tinh thần dựng nước và giữ nước chảy mãi đến muôn đời…

Và cũng tại đây một điều kì diệu mà 3000 năm mới có, là hoa Ưu Đàm Bà La đã nở trên chuông đồng. Cũng như thật khó lý giải khi đi vào khu di tích, chúng ta bắt gặp những cây đại thụ xanh tốt như đã hàng ngàn năm tuổi, nhưng thực tế chúng mới được mang về trồng hơn 10 năm qua…

Cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, người con của Hải Phòng tin tưởng rằng, Khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ thực sự trở thành địa chỉ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bởi thế, vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng không chỉ trở thành một địa danh lịch sử đi vào tiềm thức của người dân Hải Phòng như một ký ức không thể nào quên về một chiến công vĩ đại chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tầm vóc ấy trải qua hàng nghìn năm vẫn luôn chói lọi trên đỉnh cao lịch sử, âm vang hào khí Bạch Đằng Giang - Việt Nam.

Ngày 1/3/2024, thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024, Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề và dâng hương tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang và dâng hương tại Tượng đài nữ tướng Lê Chân.